Chuyện “tôm”, chuyện “cá”

Cập nhật ngày: 06/06/2018 17:10:04

http://baodongthap.com.vn/database/video/201806060511056-6 Chuyen Tom chuyen Ca-Xich Lo.mp3

Chuyện xưa, tích cũ kể rằng, Mạnh Mẫu là mẹ của Mạnh Tử, có lần chuyển nhà sang một khu phố mua bán sầm uất nhưng thấy Mạnh Tử tối ngày học cách cân, đong, đo, đếm của những kẻ mua bán nên quyết định chuyển nhà đi nơi khác. Hổng biết có phải vậy mà từ ngàn xưa con người đã có những quan niệm không được tốt đẹp cho lắm về nơi người ta gọi là “chợ búa”. Gặp người nào có vẻ hung dữ thì phán liền, đồ “dân chợ búa”; còn khi thấy ai đó, mà nhất là phụ nữ, ăn nói có vẻ lanh lẹ, lại có phần “chanh chua”, đến mức to tiếng thì có người phán liền: Rồi, “hàng tôm”, “hàng cá” đó mà!

Thật ra, nói “hàng tôm”, “hàng cá” thì cũng đúng thôi, thì đó là những người tiểu thương mua bán tôm cá ngoài chợ thôi. Nhưng đối với một số người khi phán “dân chợ búa” hay “bạn hàng tôm bạn hàng cá” là dường như hàm ý không được tôn trọng cho lắm đối với những người mà ai cũng thấy cần thiết để có bữa ăn hàng ngày. Có gì bất công ở đây không khi chúng ta định kiến với một ngành nghề và những người làm nghề đó? Mỗi công việc, nghề nghiệp đều khởi nguồn từ nhu cầu của xã hội. Trong muôn ngàn nhu cầu của cuộc sống thì có người làm ra sản phẩm, lại có người đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Mỗi người làm tròn chức phận của mình thì xã hội sẽ vận hành tốt đẹp. Chợ là nơi gặp nhau giữa người bán và người mua. Vậy thì tiểu thương cũng là một mắt xích không thể thiếu được để con người tồn tại như bao nghề nghiệp khác.

Trong ngôi chợ truyền thống thì có người đem bán những thứ mình nuôi trồng, đánh bắt, được gọi là “tự sản tự tiêu”. Cũng có người mua gom lại những nông sản từ nhà vườn rồi bán lại. Vậy là, có người chuyên “mua đầu chợ, bán cuối chợ” để kiếm đồng lời. Đã là mua bán thì có buổi chợ này đắt hàng, buổi chợ khác lại ế ẩm, có khi kiếm được đồng lời mà cũng có khi thua lỗ. Vậy thì, các tiểu thương phải cân nhắc mua bao nhiêu, bán bao nhiêu là vừa. Mua thấp thì chưa chắc mua được, bán cao cũng chưa chắc bán được. “Trăm người bán, vạn người mua” chớ đâu phải “một mình một chợ” đâu. Người mua thì bao giờ cũng khó tính, muốn rẻ mà phải tươi ngon, rồi nâng lên đặt xuống, chê già chê non, “bán hàng nói thách, làm khách trả rẻ” mà. Chậm một chút là cá sình, rau héo, “đắt ra quế, ế ra củi”. Rồi thì, “Đắt hàng cùng ả cùng anh. Ế hàng gặp những thông manh quán gà”. Có khi “thà bán đổ còn hơn xách rổ về không”.

Đôi khi chính những định kiến của chúng ta tạo ra hố ngăn cách giữa người với người. Từ sự mặc cảm nghề nghiệp, lâu dần hình thành sự xung đột ngay từ trong tâm thức. Chúng ta luôn mong muốn người khác nghĩ tốt về mình, vậy thì, hãy tự hỏi mình có nghĩ tốt về người khác chưa? “Điều mình không mong muốn người khác đối xử với mình thì cũng đừng nên làm điều ấy với người khác”. Những định kiến của con người tích tụ dần đôi khi biến thành hành động phản kháng, bất chấp. Hãy nhìn những tiểu thương tần tảo, thức khuya, dậy sớm, mua ngay, bán thật, nụ cười luôn nở trên môi, chọn lựa cho khách mà như chọn lựa cho chính mình, để dần bỏ đi những định kiến, hẹp hòi.

Đối với nhiều người, mọi mối quan hệ xã hội đều có thể đánh đổi bằng tiền. “Có tiền mua tiên cũng được” mà! Vậy là, có tiền là có thể bắt người khác phải phục tùng ý chí của mình. Tuy nhiên, trong xã hội văn minh, mỗi người luôn xác định mình đều có quan hệ “ơn nghĩa” với người khác. Người tiêu dùng biết ơn người làm ra sản phẩm vì có họ mới có cơm ăn, áo mặc, nhà cao của rộng... Người tiêu dùng biết ơn người mua bán vì có họ thì những sản phẩm mới tới tay mình. Về phía người bán thì biết ơn người tiêu dùng vì đã lựa chọn sản phẩm của mình, để mình còn có cơ hội mưu sinh. Lòng biết ơn và những lời “cám ơn” qua lại là biểu hiện của cách ứng xử văn hóa. Xã hội văn minh được hình thành từ cách tư duy như vậy!

“Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Nếu mỗi người từ trong tâm thức đều suy nghĩ như vậy thì sẽ cùng nhau làm cho điều thiện luôn được đánh thức. Ngược lại, sẽ làm cho điều xấu sẽ bị dồn nén và đến một lúc nào đó sẽ bùng phát thành những xung đột. Khi ấy, con người luôn đề phòng với nhau. Vậy là, những “hố ngăn cách” được khoét sâu để rồi mỗi người có khi bị sụp vào chính “cái hố” do mình vô tình hay cố ý tạo ra. Xã hội văn minh chỉ được hình thành khi người người tôn trọng nhau. Xã hội sẽ đi về đâu khi con người nhìn nhau xa lạ, dè chừng? Chỉ một lời nói thôi cũng có thể làm cho người ta xa cách nhau, mà cũng một lời nói thôi người ta có thể xích lại gần nhau hơn. “Kim vàng ai nỡ uốn câu. Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời” mà!

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Đơn giản vậy thôi, mà hành trình hướng đến sự thay đổi cũng không dễ dàng chút nào!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn