Câu chuyện về làng
Cập nhật ngày: 15/08/2018 10:37:17
Gần đây, nhiều người hay dùng hình ảnh “đi Bình Dương” để nói về những dòng người miền Tây rồng rắn rời bỏ làng quê lên các đô thị, khu công nghiệp ở miền Đông làm công nhân. Nghe đầy thương cảm, đầy xót xa! Rồi hết hội thảo này, hội nghị kia tìm hết giải pháp này đến kế sách nọ, nhưng dường như chưa có cái nhìn một cách căn cơ. Rồi lại có “tiếng chì tiếng bấc” trách sao chính quyền không thu hút các nhà đầu tư về để giải quyết việc làm tại chỗ, để “ly nông nhưng bất ly hương”? Sao không làm gì để nông nghiệp phát triển bền vững, thu nhập người nông dân tăng, để họ bám ruộng, bám vườn?
Nhiều bạn trẻ Đồng Tháp đi lên từ nghề nông đã có sự khởi nghiệp thành công ngay chính trên quê hương và tạo việc làm cho bà con nông dân (ảnh: Hữu Nghĩa)
Đây đó không ít người so sánh, nông thôn thì lạc hậu, còn đô thị là văn minh, làm công nghiệp ắt mới giàu có, chứ còn làm nông sẽ cứ mãi nghèo khó... Ủa, đô thị cũng đi lên từ làng quê mà, những thị dân hôm nay cũng “dây mơ rễ má” với những người nông dân còn đang cặm cụi tạo ra sản phẩm cho người thành thị kia mà! Những gót son của thiếu nữ thành thị có phải từ những đôi chân lấm bùn của cha, của mẹ là nông dân không? Vậy đó, đứng bên ngoài, thậm chí là đứng bên trên để mà bình phẩm, mà soi xét thì dễ lắm. Nhưng suy cho cùng, hình như mỗi người không “vô can” trong từng bước phát triển hay tụt hậu của quê hương, văn minh hay lạc hậu của làng quê mình.
Câu chuyện di dân từ nông thôn lên thành thị thì bất cứ đất nước nào cũng trải qua trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế, chỉ có là ít hay nhiều mà thôi! Và có lẽ, đó cũng là sự phân công tất yếu, đô thị thì làm công nghiệp, dịch vụ, nông thôn thì làm nông nghiệp, là “bếp ăn” cho đô thị. Làm công nghiệp, dịch vụ thì cần đến nhiều người, còn nông thôn thì đất đai teo tóp dần, khi sử dụng máy móc thì nhu cầu sử dụng lao động lại giảm. Vậy là, theo quy luật “nước chảy về chỗ trũng”. Muốn thoát ra thì phải tìm cách thu hút đầu tư công nghiệp, nhưng dường như nếu có thì cũng không cân bằng được với những người bước vào độ tuổi lao động hàng năm. Khó và khó...
Trong khi chúng ta ca cẩm về nông thôn, thương xót về người nông dân thì đất nước khác vẫn đặt ra chiến lược: “Nông nghiệp là sinh mạng - Nông thôn là tương lai”. Đúng rồi, con người văn minh tới đâu chăng nữa thì cũng cần đến cái ăn, nông thôn dẫu chưa thật sự trong lành nhưng cũng không ngột ngạt bằng đô thị. Vậy là, họ tập trung chấn hưng nông thôn, làm cho nông thôn tiếp cận với những tiện ích như đô thị, nông dân được tri thức hóa. Chúng ta có làm được, nên làm và cần làm như vậy không hay cứ ngồi mà ca cẩm, mà xót mà thương? Vậy sao chúng ta không cùng nhau “về làng”?
Doanh nhân “về làng” không chỉ để mua đi bán lại, mà đầu tư một cơ sở ban đầu nho nhỏ với năm bảy công nhân sơ chế nông sản rồi dần dần mở rộng quy mô. Có nhiều cơ sở sản xuất thì sẽ có dịch vụ “về làng” lại thêm nhiều chỗ làm. Trí thức “về làng”, đem kiến thức đến nông dân, để bà con hiểu ra thế nào là quy luật thị trường khác với “được mùa thì mất giá” như thế nào. Dân công nghệ thông tin “về làng”, giúp cho bà con biết sử dụng những tiện ích từ cái điện thoại thông minh, máy vi tính sẽ làm giàu cho cuộc sống. Giáo viên “về làng”, đến các ngôi trường heo hút để giúp học sinh không bỏ dở chuyện học hành vì phương pháp giáo dục cũ kỹ. Thầy thuốc “về làng”, giúp cho bà con nhận ra sự nguy hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe của con người. Những người hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật “về làng”, đem ánh sáng văn hóa, niềm lạc quan xua đi những “đêm tối” - sự an phận, bi lụy của bà con mình. Và, cả hệ thống chính trị đi cơ sở không chỉ dừng lại ở huyện, ở xã mà xuống đến tận ngõ xóm để “nói cho bà con nghe và nghe bà con nói”, làm cho làng quê bớt đi sự so đo, đố kỵ, cùng nhau “xây nghĩa xóm, dựng tình làng”, đoàn kết, hợp tác, tương thân tương ái, tiến tới cùng nhau thực sự làm chủ cộng đồng.
“Về làng” phải từ sự thôi thúc trong trái tim mỗi người chứ không phải vì phong trào, vì mệnh lệnh, vì xót thương. “Về làng” là để trả nợ những người làm ra hạt gạo, mớ rau, con tôm, con cá... cho chúng ta hàng ngày. Nhưng sẽ không ít người chắc sẽ nghĩ khác - “tại sao tôi lại phải trả nợ, tôi có tiền tôi mua sòng phẳng, người nông dân bán sòng phẳng, chẳng ai nợ ai cả!?!”. Nếu mọi người đều nghĩ như vậy thì rõ ràng là chúng ta đang kéo lùi bản thân mình trên con đường đi tới của văn minh nhân loại.
Hãy trở “về làng” rồi mang theo về những câu hỏi “tại sao, tại sao và tại sao”. Chỉ khi biết đặt câu hỏi và trả lời được những câu hỏi đó chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa của câu chuyện “về làng”. Và, khi mình làm mà hiểu hết giá trị của nó thì sẽ làm một cách tự giác, làm vì sự tỉnh thức khi chợt phát hiện ra rằng: Mình thật đáng sống! Đất nước mình sẽ phát triển! Khi đó, khoảng cách giữa đô thị và nông thôn hầu như không còn nữa. Khi ấy thì sẽ là “Làng trong thành phố - Thành phố trong làng”. Rất mừng là quê mình đã có nhiều người, nhất là các bạn trẻ, đang “đi ngược dòng”, rời đô thị, từ bỏ thân phận người đi làm thuê để “về làng” khởi nghiệp làm người chủ nhỏ ngay trên làng quê yêu dấu của mình.
Xích Lô