Câu chuyện "Nông dân thông minh"
Cập nhật ngày: 09/03/2018 13:32:50
Dường như mỗi khi có dịp "ra đồng" với bà con nông dân xứ mình đều cảm thấy trong lòng dâng trào niềm cảm xúc. Thì đó, nông dân bao đời không bước qua được lời nguyền "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", rồi "dãi nắng dầm sương". Đời cha ông đã vậy, cho tới đời nay cũng vậy. Nhưng rồi bữa nọ xuống thăm "Mô hình canh tác lúa lý tưởng" trên cánh đồng Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, đã chứng kiến niềm vui rạng rỡ của những người nông dân chất phát, hào sảng.
Có thể nói đây là mô hình theo hướng "Nông nghiệp thông minh" đầu tiên của quê mình có sự dẫn dắt của một nhà đầu tư, cũng là nhà khoa học, vừa là nhà doanh nghiệp. Nhìn cánh đồng lúa mới được cấy theo phương pháp "ba trong một" - vừa cấy, vừa vùi phân, vừa điều tiết nước tự động bằng chiếc điện thoại thông minh thấy thật vui. Hôm đó, nhà đầu tư đang ở Singapore nhưng vẫn điều khiển bơm tưới tự động cho cánh đồng cách hàng ngàn cây số. Bà con rất phấn khích. Bà con ai nấy đều trầm trồ: Mần ruộng mấy chục năm rồi nhưng đây là vụ mùa nhàn rỗi nhất vì nhiều khâu trong quy trình sản xuất đều được tự động hoá bằng công nghệ thông minh! Những gì "mắt thấy tai nghe" khiến mấy chị phụ nữ ở ngoài mô hình cứ nằng nặc xin vô cho bằng được.
Có lần nhà đầu tư tâm sự: Cần làm sao để chứng minh cho bà con mình thấy được bằng cách áp dụng công nghệ thông minh thì nghề nông sẽ bớt đi vất vả mà vẫn làm giàu. Khi ấy, người nông dân sẽ có thời gian nhàn rỗi để làm thêm ngành nghề khác, đi thăm thú nơi này nơi kia để nắm bắt thông tin, hoặc đọc thêm một quyển sách, coi thêm vài đoạn phim. Khi ấy, người nông dân sẽ thấy mình thông minh hơn, giàu kiến thức hơn! Mà trong nhiều trường hợp, kiến thức đã biến thành của cải vật chất. Làm nông mà ngày đêm chỉ quanh quẩn ruộng đồng thì không khéo lại mụ mẫm, tự "trói" mình lại trong cách nghĩ, cách làm cũ kỹ.
Anh nông dân, người chủ lực tham gia mô hình trầm ngâm: "Cách làm này hiệu quả rồi đó, nhưng giờ làm sao để mở rộng ra cho nhiều bà con thấy được lợi ích để tham gia. Khi đó, mới có lượng hàng hoá đủ lớn để liên kết với doanh nghiệp, để tham gia thị trường, chứ cứ mỗi người một mảnh ruộng nhỏ thì phải bán qua thương lái thôi, mà mỗi tầng nấc trung gian là lợi nhuận bị giảm xuống". Ảnh đề nghị làm sao nơi đây có một "Hội quán" để tập hợp bà con lại rồi "nói cho nhau nghe và nghe nhau nói", để cùng nhau phân tích coi nên làm theo cách người ta gọi là "nông nghiệp thông minh" như vầy hay vẫn "tay lắm, chân bùn"? Khi ấy chắc chắn bà con sẽ thay đổi!
Đi dọc đường suy nghĩ vẫn vơ, hay mình thử đặt tên là "Thuận Tâm Hội quán" - Hội quán của những "nông dân thông minh cho nền nông nghiệp thông minh" được không? Thôi, "Hội quán" của bà con thì cứ để bà con quyết định cái tên gì tâm đắc nhất, nhưng dù là tên gì thì cũng đã thấy thấp thoáng bóng dáng của "những nông dân thông minh" trên "cánh đồng thông minh" rồi! "thông minh" là biết và dám từ bỏ cách nghĩ cũ, cách làm bao đời. "Thông minh" là biết sản xuất quy mô lớn thì có lợi hơn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. "Thông minh" là biết hợp tác cùng nhau trên con đường trở nên giàu có. Thông minh là không thể quan niệm "lấy cần cù bù thông minh" trong thời buổi khoa học công nghệ mới là yếu tố quyết định sự giàu có.
Đi ra thăm cánh đồng, đứng trên con đường mà một lão nông đã tự nguyện hiến 2 công đất, lòng chợt dạt dào cảm xúc. Cốt cách của người nông dân mình bao đời nay là vậy, thấy việc đúng là làm, việc nghĩa là làm, không so đo thiệt hơn! Trong kháng chiến, bà con còn hiến cả sức người, cả nhà cửa, vườn tược để nuôi quân, có vậy mới có độc lập ngày hôm nay. Và hôm nay, bà con lại tiếp tục cống hiến cho cuộc kháng chiến mới - cuộc chiến không phải giành lấy độc lập nữa, mà giành lấy sự giàu có, thịnh vượng!
Tháp Mười là vùng đất lịch sử, là một trong những cái nôi trong các cuộc kháng chiến, là địa phương đi đầu trong 30 năm chinh phục thiên nhiên hoang sơ, khắc nghiệt. Nông dân Tháp Mười tự hào đã đóng góp vào an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu lúa gạo. Nhưng bây giờ thời thế đã khác, thị trường đã khác, xu hướng người tiêu dùng cũng đã khác. Mọi thứ đã khác thì mình không thể bám víu mãi vào cái cũ, mà cũng phải cùng nhau nghĩ khác, làm khác! Không như vậy sẽ tụt hậu và mãi mãi không vượt qua được lời nguyền "làm nông là nghèo, làm lúa còn nghèo hơn". Tất nhiên, đây mới chỉ là mô hình nhỏ thôi, chỉ mới vài bước đi đầu tiên tiến vào nền "Nông nghiệp thông minh" thôi. Nhưng có bắt đầu đi thì mới có lúc đến đích chứ. Cái đích đó xa hay gần là do mình cả thôi. Mình ở đây là những "nông dân thông minh" và cả một "hệ thống thông minh" nữa.
Nghĩ về người nông dân Tháp Mười, lời ca "Tình em Tháp Mười" chợt vang lên: "Sông nước quê em sáng lớn trưa ròng, cây lúa trên đồng mát rượi đầy bông... Thương từng giọt mồ hôi..."!
Xích Lô