Câu chuyện “làn gió”
Cập nhật ngày: 04/05/2018 10:25:23
Mỗi lần tham dự lễ ra mắt Hội quán là đều có những niềm vui nho nhỏ. Hôm dự ra mắt “Phong Tân Hội quán” của 57 nông dân trồng cam, mãng cầu ở xã Phong Mỹ cũng vậy. Ngồi chen lẫn giữa bà con, nghe ai đó giải thích “Phong Tân” nghĩa là “gió mới” đó nghen! À, vậy là thêm “một làn gió mới” ở xứ Phong Mỹ này đã thổi cùng hơn bốn mươi làn gió của hơn bốn mươi Hội quán đã ra đời kể từ cái Hội quán đầu tiên mang tên Canh Tân. Còn nếu xem mỗi thành viên Hội quán là một “làn gió” thì đã có gần ba ngàn “làn gió” trên mảnh Đất Sen hồng rồi đó! Vậy là, bà con mình đang “góp gió thành bão” rồi!
Những “làn gió đổi mới” đang góp phần làm mát hồn người, làm mát những cánh đồng, những khu vườn. Những làn gió đã làm cho người dân dần xích lại gần nhau hơn... Những làn gió đó đã cuốn đi những cách nghĩ, cách sống, cách làm ăn riêng lẻ: “Đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy mần!”. Cách nghĩ, cách sống, cách làm ăn bao đời như vậy đã trở thành cái bẫy chặn ngang con đường vươn lên giàu có của bà con mình. Những “làn gió đổi mới” đang cuốn đi tâm lý trông chờ, ỷ lại, phó mặc mọi chuyện vào “ông Nhà nước” - trong khi chính người dân mới là người chủ thật sự - vai trò chủ thể của người dân đều được ghi trong các nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền mà!
Những làn gió đó có được, là cả một quá trình tìm tòi, gặp nhau và cộng hưởng giữa hệ thống chính trị, những người lãnh đạo và người dân. Tất cả muốn đi tìm kiếm cái mới mẻ để hướng đến cái sâu xa hơn là: tạo ra một xã hội năng động! Suy cho cùng, Hội quán là một thiết chế mới, là mảnh ghép trong cuộc sống muôn màu dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thường thì, đã là cái mới thì không khỏi lúng túng, thậm chí là hoài nghi. Đi trên con đường đã có thì dễ dàng hơn là tìm kiếm một con đường mới, cách đi mới có thể chứa đựng nhiều rủi ro phía trước. Xây dựng cơ sở hạ tầng thì dễ dàng hơn nhiều so với xây dựng “tinh thần của Nhân dân”. Như vậy là, lại ngẫm nghĩ về “cái hữu hình” và “cái vô hình” nữa rồi! Đừng sa đà vào cuộc tranh luận giữa “hữu hình” và “vô hình” thì cái nào là quan trọng hơn. Nó sẽ bổ trợ nhau, cái thì là “điều kiện cần”, cái là “điều kiện đủ”. Cái thì giúp làm tăng trưởng theo cấp số cộng, cái lại giúp tăng theo cấp số nhân. Cái thì có quy định để làm theo, cái thì đòi hỏi sự bền bỉ, sáng tạo. Cái thì giúp cho sự phát triển trước mắt, cái thì làm nền cho sự phát triển bền vững, lâu dài.
Thấy được chân giá trị của Hội quán như vậy để đừng làm vội vã theo kiểu phong trào, làm khi người dân chưa “sẵn lòng” và “sẵn sàng”. Thấy được như vậy, cũng không để chần chừ, ngó tới - ngó lui. Hội quán kỳ vọng sẽ mở ra một nút thắt lớn nhất trên con đường phát triển. Tháo được nút thắt này, sẽ tạo ra vận hội mới, làm cho người nông dân không còn “ngồi đó mà than khóc, mà chau đôi mày” như lời bài hát “Tự chèo lấy thuyền anh” của Chủ nhiệm “Minh Tâm Hội quán”. Thấy được giá trị của Hội quán như vậy, để trái cam ngọt hơn, trái mãng cầu thơm hơn, để biết bao nông sản quê mình ngày càng mang lại giá trị cao cho những người làm ra.
Thật xúc động khi nhìn thấy những chủ nhiệm Hội quán cùng nhau tham gia chương trình “Nâng cao kiến thức, kỹ năng và tìm hiểu thị trường” ở TP.Hồ Chí Minh vừa rồi. Từng tuổi này, sau mấy chục năm gắn bó với ruộng vườn, làm ra biết bao của cải cho xã hội, mà hôm nay lại nghiêm chỉnh ngồi trong lớp học, lại còn lên bảng thực hành nữa chớ! Như vậy, mới thấy hết ý nghĩa sâu xa của câu chuyện “học tập suốt đời”, học mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội. Học để bà con hiểu rằng, muốn trở nên giàu có thì phải “thông minh” chứ không chỉ “cần cù” là đủ - Quan niệm “Cần cù bù thông minh” đã không còn phù hợp trong thời đại khoa học công nghệ phát triển vượt trội ngày nay! Học để biết cách sống chung với nhau, hợp tác với nhau. Học để biết thiên hạ đã tiến xa lắm rồi, người ta đã biến “những điều không thể” thành “những điều có thể”. Học để “tri thức hóa” nông dân, “văn minh hóa” nông thôn và hướng đến hiện đại hóa nông nghiệp xứ mình.
Hội quán, về mặt nào đó, cũng là một xã hội thu nhỏ trong mấy mươi con người, mấy mươi gia đình. Vậy thì, phải học để biết cách làm sao quản lý tốt cái xã hội thu nhỏ như vậy, một xã hội “tự nguyện, tự quản, tự lực” của người dân. Từ những làn gió trong các Hội quán, nếu biết góp lại sẽ thành sức mạnh của cơn bão to!
Thấy được chiều sâu ý nghĩa của Hội quán để người lãnh đạo và cả hệ thống thấy còn quá nhiều việc phải làm để vun xới, để nuôi dưỡng một mô hình, chứ không phải chỉ là đến tham gia lễ ra mắt đầy hứng khởi với những lời cam kết, hứa hẹn, chỉ đạo... nhưng sau đó nhạt nhòa dần, rồi “đánh trống, bỏ dùi”!
Và, cũng để thấy mình phải có trách nhiệm với người dân hơn...
Xích Lô