Câu chuyện “Tiền nào của nấy”
Cập nhật ngày: 15/07/2017 05:37:12
Để nói về sự tương thích giữa chất lượng và giá cả, ông bà mình có câu: “Tiền nào thì của nấy” thôi mà! Thì ra là vậy, suy nghĩ đó hình như đang phổ biến và ăn sâu vào đời sống xã hội chúng ta, phải vậy không?
Vừa rồi được đi nước ngoài, đứng nhìn một công trường đang xây dựng, thấy thiệt là chỉn chu. Mặt tường được tô trát phẳng phiu. Gờ cạnh thì thẳng tắp. Gạch dán thì sắc nét, đường hồ trét đều tăm tắp. Có người thốt lên: “Ồ sao họ làm đẹp, sắc sảo hơn nhiều công trình của xứ mình quá”! Có người nói lại liền: “Thì tiền nào của nấy thôi, chắc là do đơn giá định mức xây dựng của họ cao hơn nên thợ thầy mới làm tốt như vậy”! Ờ... ờ, thì ra là “tiền nào của nấy“!
Có lần, nghe phản ảnh sao cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập của mình ít cười quá, một bác sĩ liền phân trần: “Thu nhập thấp thì phải chịu vậy thôi. Thì đó, ở bệnh viện tư nhân do thu nhập cao nên rộn ràng tiếng cười, ở đó, không chỉ có nụ cười, mà còn ân cần lịch sự nữa kìa”. Ờ... ờ, vậy là cũng tại, bởi, vì: ... “Tiền nào của ấy thôi”!
Trong ngành Giáo dục thì lâu lâu lại rộ lên chuyện dạy thêm, học thêm. Xã hội quan tâm và bàn ra, bàn vô sôi nổi. Có người nói: “Cũng tại thu nhập thấp nên giáo viên phải bớt kiến thức dạy trong trường để còn dạy thêm nữa chứ. Nếu lương bổng nhà giáo mà tăng thì sẽ còn tình trạng dạy thêm nữa không”?!? Lại ờ ... ờ, cũng là do “tiền nào của nấy” rồi?!?
Rồi trong bộ máy hành chính nhà nước cũng vậy. Người ta đổ là do chế độ tiền lương thấp quá nên công chức chểnh mảng giờ giấc, “chân ngoài dài hơn chân trong”, công chức ít cười quá, tinh thần trách nhiệm kém quá. Nếu lương được tăng lên thì sẽ thay đổi hình ảnh công chức lạnh lùng cho mà coi!... Vậy là, cũng “tiền nào của nấy” nữa rồi?!?
Đúng là, không thể duy ý chí khi thu nhập thì thấp mà mong muốn chất lượng, hiệu suất công việc lại yêu cầu cao. Hình như là vậy, mà hình như cũng không hẳn là vậy!
Đọc báo mà xem, nhiều người nghèo, từ chị bán vé số đến anh bán ve chai, vẫn miệt mài, thầm lặng làm những công việc thiện nguyện đó. Nhiều tấm gương y bác sĩ, thầy cô giáo thu nhập đâu có cao, lại còn lo cho gia đình, con cái nhưng vẫn tận tuỵ với thiên chức của mình. Nhiều cán bộ, công chức với đồng lương ít ỏi vẫn tận tâm với công việc, tận tình với người dân khi đến giao dịch với cơ quan công quyền. Vậy câu “tiền nào của nấy” trong những trường hợp này thì sao đây?
Đó chính là văn hoá làm việc! Làm việc với tinh thần tự trọng, biết tự hào về giá trị công việc của mình là để đóng góp cho cuộc đời vì cuộc đời đã cho từng người nhiều thứ lắm. Có một câu chuyện hay hay. Một người đi ngang công trình xây dựng thấy một nhóm thợ đang xây xây, trát trát, hỏi các anh đang làm gì? Anh thợ đầu tiên trả lời: “Tôi đang xây một bức tường”. Người thợ thứ hai thì trả lời: “Tôi đang xây một ngôi nhà”. Người thợ cuối cùng thì hãnh diện trả lời: “Tôi đang góp phần xây dựng một thành phố xinh đẹp”. Vậy đó, tâm thế làm việc thế nào thì sẽ trút hồn vào công việc thế đó. Người ta làm việc vì được tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống và niềm tự hào vì đã mang lại một thành quả cho những người chung quanh và xã hội.
Văn hoá được hình thành bằng cả một quá trình được giáo dục từ nhỏ và được vun đắp cho đến khi trưởng thành. Ở nhiều quốc gia, người ta không chỉ dạy cho người khác biết phải làm việc gì, mà trước hết là phải biết ý nghĩa của việc mình làm mang lại giá trị gì cho xã hội. Ở những người thợ xây, một khi mỗi người thẩm thấu được giá trị công việc của mình thì đường hồ sẽ thẳng tắp hơn, gờ cạnh sẽ sắc sảo hơn, ngôi nhà sẽ chắc chắn, xinh đẹp hơn. Người thầy thuốc một khi nhận ra giá trị công việc của mình, sẽ thấy rằng một nụ cười, một lời sẻ chia đâu có tốn kém gì hơn đâu mà lại giúp làm vơi đi nỗi đau của người bệnh. Thầy, cô giáo một khi thấu hiểu sứ mạng trồng người, sẽ tận dụng từng tiết giảng để truyền đi khát vọng, thắp lên ngọn lửa đam mê cho học sinh. Cán bộ, công chức một khi nhuần nhuyễn giá trị phục vụ nhân dân, sẽ dồn mọi tinh lực để công việc được xử lý nhanh hơn, góp phần cho guồng máy chạy trơn tru hơn, người dân, doanh nghiệp sẽ được nhận kết quả nhanh hơn, địa phương sẽ phát triển nhanh hơn.
Chúng ta có hẳn một chủ đề “Văn hoá công sở”. Văn hoá công sở chẳng qua là tổng hợp văn hoá làm việc của mỗi thành viên trong công sở đó. Đơn giản vậy thôi!
Có một danh nhân đã phân tích: “Sự trưởng thành bắt đầu vào ngày chúng ta chấp nhận trách nhiệm đối với hành động của bản thân mình”. Vậy, từng người chúng ta đã thực sự trưởng thành chưa?
Xích Lô