Câu chuyện những ngày kỷ niệm
Cập nhật ngày: 08/09/2017 07:07:52
Đất nước mình mỗi năm có không biết bao nhiêu là ngày kỷ niệm. Mà cũng đúng thôi, trang sử hào hùng bốn ngàn năm của một dân tộc anh hùng thì có biết bao nhiêu là cột mốc ghi dấu, bao nhiêu con người cần được tôn vinh. Mỗi cột mốc là một ngày kỷ niệm, có cả kỷ niệm hào hùng lẫn kỷ niệm bi tráng cần khắc ghi lại để tưởng nhớ, để giáo dục cho đời sau. Mỗi anh hùng dân tộc, mỗi nhân vật lịch sử, mỗi danh nhân cần có ngày kỷ niệm để thế hệ sau noi theo, tiếp bước. Nhưng đằng sau những ngày kỷ niệm, đằng sau những khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng” giăng khắp phố phường là gì? Ai nhớ, ai quên? Điều gì sẽ lắng đọng lại trong tâm thức mỗi người? Và, nhớ để rồi làm gì nữa, nếu không thì sẽ rơi vào hình thức? Kỷ niệm chỉ để mà... kỷ niệm?
Quá khứ được viết nên bằng công sức và cả máu xương của bao nhiêu thế hệ người, của cả một dân tộc. Kỷ niệm là để nhìn lại và tiếp bước bằng niềm tin mới, mạnh mẽ hơn và sáng tạo hơn trong mỗi con người hôm nay. Nhìn lại để tự hào, để tự tin, để không tự ti nhưng cũng không nên quá tự tôn. Quá tự tôn đôi khi là cái bẫy giăng ra, bởi vì, dễ dẫn đến nghĩ rằng mình đã tốt rồi, đã vượt lên bằng thiên hạ rồi?!? Hãy nhìn thật kỹ để mỗi người tự so sánh xem mình đang đứng ở thứ bậc nào trong các bảng xếp hạng cấp quốc gia, cấp địa phương? Hãy can đảm và thật lòng để định vị lại mình xem đang đứng ở đâu trong làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang cuồn cuộn chảy trên hành tinh này?
Đi nghiên cứu sự thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở một quốc gia không xa đất nước mình thật có nhiều điều đáng suy nghĩ. Câu nói cửa miệng của họ là: “Ngày xưa, đất nước chúng tôi nghèo khó lắm, có thể nói vào bậc nhất của thế giới đó. Ngày xưa, chúng tôi thiếu thốn mọi thứ. Ngày xưa, chúng tôi sống trong nhà tranh vách đất.... Ngày xưa và ngày xưa...“. Nhưng giờ, họ đã chuyển mình thành một quốc gia thịnh vượng, và họ đang tự tin trở thành một quốc gia sáng tạo ở tầm nhứt nhì thế giới. Mình đã giàu có và thịnh vượng chưa hay đang còn ngấp nghé bên bờ miệng của viễn cảnh “bẫy thu nhập trung bình”?
Dù có cực đoan đến mấy thì không ai có thể phủ nhận thành quả của đất nước nếu so sánh với mười, hai mươi, hay vài mươi năm trước. Nhưng đó là mình so sánh dọc theo thời gian với chính mình, còn nếu so sánh ngang với thiên hạ thì sao? Chúng ta tiến một thì họ tiến bao nhiêu? Nếu mỗi người, dù là cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, nông dân, trí thức, biết và can đảm tự so sánh như vậy mới thấy hun đúc một tinh thần mới - không cam chịu, không tự bằng lòng, bớt đi cái tôi để hướng đến tinh thần hợp tác cùng nhau. Nếu mỗi ngành, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp cũng được đặt lên bảng so sánh như vậy để từng người lãnh đạo bớt kể lể về thành tích để toàn tâm, toàn ý trong thực hiện sứ mạng của mình. Thành tích nào hơn thành tích cùng nhau đưa xứ sở mình “thoát ra lời nguyền khuất nẻo”? Thành tích nào hơn khi từng người, từng ngành, từng địa phương cùng hợp tác với nhau để cạnh tranh thành công trong thời hội nhập sâu rộng, để hiện thực hóa những tiềm năng chứ không để tiềm năng mãi mãi là “tiềm ẩn”!
Nhiều quốc gia đây đó trên trái đất này cũng đâu bổng chốc mà giàu có, và thịnh vượng đâu. Và xứ sở mình chưa thịnh vượng, giàu có cũng đâu phải bởi đó là vận mệnh sắp đặt đâu! Tất cả do ý chí con người, do thái độ sống và làm việc của mỗi công dân trước vận mệnh của cả quốc gia và địa phương. Sống hết lòng vì mục tiêu chung của tổ chức, địa phương, đất nước hay an phận và lủi thủi một mình, “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”? Mỗi người làm việc tận tâm tận lực hay ngồi đó “mà dòm ngó, mà chỉ trích”? Trong tâm thức mỗi công dân thì giữa nghĩa vụ và quyền lợi, cái nào trước, cái nào sau?
Muốn thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình, cần đến sự đồng thuận cả một quốc gia, địa phương, và phải bắt đầu từ sự cố kết những cộng đồng làng xóm. Người ta cũng bắt đầu từ những làng xóm nhỏ như vậy mà làm chuyển mình cả một quốc gia. Những đô thị văn minh hiện đại hôm nay được hình thành từ chính những ngôi làng lạc hậu ngày xưa. Những doanh nhân thành đạt giàu có hôm nay cũng bắt đầu từ những nông dân nghèo khó hôm qua. Những thanh niên đang giương cao ngọn cờ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được truyền cảm hứng từ ngọn cờ “Làng mới” với 3 giá trị cốt lõi: “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” mấy mươi năm về trước. Và với những giá trị đó, họ biến một quốc gia đã từng nặng lòng tiễn con cháu đi xuất khẩu lao động, để đến ngày nay, nhận lao động từ các quốc gia khác; biến một quốc gia vượt qua mặc cảm nhận viện trợ, để ngày nay, đi viện trợ cho các quốc gia khác.
Còn chúng ta thì sao? Thoát ra được cái bẫy thu nhập trung bình không, khi mà nhiều nông dân chỉ vì thiếu hiểu biết hoặc vì hám lợi mà tưới các chất độc hại lên nông sản của mình. Thoát ra được không, khi mà cộng đồng doanh nghiệp thiếu gắn kết với nhau, thậm chí cạnh tranh với nhau theo cách mà người ta nói là “để kéo nhau cùng xuống đáy”? Thoát ra được không, khi mà nền sản xuất chỉ dựa vào thâm dụng vốn, lao động, tài nguyên, mà thiếu vắng hàm lượng công nghệ, tri thức? Thoát ra được không, khi mà thước đo tri thức là học hàm, học vị, mà quên đi chân giá trị của tri thức là cống hiến cho xã hội? Thoát ra được không, khi mà một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức xem mục đích của việc học là để đủ bằng này, chuẩn nọ, để thăng tiến, chứ không phải để có kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc tốt hơn? Thoát ra được không, khi mà những ý tưởng đổi mới sáng tạo thường đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức?
Như vậy, mỗi câu khẩu hiệu trong những kỷ niệm ngày truyền thống phải làm sao ẩn chứa được thông điệp để hiệu triệu muôn người bắt tay cùng hành động. Đừng để khẩu hiệu kỷ niệm chỉ là khẩu hiệu, chung chung và sáo rỗng!
Đến khi nào thì mỗi người chúng ta cũng tự hào giới thiệu với bạn bè thế giới rằng: “Ngày xưa đất nước chúng tôi nghèo khó lắm!”?
Xích Lô
(Xứ sở Kim Chi, ngày 5/9/2017)