Câu chuyện “những người đi xa”
Cập nhật ngày: 28/02/2018 09:45:35
Nói ngay, “đi xa” ở đây là đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Thật vui và ấm áp khi ghé thăm các lớp đào tạo học viên chuẩn bị đi làm việc ở Nhật Bản và Hàn Quốc vào một ngày đầu năm. Đây, chính là những người con của Đất Sen hồng sắp bỏ lại phía sau cái “ao làng bé nhỏ”, vượt trùng khơi tìm đến “đại dương rộng lớn” để làm việc trong các nhà máy, trong các trang trại. “Ra đi” là để “trở về”. “Trở về” với những gì mới mẽ hơn, tâm thế mạnh mẽ hơn...
Nhìn những gương mặt trong sáng của các bạn trẻ dự lễ khai giảng lớp tiếng Nhật mà thấy thật thương, thật ấm lòng, thật vững tin. Khi Đồng Tháp mới khởi động chương trình “Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng” với khẩu hiệu “Ra đi làm thuê, trở về làm chủ'”, không ít người đã hoài nghi. Nhưng kết quả 3 năm triển khai đã chứng minh hiệu quả. Đã có nhiều cơ sở kinh doanh được thành lập từ vốn liếng các bạn đã trở về. Nhưng các bạn đâu chỉ mang về nguồn lực tài chính, mà quan trọng hơn, các bạn còn mang về vốn sống, sự trải nghiệm, kiến thức, kỹ năng làm việc ở các quốc gia tiên tiến. Đúng như một bạn người Nhật đã chia sẻ trong buổi Lễ: “Nếu các bạn đi ra nước ngoài làm việc chỉ để tìm kiếm thu nhập thì thật uổng phí. Các bạn cần phải xem đó là cơ hội để học tập”.
Đúng quá rồi! “Thái độ tạo lập hành vi. Hành vi gieo nên kết quả” mà. Nếu mang tâm thế “ra đi là để trở về làm chủ” thì các bạn không chỉ lao động thật chăm chỉ để có thật nhiều thu nhập, mà còn phải góp nhặt những điều bổ ích của thiên hạ. Ông bà mình dạy: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” mà! Các bạn có cả ngàn ngày ở xứ người để học khôn, để tìm hiểu xem vì sao họ cũng dân châu Á da vàng na ná như mình, đất nước họ không có nhiều tài nguyên như mình, thiên nhiên khắc nghiệt hơn mình, mà sao lại giàu có hơn mình? Cách họ nghĩ có khác gì mình? Cách họ làm có gì khác mình? Không lẽ trời sinh ra họ thông minh hơn mình sao? Chắc là không! Vậy thì do cái gì?
Vào lớp đang dạy tiếng Hàn cho những học viên chuẩn bị cho chương trình đi lao động mùa vụ ở xứ sở Kim Chi mà cảm xúc dâng trào. Thì đó, trước mắt là những nông dân từ trước tới giờ chắc chưa đi đâu xa, mà có đi thì chắc cũng vài ba bữa. Suốt năm quanh quẩn ruộng vườn mà. Vậy mà giờ đây, sáng đi chiều về để tham gia lớp học một thứ tiếng xa lạ để chuẩn bị hành trình đi đến đất nước xa lạ. Thương lắm mà cũng khâm phục lắm! Bà con đi thì cũng để tìm kiếm thu nhập để về trang trải chuyện gia đình, lo cho tương lai con cháu. Nhưng thưa bà con, mình đi còn để tìm hiểu coi vì sao làm nông xứ mình khó nhọc trăm bề mà vẫn nghèo, trong khi ở xứ họ thời tiết thì khắc nghiệt, đất đai thì khô cằn mà nông dân thì giàu có, nông nghiệp thì phát triển, nông thôn thì trù phú. Lại là cách nghĩ, lại là cách làm. Họ thế nào và mình thế nào?
“Đâu ai giàu ba họ, đâu có ai khó ba đời”! Giàu hay nghèo đâu phải do số phận, mà do thái độ và khát vọng của mỗi người. Nếu chấp nhận với số phận thì không phải đời nay nghèo mà đời con còn nghèo, rồi đời cháu sẽ tiếp tục nghèo. Con người thì sinh sôi chớ đất đai thì đâu có nở nang ra đâu. Vậy là cứ teo tóp dần. Trong khi nông nghiệp xứ mình nay phải “giải cứu” con này, mai lại “giải cứu” trái kia, quanh năm suốt tháng “bán lưng cho đất bán mặt cho trời” thì người ta đã làm nông nghiệp thông minh rồi. Thông minh từ cách chọn lựa giống, thông minh trong quy trình canh tác, thu hoạch, cho đển thông minh trong bảo quản, chế biến, buôn bán. Vậy là, mình đi làm việc cũng là tìm cách học hỏi, hấp thu cái những cái thông minh đó để trở về thành những nông dân thông minh ngay trên đồng ruộng của mình. Có như vậy sẽ không uổng phí những ngày xa nhà xa quê, xa những người thân thuộc.
Tóm lại, ra nước ngoài đi làm mà cũng là đi học! Muốn học thì phải biết chú ý quan sát, phải tranh thủ cơ hội giao lưu. Học thì có gì đâu là xấu mà mặc cảm. Muốn học thì phải hỏi, muốn hỏi thì phải biết tiếng của người ta. Học đâu có khó khăn gì lắm đâu. Coi tác phong làm việc của họ ra sao, cách quan hệ của họ với nhau như thế nào, cách ứng xử nơi công cộng của họ ra sao. Tóm lại là “học ăn học nói, học gói học mở” như ông bà mình nhắc nhở ấy mà!
“Ao làng” thì an toàn nhưng ít cá tôm, “đại dương” nhiều sóng gió nhưng đầy ắp tôm cá. Hãy đi để đem về thật nhiều “cá tôm”. Xin cảm ơn những người mai này mạnh mẽ vượt đại dương. Và thật là không công bằng nếu không có lời cảm ơn cả những người thầm lặng, tận tuỵ, chăm chút từng chuyến đò đưa những người đi xa. Đó là đội ngũ lãnh đạo, nhân viên ngành Lao động và Trung tâm Dịch vụ việc làm. Các bạn hãy tự hào rằng mình là những người góp phần quan trọng thực hiện thành công bước đầu một quyết sách lớn của tỉnh nhà.
Xích Lô