Câu chuyện trái cà na
Cập nhật ngày: 24/07/2017 15:21:51
Mấy hôm trước, tham dự lễ ra mắt "Minh Hòa Hội quán" ở Thanh Mỹ, một xã Anh hùng, một vùng căn cứ kháng chiến hào hùng ngày nào, có câu chuyện về trái cà na, giờ kể lại cho vui.
Số là, trong bữa cơm mừng ngày bà con mình tự nguyện tham gia vào Hội quán, có người đem ra mấy trái cà na còn tươi rói. Chắc những người lớn tuổi trong ký ức tuổi thơ đều không ít thì nhiều có hình ảnh và hương vị của trái cà na nho nhỏ kết thành chùm trên loài cây mọc dại bên bờ kênh rạch. Ăn sống thì vị chua chua chát chát, chấm với chút muối ớt hoặc ngâm chua chua, ngọt ngọt. Coi vậy mà, cũng là niềm vui của tuổi thơ quê nghèo. Vì vậy, mới có câu ca dao nghe não ruột: "Xứ đâu là xứ quê mùa/Về thăm quê ngoại được vùa cà na".
Trở lại trái cà na ở hội quán hôm đó, ai đó nói đây là trái cà na Thái chớ hổng phải giống cà na của mình đâu! Trái cà na người ta thì lớn hơn và ngon hơn trái cà na của mình. Rồi có người chen vào: “Ngay cả trái cà na mà mình cũng chậm hơn người Thái nữa rồi“! Người khác lại chêm vào: “Ừ hén, sao nông sản xứ mình trước nay đều có dính dáng đến xứ Thái vậy?“ Ngày xưa thì mình ghép chữ Xiêm vào nhiều giống cây, giống con mà thiệt hổng biết có đúng là ở bên Xiêm hông nữa? Thì đó, nào dừa, nào mảng cầu, nào chuối, nào vịt... Xiêm, còn bây giờ thì tới gạo Thái, mít Thái, me Thái, xoài Thái, cà na Thái nữa thì hết biết rồi! Vậy là nông nghiệp xứ mình chậm hơn xứ Thái thì phải?!?
Nghĩ kỹ thì nông dân xứ mình cũng cần cù lắm, cũng thông minh lắm. Thì đó, nhiều giống cây, giống con là do nông dân lai tạo. Thì đó, nhiều máy móc phục vụ sản xuất do nông dân mình sáng tạo. Vậy sao nông nghiệp xứ mình đang phải hụt hơi chạy theo người ta? Hay là, tại xứ mình đất hẹp người đông nên chia năm xẻ bảy trong mỗi gia đình, trong khi người ta đất đai rộng hơn, một trang trại gia đình ít thì vài héc-ta, nhiều có khi lên đến hàng trăm héc-ta. Vậy là, nông nghiệp của mình manh mún, nhỏ lẻ rồi!
Thường thì làm cái gì cũng vậy, quy mô lớn thì chi phí sẽ thấp, ngược lại, quy mô nhỏ thì chi phí cao. Mà chi phí cao thì khó cạnh tranh với người ta rồi chớ còn gì nữa! Chi phí cao mà chất lượng hổng cao lại càng chết dí. Còn nữa, thường thì làm lớn mới nghĩ lớn, còn làm nhỏ thì nghĩ nhỏ. Vậy, hổng lẻ mình bó tay đầu hàng người ta sao? Cái lớn sẽ từ nhiều cái nhỏ gộp lại. Vậy là, phải hợp những "mảnh đất nhỏ" lại thành "mảnh đất lớn" hơn, và theo đó, thì "suy nghĩ" cũng sẽ lớn hơn. Một người suy nghĩ sao bằng nhiều người suy nghĩ! Một người làm sao bằng nhiều người cùng làm! Sức mạnh của tập thể không chỉ là con số cộng mà có khi là con số nhân!
Người Thanh Mỹ anh hùng trong kháng chiến - đã góp phần làm nên trận đánh 37 tàu năm xưa - nhờ đã bước ra khỏi ngôi nhà của mình hoà thành Đoàn quân cách mạng thần thánh. Người Thanh Mỹ anh hùng trong 30 năm chinh phục Đồng Tháp Mười, biến vùng đất khắc nghiệt thành trù phú hôm nay. Bây giờ, trong nền kinh tế thị trường, người Lợi Hòa cũng bước ra khỏi ngôi nhà của mình để hoà thành một cộng đồng mang tên “Minh Hòa Hội quán". Đó là một cuộc cách mạng trong mỗi người nông dân để làm thành cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Ngày xưa chiến đấu để giành lấy độc lập tự do thì ngày nay chiến đấu để rút ngắn khoảng cách với thiên hạ và vươn lên giàu có. Cuộc chiến nào cũng đầy cam go thử thách, nhưng thử thách lớn nhất là lòng người, là biết vượt qua lợi ích của mỗi cá nhân để hoà vào lợi ích của mọi người.
Anh Chủ nhiệm Hội quán cũng là người đã đi qua một phần của cuộc chiến tranh ngay ở mảnh đất này. Vậy là, đâu ai hiểu mảnh đất Thanh Mỹ bằng con người Thanh Mỹ. Mỗi người Thanh Mỹ, trước hết là trong Hội quán đã biết chia sẻ với nhau những hiểu biết của mình, cùng nhau nhận ra phải làm gì và làm thế nào để mỗi người sẽ bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau, nâng đỡ nhau, để cùng vươn lên. Mỗi người hãy nghĩ rằng mảnh đất này là của mình và chính mình phải có nghĩa vụ đối với xóm làng, mà trước hết là với chính mình.
Nhớ lại bữa đó nhiều người hớn hở lắm! Ai ai cũng quyết tâm! Ai ai cũng hy vọng điều gì đó mới mẻ sẽ đến! Nhưng điều mới mẻ không bỗng dưng từ đâu đến, mà từ chính những con người hôm nay, từ mỗi thành viên Hội quán đến cấp uỷ, chính quyền làng xã, những người hàng ngày gần gũi nhau nhất.
Mình hay tìm cách để biện minh cái khó khăn là do trời, do đất. Nhưng nhìn kỹ lại, đất nước người ta đâu phải đùng một cái là giàu có ngay đâu. Họ cũng vươn lên từ trên những mảnh đất khô cằn hơn chúng ta nhiều. Vậy bằng cách nào? Chỉ có 6 từ thôi, đó là: "Chia sẻ - Tự lực - Hợp tác". Họ cùng nhau kiên trì thực hiện và họ đã vượt lên chúng ta…!
Vậy thì, giờ là lúc cùng nhau “nghĩ khác, làm khác” để thu hẹp khoảng cách. "Cạn đìa mới biết lóc, trê" mà! Hãy chờ người Thanh Mỹ, người Minh Hoà hành động từ tức mình vì trái cà na Thái cho mà coi!
Xích Lô