Câu chuyện vui đầu năm ở miệt cồn
Cập nhật ngày: 07/01/2018 08:58:01
Cồn ở đây là cồn Gòn, xã Tân Thuận Đông, nơi đất đai trù phú, người dân hiền hoà. Còn vui là cùng hạnh phúc với những con người hôm nay đã có một ngôi nhà chung để gặp nhau cuối tuần, cuối tháng, đó là "Đông Tân Hội quán". Hổng biết ngụ ý điều gì, gửi gắm điều gì với 2 chữ "Đông Tân" đó. Phải chăng, bà con mong muốn rằng Tân Thuận Đông sẽ khoác lên mình sự mới mẻ trong cách nghĩ, cách làm? Hay là, bà con mình sẽ tự mình xây dựng một nông thôn mới trên mảnh đất cù lao hiền hoà này?
Nhiều người đã từng gặp nhau lâu rồi, những anh Ba, anh Năm, anh Út,... đây mà, những người đã từng ngồi trong bộ máy hôm nào đây mà,... Mà sao hôm nay có gì hơi khác. Có phải vì mọi người hôm nay đã không còn riêng mỗi người một ngôi nhà, một mảnh vườn. Ngay những người hôm nay mới gặp lần đầu sao vẫn thấy hình như quen từ thuở nảo, thuở nào. Thì có gì khó hiểu cho lắm đâu? Những người nông dân xứ mình dù trồng xoài, trồng cam hay trồng nhãn, trồng ổi thì vẫn gương mặt đôn hậu, nụ cười hào sảng thôi mà! Lại thiệt vui khi nhìn quanh quất thấy mấy anh chủ nhiệm các "Hội quán" thành lập trước cũng đến chia vui với Đông Tân mình. Lại thiệt vui khi có mấy anh đến học tập để trở về vận động bà con chuẩn bị thành lập "Hội quán"cho riêng mình. Vậy là, đã có sự liên minh, liên kết để cùng nhau thay đổi rồi còn gì?!?
Đến vui với bà con, kể cho bà con nghe vài mẫu chuyện, cho bà con xem vài đoạn phim về nông nghiệp xứ mình, nông nghiệp xứ người, để bà con có sự so sánh. Từ sự so sánh đó, bà con đừng tự bằng lòng khi một vài mùa vụ vừa "trúng mùa, trúng giá". Bà con phải giật mình khi thấy "dòng thác" nông sản ngoại đang chảy cuồn cuộn vào thị trường nước mình rồi. Nông sản của họ đã chễm chệ trên các kệ hàng sang trọng trong siêu thị, nhà hàng,... Nông sản của họ còn len lỏi vào các ngôi chợ quê nữa rồi. Bà con bước ra chợ làng của mình sẽ thấy xoài Thái, xoài Campuchia có mặt rồi đó. Một người tiêu dùng trong đoạn phim nói "mỗi khi mua nông sản nội về ăn khoảng nửa tiếng sao không thấy gì mới an tâm". Vậy là, ít nhiều người mình đã mất niềm tin vào chất lượng nông sản của chính đất nước mình rồi còn gì? Một thành viên ngồi cạnh còn nói ngay người sản xuất còn không an tâm với chính nông sản mình làm ra, thì biểu người ta an tâm sao được anh ơi! Nghe thật là đắng lòng, phải không bà con?
Tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp mình chỉ nằm gọn lỏn trong 6 vấn đề thôi. Đó là: "Hợp tác - liên kết - thị trường" và "Giảm chi phí - Nâng cao chất lượng- Tăng cường chế biến tinh". Sáu vấn đề đó phải bắt đầu từ sự hợp tác giữa những người nông dân. Không hợp tác với nhau, mạnh ai nấy làm thì đối mặt với muôn vàn rủi ro. Chi phí sẽ cao này! Chất lượng không đồng đều này! Rồi còn cạnh tranh mua, cạnh tranh bán với nhau,... Tất cả đều thua thiệt! Lại một thành viên Hội quán còn quả quyết: "Thay đổi hay là chết, không có sự lựa chọn nào khác đâu bà con mình ơi"!
Câu chuyện "Cây xoài nhà tôi" ở Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã truyền cảm hứng để bà con chuẩn bị ra đời "Cây cam vườn tôi". Một anh khác nói sẽ mần tiếp"Cây nhãn nhà tôi"nữa đó! Vậy là, cảm hứng của người này đã truyền cảm hứng cho người khác và cảm hứng đang lan toả dần trên mảnh Đất Sen hồng này. Cảm ơn những người có sáng kiến "Cây xoài nhà tôi" thật nhiều. Và, cũng cám ơn nhiều sáng kiến, sáng tạo khắp nơi trên quê hương xứ sở thân yêu này!
"Cây xoài nhà tôi", "Cây cam nhà tôi" hay mai này là "Cây nhãn nhà tôi", "Liếp rau nhà tôi",… chính là câu chuyện biết phát huy tài nguyên bản địa kết hợp với sức mạnh công nghệ. Đó là văn minh thương mại, là văn hoá kinh doanh. Chiều sâu của nó chính là kết nối giữa người bán và người mua. Người mua không chỉ bán cây xoài, cây cam, cây nhãn, liếp rau mà là bán cả trách nhiệm phải bảo đảm sức khoẻ cho người tiêu dùng. Đó là một cách làm sáng tạo và phù hợp để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Ra về, không quên nhắn nhủ và chúc cho Hội quán của bà con mình lúc nào cùng đông đủ và ngày càng đông hơn. Hội quán mình phải luôn mới mẻ trong cách nghĩ, cách làm. Đông Tân là phải như vậy đó! Nhìn thấy bà con quyết tâm giữ đúng cam kết sao thấy thật là thương, thấy tràn đầy niềm tin về sự thay đổi của những người nông dân vùng cù lao này, cũng như tất cả bà con quê mình. Mọi người hãy cùng chung tay và đồng hành với bà con mình nhé!
Xích Lô