Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cập nhật ngày: 20/06/2017 20:57:26
Lâu lâu cũng "lẩy" Kiều một lần cho vui. Đọc "Bốn mươi năm nói láo" của nhà văn kiêm nhà báo Vũ Bằng thấy ổng mở đầu bằng 2 câu Kiều: "Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa". Vậy đó, "người chọn nghề hay nghề chọn người" thì giờ đã vậy rồi, các bạn đang làm báo và đã là một nhà báo của mảnh đất này rồi. Cuộc đời dù có run rủi thế nào thì giờ các bạn vẫn nên đặt tay lên ngực mình (chớ đừng nên vỗ ngực xưng tên nghen) mà thốt lên rằng: Tôi một nhà báo đất Sen hồng! Hoặc đêm đêm các bạn có thể nhoẻn miệng cười trong giấc ngủ rằng mình đã là một nhà báo, đang là một nhà báo và mãi sẽ là một nhà báo cho đến sức cùng, lực kiệt.
Làm nghề gì thì cũng cần đam mê, cũng cần "cháy" hết lòng. Khi thấy tự hào với nghề thì bạn mới thấy ý nghĩa của việc mình làm, nghề mình chọn. Không cần "đao to búa lớn" rằng, báo chí là "quyền lực thứ tư" như người ta gán ghép "tước danh" này nọ, chỉ cần yêu nghề và yêu người, yêu cuộc đời này thôi là cũng "được" rồi, là "đủ" rồi!
Mỗi lần tôi nghĩ đến nghề làm báo là liên tưởng ngay đến những nhà báo tiền bối, gần xa. Các bạn đã đọc "Thế giới phẳng" chắc biết đến tác giả Thomas Friedman - một nhà báo thực thụ đấy. Quyển sách của nhà báo này từng một thời được thiên hạ sôi nổi tranh luận từ diễn đàn này đến hội thảo kia, từ cơ quan truyền thông này đến hãng thông tấn kia. Một nhà báo với góc nhìn chính luận đã dẫn dắt cả thế giới này đến câu chuyện "thế giới phẳng hay không phẳng?".
Tôi muốn nhắc đến "Thế giới phẳng" và "Thomas Friedman" là để liên tưởng đến một nghề cần hệ thống kiến thức tổng hợp, cần đến mối quan hệ xã hội rộng, cách nhìn sắc bén, chuyển tải được những thông điệp để dẫn dắt người đọc, người nghe, người xem đồng hành với những khám phá mới, những phát hiện mới. Muốn vậy, người làm báo phải học, học và ... học, phải đọc, đọc và ... đọc. Không học liên tục, không đọc nhiều, không nghiên cứu sâu thì mãi mãi chỉ có thể quanh quẩn với cái mình đã học đâu đó ở trường này - lớp nọ, mà với sự thay đổi không ngừng thì với những cái mình có, điều mình nghĩ thì có khi đã lạc hậu lắm rồi. Một tác phẩm báo chí dù ngắn hay dài đều phải sâu sắc từng câu chữ một. Đừng hời hợt, dễ dãi với "đứa con tinh thần" của mình. Từng chuyên trang, chuyên mục phải sâu sắc, phải có "hồn". Và hơn hết là phải có trách nhiệm với người đọc, người nghe, người xem và trách nhiệm với chính mình. Nói về nông nghiệp thì phải thấm đẫm hơi thở của đồng của ruộng, của cây của trái, phải "đọc" được trong ánh mắt, trong nghĩ suy của người nông dân. Viết về con người thì phải lột tả được tính nhân văn, hay là đau đáu làm sao giúp họ hun đúc ý chí vượt lên nghịch cảnh, dám đứng lên ngay từ chỗ thất bại, sai lầm…
Trong một thế giới đa chiều, người làm báo cần phải có cái nhìn đủ tinh tế để có thể nắm bắt và phản ảnh bức tranh sinh động của cuộc sống muôn màu. Trong một xã hội vận động không ngừng và luôn tác động lẫn nhau, người làm báo cần phải có kiến thức đủ rộng để không rơi vào phiến diện. Trong sự nhạy cảm của dư luận, người làm báo cần phải đủ tỉnh táo cân phân cảm xúc để làm sao vừa lột tả được những "hỉ, nộ, ái, ố", vừa không làm tổn thương cộng đồng.
Quê hương mình đang từng ngày đổi thay, nhưng chắc rằng nhiều người trong đó có các nhà báo, những người với đôi chân đã đến tận "hang cùng, ngõ hẻm", chưa thật sự bằng lòng. Mà cũng đúng thôi, bằng lòng là tự đi vào ngõ cụt rồi. Bằng lòng sao được khi hàng ngày còn bao điều "trái khoáy" trong xã hội, bao chuyện "chướng tay - gay mắt" đâu đó từ nông thôn ra đến phố thị, từ trong cuộc sống của người dân cho đến sự vận hành của tổ chức bộ máy. Bằng lòng sao được khi mà đây đó vẫn đang say sưa đếm tiềm năng và thế mạnh mà loay hoay mãi vẫn chưa biết cách đánh thức khi nó đang ngủ yên. Bằng lòng sao được khi nhiều giá trị xã hội đang bị đảo lộn, không biết đâu là thật, đâu là giả. Bằng lòng sao được khi đây đó có những hành xử không đúng mức giữa người và người, giữa chính quyền và người dân, thậm chí giữa những người làm báo với nhau. Bằng lòng sao được khi vẫn còn nhiều góc khuất đây đó.
Song, nếu nhìn cuộc sống như thế nào thì "tác phẩm" sẽ hiện ra thế ấy. "Đừng tô hồng màu đen và cũng không được bôi đen màu hồng". Hãy hành xử có trách nhiệm bằng trang báo, thước phim của mình. Hãy nâng niu từng mầm non mới nhú. Hãy chăm chút từng vị ngọt đầu đời. Hãy phát hiện bằng linh cảm những đóm lửa nhỏ và giúp thổi bùng lên đám cháy của sự khát vọng vươn lên đâu đó trên mảnh đất còn nhiều gian khó này. Hãy thắm đẫm trong trang viết, khuôn hình bằng "tình đất - hồn người", đậm chất nhân văn.
Chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông đa phương tiện, ai cũng có thể làm báo và "biết làm báo". Hãy nhìn vào những mạng xã hội, bên cạnh những thông tin nhanh nhạy, hầu như là lập tức đã đánh động lòng trắc ẩn của xã hội, thì bao nhiêu là những thủ thuật "câu like", với những dòng "status", thì thấy xã hội phức tạp vô cùng, một sự việc hiện tượng xảy ra là ngay lập tức được đưa ra mổ xẻ, bình luận, thậm chí "tát nước theo mưa, đánh hội đồng". Nhưng xin đừng lấy những tờ báo lá cải, những trang mạng rác rưởi tầm thường mà hạ thấp vai trò của báo chí và sứ mạng của người làm báo.
Chúng ta đang sống trong lòng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hình ảnh con "Thiên nga đen" là ẩn dụ chỉ "những điều không ai nghĩ sẽ xảy ra nhưng vẫn có khả năng xảy ra". Những người làm báo cũng vậy, hãy phát hiện "những điều không ai nghĩ ra" để dẫn dắt xã hội cùng nhau nhận thức những điều mới mẽ trong cuộc đời đáng yêu này. Phải đi đến cùng câu chuyện chứ đừng vội bỏ dở nửa chừng.
Đáng trân trọng thay nghề làm báo. Đáng tôn vinh thay người làm báo. Nhưng, muốn vậy, mỗi người làm báo phải đam mê đến cháy bỏng, phải dấn thân đến tận cùng, phải có khát vọng cống hiến, "tâm phải thật sáng lòng phải thật trong, bút phải thật sắc", sắc như lời Bác Hồ căn dặn: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà…!"
Nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Nadim Hikmet đã thốt lên: "Nếu anh không đốt lửa/Nếu tôi không đốt lửa/Nếu chúng ta không đốt lửa/Thì làm sao biến bóng đêm thành bình minh rực rỡ".
Vậy chúng ta cùng "đốt lửa" nhé, các nhà báo đất Sen hồng của tôi!
Xích Lô