Câu chuyện “đồng phục”
Cập nhật ngày: 09/07/2018 10:52:25
Vừa rồi, được đi khảo sát ở một đất nước láng giềng, một nền kinh tế thứ hai thế giới, chỉ có mấy ngày mà học được nhiều cái hay. Một trong điều hay đó là “phát triển phải dựa trên đặc điểm, điều kiện của từng vùng miền, từng địa phương”. Có nghĩa là: không nên “mặc đồng phục” trong các chiến lược hay kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Mà điều này thật ra không có gì mới! Khi bắt tay vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì mình cũng đã đi theo hướng này rồi. Nghĩa là: không “mặc đồng phục”, mà tìm hướng đi riêng dựa vào đặc điểm của đồng ruộng, vườn tược, sông ngòi... của mình, bà con nông dân của mình!
Ấy vậy mà, “mặc đồng phục” nói thì ai cũng hiểu nhưng không dễ thực hiện! Tâm lý “đồng phục” - người ta làm vậy thì mình làm theo - đã bám víu lâu quá rồi! Đã là “đồng phục” thì đâu còn sáng tạo, đâu còn chịu tìm tòi sự khác biệt phù hợp với đặc điểm riêng của mình. Có lẽ, không có gì dễ dàng hơn là sự bắt chước người khác một cách rập khuôn, máy móc, khỏi cần vắt óc suy nghĩ đổi mới chi cho mất công, mà hổng biết có ai khen không???
Có một thời, mỗi huyện được ấn định phải xây dựng một cụm công nghiệp. Thì đó, người ta luôn nói “làm công nghiệp mới khá, làm dịch vụ mới giàu, còn làm nông nghiệp thì mãi nghèo mà”?!? Thì đó, mục tiêu chung là đến năm nào đó thì đất nước trở thành quốc gia công nghiệp hóa sao mình vẫn đi theo con đường nông nghiệp? Thì đó, hổng thấy nơi này nơi nọ, chỉ cần một dự án nghìn tỉ là GDP tăng ào ào, một sân golf, resort năm sao mọc lên là thiên hạ đến rần rần đó sao? Còn mình hổng lẻ mãi chịu kiếp “con sải ở chùa thì quét lá đa”? Thậm chí, khi đi vào tái cơ cấu nông nghiệp mấy năm rồi mà mỗi khi gặp khó thì vẫn có người muốn “quay đầu” than thở: “Phải chi!!!”. Một khi “tư tưởng mà hổng thông thì vác bình tông cũng hổng nổi” nữa huống chi phát triển nông nghiệp đâu chỉ “vụ trước, vụ sau” là có kết quả ngay.
Phải lấy lợi thế so sánh để mà tìm ra con đường đi riêng và luôn giữ mục tiêu đã chọn. Đất nước công nghiệp hóa thì đâu phải chỗ nào cũng y khuôn phát triển công nghiệp. Vì sao đất nước “kim chi” giàu có lại đưa ra khẩu hiệu “Nông nghiệp là sinh mạng/Nông thôn là tương lai”? Và, nông nghiệp họ phát triển trên đất đai khô cằn sỏi đá, nông thôn vẫn văn minh, hiện đại? Vậy, nông nghiệp đâu chỉ là “con trâu và cái cày”, nông thôn đâu phải là những “lề thói lạc hậu”, nông dân đâu chỉ là “tay lấm chân bùn” với vị trí thấp kém trong thang bậc của xã hội. Họ làm nông nghiệp thông minh với những nông dân thông minh rồi mà!!!
Có một nhà văn nổi tiếng đề tựa cho một truyện ngắn một câu thật đầy hồn người, hồn đất: “Mẹ tôi là nông dân. Và tôi sinh ra ở nông thôn”. Vậy, thay vì ngồi ngán ngẫm, bi quan hóa ngành nông nghiệp, bi lụy hóa người nông dân, mỗi người hãy xắn tay vào. Thay vì thương cảm, xót xa thì sao không cùng hành động? Trí thức thì đưa kiến thức, công nghệ về làng. Bác sĩ thì đem sức khỏe đến cho người nông dân. Ngành văn hóa đưa những chuẩn mực mới hướng tới sự hợp tác trong xóm làng. Văn nghệ sĩ bằng tác phẩm của mình làm bừng lên khát vọng cho người nông dân. Các nhà truyền thông đưa ra nhiều thông tin để mọi người hình tượng ra cách làm khác trong nông nghiệp, một cách sống khác ở nông thôn. Ai ai cũng có phần của mình thay vì ngồi ngoài phán xét.
Có lạc đề không khi mở đầu thì nói về bệnh “mặc đồng phục” mà diễn giải một hồi lại về nông nghiệp, nông thôn? Không! Vấn đề là chúng ta tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nhưng không “mặc đồng phục” mà đi theo cách riêng của mình. Đồng ruộng khác với vườn tược. Vùng sâu khác với vùng ven. Đất liền khác với cù lao. Ao hầm khác với sông rạch. Từ sự khác biệt đó mà sáng tạo ra hướng đi. Muốn vậy, cán bộ phải “cùng nông dân ra đồng” giống như mấy doanh nghiệp bán thuốc bảo vệ thực vật đi làm quảng cáo.
Có một lãnh đạo huyện đánh giá nhiều cán bộ cấp xã thiếu thực tiễn. Sao vậy? Thực tiễn ở ngay đồng ruộng, vườn tược mình đó, trong bà con mình đó. Vậy, hãy giảm đi những cuộc hội họp không cần thiết, bớt đi những hoạt động mang tính hình thức để “băng đồng, lội ruộng” và trở về cùng trăn trở rồi sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Ngồi trong công sở thì chỉ có thể nói theo cấp trên, nói theo nghị quyết, sách vở. Một khi nói bằng suy nghĩ của mình mới có cảm hứng để thuyết phục người khác. Đừng để đi truyền lửa mà chính mình lại nguội lạnh, hô hào mọi người tiến lên phía trước mà có lúc mình lại muốn quay đầu.
Muốn không “mặc đồng phục” thì phải đổi mới, sáng tạo! Không chỉ nói suông là có được ngay đâu. Cấp trên phải là người mở đường, ủng hộ cho cấp dưới sáng tạo; cấp dưới đồng hành với cấp trên để hiện thực hóa chủ trương, giải pháp... Cả một guồng máy sáng tạo, rồi người dân sáng tạo, hướng đến một xã hội sáng tạo. Không “mặc đồng phục” đơn giản là vậy thôi!
Xích Lô