Lại một “điệp khúc buồn”
Cập nhật ngày: 29/06/2018 11:48:58
Mấy năm trước, có dịp ngồi hàn huyên với một anh nông dân trồng ớt ở một vùng cù lao có nhiều điều thú vị mà nhớ hoài cho tận bây giờ. Sau một vụ “trúng mùa, trúng giá”, những tưởng anh nông dân đó sẽ hồ hởi phát triển thêm ở vụ sau. Nhưng không! Ảnh nói “mới vừa đi chợ mua ớt giống về trồng thấy sao giá cao đột biến, vậy là chắc mùa này người ta trồng nhiều lắm nên mới như vậy”. Thế là, không những không mở rộng diện tích, mà anh nông dân thông minh kia còn giảm bớt để trồng những loại rau màu khác. Và đúng là vụ sau ớt rớt giá, nhiều nhà vườn lao đao, còn ảnh thì đã có những loại khác để bù vào.
Ngẫm lại câu chuyện trên thấy thật thán phục một người nông dân chắc là không học qua trường lớp kinh tế nào nhưng đã tinh tế phát hiện ra quy luật cung cầu. Sản lượng mà tăng ồ ạt trong khi nhu cầu không tăng thì chắc chắn sẽ rớt giá thôi! Trái ớt cũng vậy, mà bất kỳ cây trồng vật nuôi nào khác cũng vậy. Thì đó, mới mấy tháng trước thì củ cải trắng, su hào nằm đầy đồng ngoài miền Bắc, rồi mới đây là dưa hấu, là ớt, là thanh long ở các tỉnh miền Trung. Năm ngoái là con heo ở miền Đông. Xa hơn nữa là hành tím Sóc Trăng, là chuối Đồng Nai. Vậy là, hết chiến dịch “giải cứu” này rồi lại “nhóm từ thiện” nọ để hỗ trợ bà con. Nghe vừa cảm phục nhưng sao vừa thấy xót xa. Hổng lẻ làm nông mà chờ người ta “giải cứu” cho mình nay thì trái này, mai lại kêu gọi “lòng từ thiện” của người tiêu dùng mua dùm con kia hoài sao?
Mà nói đâu xa, vừa rồi khoai môn, trái ớt, trái xoài ngay quê mình cũng lâm vào cảnh ngộ “điệp khúc buồn” rồi đó! Nghe đâu sau thời gian tăng trưởng khủng, “nhà nhà” đào ao nuôi cá tra giống vì giá lên ngất ngưởng thì hiện đã có chiều hướng giảm giá rồi. Lại không có lâm vào cảnh treo ao như năm nảo năm nào không đây. Bài học muôn thuở về “ứ hàng, dội chợ” mà hình như mình học hoài không thuộc? Hay dẫu biết là biết vậy nhưng do cách sản xuất như là đánh bạc, “nhứt chín, nhì bù”, phó thác cho vận rủi may, đã ăn sâu vào nếp nghĩ cách làm của bà con mình bao đời nay rồi?
“Điệp khúc buồn” cũng là lời tâm sự của lãnh đạo một ngành cấp tỉnh trong một bức tâm thư chia sẻ sau một vụ mùa khoai môn Lấp Vò rớt giá. Ảnh nói “nếu các cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn cùng “lặn lội” với bà con ngay khi chuẩn bị vô vụ mùa mới thì hay biết mấy!!!”. Khi ấy, cán bộ mình tổng hợp số liệu, rồi thuyết phục, rồi khuyến cáo cho bà con mình có thêm nhiều thông tin để đắn đo trước khi quyết định có nên xuống giống không, xuống bao nhiêu là vừa, là không sợ rủi ro dư thừa. Làm lãnh đạo là vậy, là đâu phải hô hào tăng gia sản xuất, mà phải cung cấp nhiều nhất thông tin và kết nối thị trường cho bà con. Làm lãnh đạo đâu chỉ ngồi cộng sản lượng lại rồi báo cáo hay xem đó là thành tích của mình, mà không thấy hết rủi ro chực chờ phía trước một khi cung vượt cầu mỗi khi chuẩn bị vào vụ mới. Mà không rủi ro sao được? Mới mấy vụ trước diện tích xuống giống khoai môn nghe đâu chừng chưa được 300ha mà mấy vụ sau lên đến gần 1.000ha rồi. Đã vậy, bà con mình lại dồn vào một vụ chính nên sản lượng quá nhiều, trong khi chỉ “năm bảy” thương lái, “vài ba” nhà vựa quen biết truyền thống thì làm sao tiêu thụ cho hết được?!?
Như vậy thì cán bộ lãnh đạo, ngành chuyên môn, cán bộ đoàn thể, nhất là Hội Nông dân phải kịp thời nắm bắt những quy luật vận động, xu hướng của thị trường, phải tinh tế nhận diện tín hiệu rủi ro như anh nông dân trồng ớt vùng cù lao năm nào. Muốn vậy, mọi người phải “xắn quần băng đồng, lội ruộng” với bà con nông dân chứ đừng ngồi quanh quẩn trong bốn bức tường công sở. “Băng đồng” để biết diện tích xuống giống từng thời điểm là bao nhiêu. “Lội ruộng” để nhắc nhở bà con mình nên rải vụ để tránh “dội chợ”. Rồi sau mỗi vụ mùa, dù thắng hay thua đều ngồi lại cùng phân tích với bà con. Có ai đó nói rằng, “khi thất bại mà biết vì sao thất bại có thể xem là không thất bại”.
Nghe nói, cả một cánh đồng khoai bao la mà chưa hình thành được tổ hợp tác hay hợp tác xã nên bà con mạnh ai nấy trồng, mạnh ai nấy bán. Cái nguyên lý ngàn đời là làm ăn nhỏ lẻ, riêng rẻ thì chi phí cao, chất lượng không đồng đều, rồi cạnh tranh mua, cạnh tranh bán, rủi ro này nối tiếp rủi ro kia. Ai là người rủ rỉ rù rì phân tích lẽ thiệt hơn cho bà con cùng hợp tác với nhau trong sản xuất, kinh doanh? Đâu chỉ một hai cuộc họp là bà con mình thấm hết ý nghĩa của kinh tế hợp tác, do đó phải kiên trì. Đừng chán nản. Đừng bỏ cuộc. Bỏ cuộc cũng đồng nghĩa bỏ bà con mình bơ vơ giữa cánh đồng, chao đảo theo nhịp nhảy thị trường mỗi mùa vụ. Có một cán bộ dứt khoát: “Hãy để bà con thất bại rồi bà con mới tỉnh ngộ ra...?!?”. Nghe thì có vẻ “đúng” nhưng không được “trúng” cho lắm. Trước hết, hãy xem lại mình đã làm tròn, làm hết trách nhiệm với bà con nông dân - những người mà trong tương lai gần, những củ khoai, liếp rau vẫn là cái nghiệp, là nguồn sống của họ ở vùng đất này.
Đừng để “điệp khúc buồn” mãi là điệp khúc!
Xích Lô