Câu chuyện ca hát
Cập nhật ngày: 11/12/2017 07:46:07
Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh lần thứ sáu vừa rồi có một câu chuyện được đem ra mổ xẻ, bàn tán sôi nổi. Đó là tình trạng các điểm ca hát với âm thanh ồn ào, thậm chí là đinh tai, nhức óc, là "tiếng hát át tiếng bom".
Thực trạng này đã làm phiền lòng cả cộng đồng, làng xóm, nhiều người còn nói thấy thật "chướng tai, gai mắt". Có đại biểu còn chất vấn rằng, câu chuyện này đã đề cập hai ba kỳ họp rồi mà hình như chưa có chuyển biến tích cực. Vậy, hổng lẽ cả hệ thống bó tay, để bà con cứ ca cẩm, bức xúc trong mỗi lần tiếp xúc cử tri. Vậy, chúng ta nhìn nhận vấn đề này thế nào đây? Lỗi "tại ả tại anh" hay còn tại ai?
Đúng là chuyện ca hát xứ nào mà không có, dân tộc nào mà không có, một nhu cầu văn hoá của con người mà! Mới chào đời thì đã nghe lời ru của mẹ của bà rồi. Khi có chuyện vui thì vài lời ca tạo thêm chút hưng phấn để vui hơn. Khi có chuyện buồn thì mấy điệu nhạc cũng có thể vơi đi nổi buồn. Vậy là, đám hiếu đám hỉ gì cũng có ca với hát. Cưới hỏi, đầy tháng, sinh nhật, mừng thọ cũng có. Động thổ cất nhà, ăn mừng nhà mới cũng có. Con cháu đậu vào đại học hoặc thần tài đến gõ cửa cũng ca hát. Khai trương cửa hàng, khánh thành phân xưởng, ra mắt thương hiệu mới cũng hát với ca. Đám tang nhiều khi réo rắt tiếng đờn cò, đờn nguyệt, vài hồi trống, mấy bài tiễn biệt có khi vừa giảm đi sự trống vắng, bớt đi không khí lạnh lẽo tiếc thương.
Nhưng, và ở đời mọi sự bắt đầu từ chữ "nhưng" đó. Nếu chuyện ca hát dừng lại ở chừng mực nào đó thì hay, thì cần. Nhưng rồi lúc cao hứng lên thì bắt đầu ồn ào, có khi không còn "hát" nữa mà trở thành "hét". Hàng xóm thì như bị tra tấn, người qua đường khó chịu. Vậy là, bắt đầu ảnh hưởng đến mọi người chung quanh rồi! Người già thì cần vỗ giấc ngủ đêm hôm. Người bệnh thì cần yên ắng để tịnh dưỡng. Trẻ em thì cần không khí tĩnh lặng để học hành. Vậy là, một vài người vui mà cuộc sống của nhiều người khác bị ảnh hưởng.
Vậy mới có chuyện chất vấn, có giải trình, rồi lại chất vấn. Các ngành chức năng thì bảo khó. Mà khó thật. Lúc chỗ này, lúc chỗ khác, khi thì ban ngày, khi lại ban đêm, khi thì nhà này, mai lại nhà kia. Nghe tin báo khi đội kiểm tra đến thì người ta chỉ cần vặn nhỏ lại "và cười trừ" là coi như xong. Hoặc lúc nhà người ta có chuyện vui, chuyện buồn mà lập biên bản, mà cưỡng chế coi bộ cũng không hay ho cho lắm?!? Cứ vậy mà lần lựa, mà dung dưỡng. Rồi hội chứng nhà này làm được thì nhà khác cũng làm được, "con gà tức nhau tiếng gáy" mà. Ngành chức năng thì bảo rằng ở cơ sở với hệ thống từ xã, phường đến khóm ấp, với biết bao con người, ban bệ, đoàn thể sao không đi vận động? Ở cơ sở thì cho rằng, tụi tui sao "quản" nỗi nếu mấy anh không xuống tiếp?!?
Lướt qua mạng thì mới biết chuyện này phổ biến và làm đau đầu nhiều địa phương chứ hổng phải chỉ có mình. Từ các thành phố lớn cho đến miền xuôi miền ngược, từ đô thị phồn hoa đến nông thôn heo hút đều có cả. Hội đồng nhân dân chỗ này ra nghị quyết, Uỷ ban nhân dân nơi kia ban hành kế hoạch hành động nhưng hình như vẫn không ăn thua. Nay phạt được chỗ này thì mai lại diễn ra chỗ khác. Người dân thì ca thán, chính quyền thì bị quở trách.
Ca hát, suy cho cùng là chuyện của người dân. Nó là nét đẹp văn hoá nhưng giờ lại biến tướng trở thành "phản văn hoá" rồi. Ông bà mình đúc kết: "No mất ngon, giận mất khôn" mà! Vậy, người dân trong xóm trong làng có nhắc nhở nhau chưa, đấu tranh với nhau chưa? Rồi phường xã, khóm ấp đâu cả rồi? Rồi đoàn thể, chi hội tổ hội đâu cả rồi? Trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, chi hội, chi đoàn, tổ nhân dân tự quản, hội quán có đưa vấn đề này ra thảo luận không? Hay sinh hoạt thì nói chuyện cao xa, còn chuyện này thì lại sợ đụng chạm nên đùn đẩy lên chính quyền? Vậy là, các cuộc họp chuyện xóm chuyện làng bàn chuyện gì? Rồi sinh hoạt của các tổ nhân dân tự quản nói việc gì? Hình như có điều gì đó sai sai ở đây thì phải!
Không một đất nước nào, địa phương nào mọi chuyện có thể giải quyết được khi mà tất cả trách nhiệm đều dồn về phía chính quyền. Nếu vậy, thì đâu là "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"? Nếu vậy, những lần bình xét gia đình văn hoá, khóm ấp văn hoá như thế nào?
Nói là nói vậy, nhưng trong nhà ngoài ngõ, đâu chỉ có câu chuyện ca với hát. Còn biết bao là chuyện hàng ngày ở xã phường, khóm ấp. Dịch bệnh, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... Vậy thì, Hội đồng nhân dân xã phường có đề xuất sáng kiến và ban hành nghị quyết về những việc gì ở địa phương mình nếu không phải là những chuyện dân sinh, chuyện làm sao người dân có được môi trường sống an lành, xóm làng đoàn kết? Cả hệ thống, từ cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, các hội xã hội nghề nghiệp, đội ngũ cộng tác viên một xã đâu cỡ vài trăm người. Với sức mạnh như vậy, sao không giải quyết được những chuyện hàng ngày, mà phải đùn đẩy lên cấp trên? Sao không dùng lời lẽ "thấu tình đạt lý" để nói với nhau, thuyết phục với nhau, đấu tranh với nhau? "Nói phải củ cải cũng nghe" mà! Tất nhiên, cuối cùng trách nhiệm của chính quyền là phải xử lý những trường hợp mà cộng đồng không thể giải quyết được.
Mỗi người chúng ta hãy nghĩ rằng mình không vô can trong câu chuyện này. Và hãy nhớ "nhất cận lân, nhì cận thân" để mà ứng xử với nhau một cách hài hoà. Ai đó nói rằng: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”.
Xích Lô