Câu chuyện ngày tựu trường
Cập nhật ngày: 05/09/2017 07:40:04
Vậy là, lại đến ngày tiếng trống trường vang lên báo hiệu một năm học mới bắt đầu. Cứ đến gần cái ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường“ là rộn ràng cả xã hội. Cấp này hội thảo, cấp kia toạ đàm; ngành này phối hợp, hội kia hỗ trợ; trường này mới xây xong, lớp kia vẫn còn mùi sơn mới. Rồi nào tập vở cho học trò nghèo, nào cặp sách cho các em khó khăn. Rồi công luận phân tích thế này, thế kia: thế nào là “triết lý giáo dục“, thế nào là “đổi mới căn bản, toàn diện“... Tất cả đều hy vọng một điều gì đó thật mới mẻ trong năm học mới.
Câu chuyện đổi mới giáo dục của đất nước chắc còn được bàn luận nhiều lắm và lâu lắm. Có những vấn đề phải được đặt ra ở tầm vĩ mô, như định hình “triết lý“, phương pháp giảng dạy, giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, lấy học sinh làm trung tâm... thay đổi sách giáo khoa, rồi cung - cầu, rồi khai phóng... Nhưng trong thực tế, có những vấn đề có thể thay đổi nhỏ từ cơ sở nhưng mang lại kết quả lớn nếu đội ngũ cán bộ quản lý, quý thầy cô giáo ở bất kỳ ngôi trường nào trên mảnh đất Sen hồng này “mới mẻ hơn trong cách nghĩ, mạnh mẽ hơn trong cách làm“.
Cả về lý luận lẫn thực tiễn trong quá trình đổi mới đều minh chứng một điều là: có thể có những thay đổi từ bên dưới để tác động và góp phần vào sự nghiệp đổi mới chung cho cả đất nước. Như vậy, không phải mọi vấn đề đều phải chờ đợi từ bên trên. Quê hương xứ sở là của mình, học sinh thân yêu là của mình thì trách nhiệm chăm lo, gieo mầm bằng cả trái tim cháy bỏng, bằng tất cả trách nhiệm và lòng tự hào là của mình chứ ai vào đây nữa? Người thầy dù dạy bất cứ bộ môn nào, thì ngoài truyền đạt kiến thức đều cũng có thể lồng ghép vào mỗi tiết học, mỗi buổi sinh hoạt để đốt lên ngọn lửa khát vọng cho học sinh của mình. Người thầy phải giúp cho các em có một niềm tin rằng: “Người khác có thể thì tôi cũng có thể“. Nhưng trước khi “đốt lên ngọn lửa khát vọng cho học sinh của mình“ thì chính người thầy cũng cần “đốt lên ngọn lửa nhiệt huyết trong chính trái tim mình“!
Một mẫu chuyện thu nhặt được đây đó là quý thầy cô có thể khiến các em thay đổi nhận thức, và từ nhận thức chuyển hoá thành hành động tự thân để hình thành kỹ năng sống của những con người trong thời đại hội nhập để trở thành công dân toàn cầu. Một câu chuyện ngụ ngôn ẩn chứa trong đó những bài học luân lý sẽ dần hình thành trong các em cách nhìn nhận về con người và thiên nhiên. Một sự so sánh giữa những hành vi từ những con người đến từ các nền văn hoá khác nhau có thể kích thích tinh thần vươn lên ở các em và các em biết tự tin vào chính bản thân mình. Tất cả điều đó sẽ giúp các em có thái độ học tập tốt hơn hôm nay và làm việc tốt hơn mai này. Tất cả sẽ góp phần hình thành trong các em cách sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Thiên hạ người ta không chỉ hướng đến mục tiêu "học để biết" mà quan trọng hơn là "học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình". Chúng ta thì đang ở đâu trong triết lý đầy tính nhân văn này?!?
Đúng là thu nhập của nghề giáo còn chưa tương xứng với sứ mạng “trồng người“. Đời sống một bộ phận nhà giáo nếu chỉ chăm bẳm vào đồng lương chắc còn nhiều vất vả lắm. Nhưng đây đó vẫn có những người thầy đã vượt qua, làm tròn thiên chức của mình bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm, sự sáng tạo trong từng tiết dạy. Trong mỗi con người hay trong mỗi công việc, thì kiến thức và kỹ năng chỉ chiếm 20% cho sự thành công, 80% còn lại chính là thái độ đối với công việc và cuộc sống. Hãy nhìn vào gương mặt sáng trong của học sinh, nhìn vào sự kỳ vọng của các bậc cha mẹ, nhìn vào mảnh đất còn nhiều gian khó này để quý thầy cô tự hun đúc cho mình một tinh thần mới trong một năm học mới. Khẩu hiệu: "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" đâu chỉ dành cho học sinh mà cho cả giáo viên và cán bộ quản lý!
Trên mảnh đất này nhìn đâu cũng có những thầy cô giáo, cán bộ quản lý tâm huyết lắm, khát vọng lắm. Vấn đề là những người lãnh đạo và cán bộ quản lý làm sao biết khơi gợi, truyền cảm hứng và kết nối lại để hợp thành những “liên minh thay đổi“ vì vốn dĩ “không ai có thể thành công nếu chỉ đi một mình“. Chắc là không khó lắm đâu nếu mỗi người đều mang trong mình tâm thế “nhất định phải làm, mọi việc đều có thể làm được; khi cùng ngồi lại thì không gì là không thể“.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang như là một vòng xoáy làm biến đổi các quốc gia, địa phương, trong từng tổ chức và trong mỗi con người. Lời Bác Hồ đã tin tưởng gửi gắm cho tất cả chúng ta: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không..." phải là nỗi trăn trở của ngành Giáo dục và trong mỗi nhà giáo. Sự nghiệp “trăm năm trồng người“ có thành công hay không tuỳ vào chúng ta gieo những “hạt giống tâm hồn“ hôm nay như thế nào! Một nguồn nhân lực chất lượng cao, những “hiền tài là nguyên khí quốc gia“, được hình thành trong tương lai phụ thuộc vào cách hôm nay chúng ta biết khơi nguồn sáng tạo cho những học sinh của mình như thế nào.
Nhà bác học Galileo từng nói: "Không có ai là kho kiến thức, nếu người ta không học cách đặt ra câu hỏi và tự tìm cách trả lời nó". Vậy thì, từng cán bộ quản lý trước khi bước vào cổng trường, từng người thầy trước khi bước vào cửa lớp, hãy đặt cho mình những câu hỏi và tự tìm cách trả lời. Hãy học và vận dụng phương châm thành công của người Nhật là "5 Why?" - 5 lần đặt câu hỏi tại sao, được không?
Một nhạc sĩ đã viết nên những ca từ nghe thật tha thiết: "Chân lý thuộc về mọi người không chịu sống đời nhỏ nhoi“! Hãy sống không nhỏ nhoi! Hãy đặt bàn tay lên trái tim mình và tự nhủ rằng: “Tôi, người giáo viên Đất Sen hồng, là một phần máu thịt của mảnh đất này, sẽ góp phần làm cho xứ sở thịnh vượng bằng cách từ hôm nay sẽ thay đổi, cùng nhau thay đổi“!
Tiếng trống trường đang giục giã tất cả chúng ta cùng thay đổi vì quê hương xứ sở tươi đẹp này!
Xích Lô