Câu chuyện từ một làng nghề
Cập nhật ngày: 16/07/2018 16:26:09
Có một ngôi làng trước đây vài chục năm chỉ lác đác vài tiệm sửa chữa và sản xuất bóng đèn điện. Bây giờ, ngôi làng đó đã trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh đèn chiếu sáng với 26.000 doanh nghiệp, chiếm 70% thị phần cả nước và xuất đi khoảng 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là Cổ Trấn, một thị trấn thuộc thành phố Trung Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc.
Những năm gần đây, cá tra là một mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh. Ảnh: Nhật Khánh
Sẽ có nhiều cách lý giải cho sự phát triển thần kỳ này, nhưng có thể tóm gọn theo lời của lãnh đạo thị trấn: “Tinh thần trọng thương đã ăn sâu vào máu thịt của chúng tôi”. Vậy là, “tinh thần doanh nhân” và triết lý “buôn có bạn, bán có phường”, “muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau” đã làm nên thành công của họ.
Nhiều người vẫn thán phục vì sao sản phẩm của đất nước rộng lớn này thật rẻ. Có nhiều cách lý giải, nhưng với góc độ kinh tế học thì đó là lợi thế về quy mô. Quy mô càng lớn thì chi phí càng giảm. Với 26.000 doanh nghiệp thì trở thành một thị trường lớn cho các doanh nghiệp cung ứng vật tư nguyên liệu đầu vào, rồi kho bãi, hậu cần... Thị trường lớn thì chi phí quảng bá, tổ chức xúc tiến đều hiệu quả hơn là một vài doanh nghiệp. Quy mô đủ lớn thì dễ xây dựng thương hiệu không chỉ cho sản phẩm, cho doanh nghiệp, mà cho cả địa phương.
Chiếc đèn bây giờ đâu chỉ là cái bóng thủy tinh với sợi dây tóc. Một ngành công nghiệp về đèn với hàng loạt ngành phụ trợ đi theo. Những chóa đèn bằng vải, pha lê, giấy, nhựa... Những đế đèn bằng đủ loại vật liệu như gỗ, nhôm, bạc, đồng, thủy tinh, sợi tổng hợp... Cái đèn bây giờ đâu chỉ có chức năng tạo ra ánh sáng, mà còn để trang trí, thậm chí thể hiện đẳng cấp. Nó có thể nhỏ nhắn như cái đèn ngủ, mà cũng có thể lộng lẫy như chiếc đèn chùm ở đại sảnh. Nó đa dạng cho các không gian chức năng: ăn, ngủ, học tập, tâm linh, khánh tiết... Ngày nay, Cổ Trấn đã là một trong những điểm hội tụ của thế giới đến với đèn chiếu sáng. Nhờ đó, những ngành dịch vụ lần lượt phát triển, những công trình văn hóa, phúc lợi xã hội được xây dựng.
Nhìn sâu hơn là “tinh thần văn hóa doanh nghiệp”. Có thể cảm nhận được điều đó khi tham quan “Bảo tàng văn hóa đèn chiếu sáng”. Một chiều dài lịch sử nhân loại từ người tiền sử lấy đá tạo ra lửa để có ánh sáng, cho đến ánh sáng được thắp lên bằng dầu mỡ động, thực vật; rồi Edison phát minh ra bóng đèn điện và những loại đèn hiện đại rực rỡ sắc màu ngày nay. “Văn hóa chiếu sáng” có được từ “văn hóa hợp tác” của các doanh nghiệp, mà cũng có thể được nhen nhóm từ “ánh sáng” trong mỗi doanh nghiệp. Và, họ cùng nắm tay nhau đi ra thế giới bằng tinh thần như vậy.
Ngẫm lại vùng đồng bằng sông Cửu Long của mình, chỉ con cá tra thôi mà đôi khi nặng lòng. Một ngành hàng chủ lực mà không biết bao lần bị sóng gió. Biết bao hội nghị, hội thảo từ cấp tỉnh, cấp vùng cho đến cấp Quốc gia. Mỗi chữ “liên kết” thôi mà biết bao nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, người nuôi bàn thảo suốt mấy chục năm trời. Mỗi chữ “hợp tác” thôi mà những ban điều phối, hiệp hội... loay hoay mãi vẫn chưa có lời giải. Phải chăng, nó xuất phát từ sự thiếu vắng “tinh thần trọng thương” của chính quyền, sự thiếu vắng “văn hóa hợp tác” của cộng đồng doanh nghiệp?
Có người nhận xét, doanh nghiệp ngành cá tra ai cũng biết đến mình, muốn vượt lên trước, mà không chịu cùng nhau chăm lo xây dựng và giữ gìn một thương hiệu độc quyền tự nhiên của vùng đồng bằng. Mỗi năm, doanh nghiệp xứ mình có bao nhiêu chuyến đi ra thế giới để tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, nghiên cứu công nghệ mới, ký kết với các đối tác.
Ước gì, cộng đồng doanh nghiệp đi cùng nhau một chuyến, ngồi cùng nhau một bàn, để thảo luận và đưa ra câu trả lời, văn hóa hợp tác của mình như thế nào? Không hợp tác thì sẽ cạnh tranh với nhau. Cạnh tranh không lành mạnh thì dễ nói xấu, giành giật mối mang của nhau, hạ giá và kéo theo là giảm chất lượng. Không hợp tác thì không mua hàng của nhau nên doanh nghiệp nào cũng đầu tư khép kín từ vùng nuôi, chế biến thức ăn cho đến sản xuất bao bì. Vậy là giá thành tăng lên. Nếu cùng nhau chia sẻ, nối kết để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, cùng nhau xúc tiến thương mại sẽ giảm chi phí và hiệu quả hơn nhiều.
Chỉ khi có được câu trả lời đầy đủ thì lúc đó con cá tra mới khỏi bị “lặn ngụp”, ngành hàng mới phát triển bền vững, và những ngành hàng nông sản khác cũng vậy. Khi ấy, mới không “đắng lòng” với chuyện phở Việt do người Thái sản xuất cũng như nhiều nông sản Việt được chứa trong các bao bì mang nhãn mác nước ngoài! Bao giờ cho đến... bao giờ?
Lê Minh Hoan