Câu chuyện tài nguyên
Cập nhật ngày: 13/04/2018 08:25:55
Vừa rồi, có một nhóm bạn hữu đến thăm quê mình, được giới thiệu ở đây có Đền thờ ông bà Cao Lãnh - 2 trong những người có công trạng đối với vùng đất này. Mấy vị khách nghe rất thích thú và khen Đồng Tháp có nhiều tài nguyên bản địa cần phát huy để góp phần tạo dựng thương hiệu địa phương. Dường như từ trước tới giờ, khi nói đến tài nguyên của một địa phương, một Quốc gia, người ta thường chỉ liên tưởng tới “tài nguyên thiên nhiên”, với những gì hữu hình có thể nhìn thấy được như: đất đai, mặt nước, khoáng sản, rừng núi... Vậy là, còn một thứ tài nguyên nữa ít được đặt đúng vị trí cực kỳ quan trọng, đó là “tài nguyên xã hội” - tài nguyên vô hình này bao gồm văn hóa bản địa, lịch sử của một vùng đất và những thế hệ người gắn bó với vùng đất ấy.
Đền thờ ông bà Cao Lãnh. Ảnh: Thành Nguyễn
À vậy là đúng rồi, ngày nay thiên hạ đều cố gắng tìm kiếm và phát huy những giá trị vô hình như vậy để bổ sung thêm tài nguyên vật chất, và họ đã vượt lên làm giàu dựa trên những loại tài nguyên đó. Tài nguyên vật chất rồi có thể giảm đi do con người khai thác trên con đường phát triển. Tài nguyên vật chất có thể bị bào mòn qua năm tháng thời gian. Tài nguyên về văn hóa và lịch sử không những không bị giảm đi, bị bào mòn, trái lại ngày càng được đậm nét, thậm chí là trường tồn nếu con người biết trân quý và ứng xử đúng mực. Một ngôi đền thờ, một nhà bia tưởng niệm, một bảo tàng, một tượng đài... chắc vì quá đổi quen thuộc nên nhiều khi bị chính những con người chung quanh lãng quên. Trong khi đó, những giá trị của nó còn mãi lưu tồn. Những đền thờ, nhà bia tưởng niệm các bậc “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ” và những bậc có nhiều công trạng với mảnh đất thân yêu này đôi khi bị đối đãi như vậy.
Trong bộn bề tìm kiếm sự thịnh vượng, nhiều khi chỉ thấy cái hữu hình trước mắt, những thứ có thể đong - đo - đếm được. Nếu có cách nhìn khác thì có thể trải rộng những giá trị vô hình thành tài nguyên du lịch, đáp ứng cho nhiều đối tượng khách đến thăm viếng, trải nghiệm. Mà cũng chưa cần đến đón nhiều du khách, những giá trị văn hóa lịch sử có thể biến thành niềm tự hào, thành sức mạnh nội sinh lưu truyền và nhân lên nhiều lần qua các thế hệ nối tiếp nhau. Sức mạnh nội sinh đó sẽ trở thành nguồn lực, giúp con người bản địa đứng vững trước những làn sóng văn hóa ngoại lai xô đẩy. Như vậy, trên con đường phát triển, văn hóa và lịch sử sẽ là lực kéo hay là lực đẩy phụ thuộc vào cách nhìn và hành động của chúng ta. Văn hóa và lịch sử có thể làm con người bớt đi sự đố kỵ để xích lại gần nhau, cùng nhìn về một hướng, bởi suy cho cùng, tất cả cùng một nguồn cội mà!!!
Đi ra nước ngoài, rất dễ nhìn thấy hình ảnh hàng đoàn các cháu bé ở tuổi mầm non, tiểu học xếp hàng ngay ngắn, chăm chú lắng nghe thuyết minh trong các bảo tàng, các điểm di tích lịch sử. Điều đó chứng tỏ họ rất quan tâm dùng văn hóa, lịch sử để kết nối từng thế hệ con người, để những mầm non hôm nay biết tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc. Hay đây là cách họ dạy lịch sử một cách sinh động, không gây nhàm chán? Ngày lại ngày qua, văn hóa dân tộc và cội nguồn lịch sử sẽ thấm vào từng người trẻ để mai này kế thừa, làm rạng danh đất nước.
Tài nguyên bản địa luôn có tiềm năng trở thành sản phẩm mang giá trị văn hóa cao. Từ sản phẩm kinh tế có thể trở thành di sản văn hóa nếu tính bản địa được gắn kết đúng mức, được coi trọng cùng với sự đầu tư tri thức, công nghệ và nguồn lực ngay từ bước đầu khởi nghiệp. Và ngược lại, văn hóa lịch sử sẽ trở thành tài nguyên kinh tế vô tận nếu biết đặt đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nó, và hơn thế nữa, nếu biết khôn khéo phát huy, sẽ hướng đến một xã hội nhân bản, nhân văn.
Tài nguyên xã hội là một dạng tài nguyên đặc biệt của trái đất, thể hiện bởi sức lao động chân tay và trí óc, khả năng tổ chức và chế độ xã hội, tập quán, tín ngưỡng của các cộng đồng người. Muốn làm được điều đó, lại cần đến một loại “tài nguyên của tài nguyên”, đó là “tài nguyên con người”. Trước hết là những người quản lý văn hóa, làm văn hóa và tất cả hệ sinh thái văn hóa. Tất cả phải thấu hiểu hết chiều sâu của “tài nguyên xã hội” thì sẽ không chỉ mải mê chạy theo đong - đo - đếm “tài nguyên hữu hình”.
Xích Lô