Câu chuyện truyền thông

Cập nhật ngày: 22/08/2018 19:59:46

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018082209161822-8 CAU CHUYEN TRUYEN THONG.mp3

Ông bà mình thường nói “hữu xạ tự nhiên hương”, đại ý chắc muốn nói cái gì tốt đẹp thì không cần làm gì thì rồi mọi người cũng sẽ biết đến. Rồi nhiều người muốn quảng bá điều gì đó thì sợ “nói trước bước không qua”. Có phải từ những cách nghĩ như vậy nên trong nông nghiệp xứ mình nhiều người nói là đang trong tình trạng “bán mù, mua mù”, ai bán cứ bán, ai mua cứ mua, người bán không biết yêu cầu của người mua về số lượng thế nào, chất lượng thế nào. Ngay hạt gạo thôi thì người thích cơm dẻo, người lại chuộng cơm xốp, người dùng hạt tròn, người thích hạt dài...


Quảng bá sản phẩm nông nghiệp tại một Phiên chợ nông nghiệp xanh tại TP.Cao Lãnh (Ảnh: Mỹ Lý)

Vừa rồi, có một nhóm bạn hữu thân thiết tâm huyết với nông nghiệp và nông sản quê mình đã có sáng kiến về Dự án “Ruộng nhà mình”, kết hợp sức mạnh truyền thông để đưa hạt gạo Đồng Tháp ra thị trường Hà Nội. Các bạn cũng chia sẻ rằng, đó là ý tưởng xuất phát từ mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi” của bà con quê mình. Nghe các bạn trình bày ý tưởng một cách say sưa mà thấy nôn nao trong lòng. Nào là, phải làm sao người Hà Nội biết đến hạt gạo Đồng Tháp ngon và được trồng theo quy trình sản xuất an toàn như thế nào. Các bạn đã đi khảo sát, nghiên cứu phân khúc thị trường Hà Nội như thế nào. Nào là, hệ thống siêu thị, các bếp ăn tập thể cho các doanh nghiệp, trường học. Nào là, bán lẻ đến các tổ dân phố. Nào là, bán buôn nào bán lẻ, bán qua thương mại điện tử... Người tiêu dùng sẽ biết địa chỉ hạt gạo mình sử dụng được trồng ở đám ruộng nào, người trồng là ai và được trồng như thế nào...

Chưa biết kết quả sẽ đến đâu vì còn phụ thuộc vào sự quyết tâm của nhóm Dự án, doanh nghiệp và người nông dân. Có một điều chắc chắn là: không làm thì lấy đâu ra kết quả?!? Ý tưởng của Dự án phải chăng chính là cách thức để thoát ra khỏi điểm nghẽn “nông dân thì tư duy mùa vụ, còn doanh nghiệp thì tư duy thương vụ”. Nền nông nghiệp hổng lẽ cứ mãi “buôn thúng, bán bưng” trong thời đại truyền thông đa phương tiện? Thời buổi bây giờ người ta ngồi một chỗ mua bán bằng thương mại điện tử đến khắp thế giới, không phụ thuộc vào không gian và thời gian.

Có một nhà khoa học đưa ra khái niệm “Truyền thông phát triển tạo ra giá trị thặng dư”. Ngày nay, truyền thông không chỉ là kênh truyền dẫn thông tin, mà còn là phương tiện để nối kết con người với con người, con người với xã hội, người sản xuất với người tiêu dùng. Truyền thông không phải là nói quá lên những gì thực tế chưa có, mà giúp quảng bá sản phẩm trong một thị trường “trăm người bán, vạn người mua”. Truyền thông giúp tạo lập niềm tin và lòng tin; góp phần tạo ra giá trị thặng dư.

Từ tư duy “mua đứt, bán đoạn” đến liên kết lại thành chuỗi giá trị, đầu vào là người sản xuất, đầu cuối là thị trường và gắn kết mắt xích này lại bằng truyền thông chắc là sẽ không dễ dàng. Rồi sẽ hết cái khó này lại đến cái khó khác. Càng khó thì càng phải cần làm, phải quyết tâm làm nếu biết được giá trị của việc mình làm, phải làm để giúp cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Cách mạng là sự thay đổi từ cái lạc hậu thành cái tiến bộ. Vậy thì, chuyển từ nền nông nghiệp “giải cứu”, nông nghiệp “từ thiện”, sang một nền nông nghiệp “thông minh”, bền vững cũng là một cuộc cách mạng rồi! Và, chính những người tham dự vào sự thay đổi này cũng tự hào rằng, mình đang làm một cuộc cách mạng vậy.

Mọi thay đổi đều khó khăn. Cái khó đầu tiên, chắc là bắt đầu từ người trồng lúa, những người đã quen nếp sử dụng phân, thuốc, những người thường an phận với cách bán lúa ngay trên cánh đồng, thậm chí là “bán lúa non”. Giờ thì, khi tham gia vào chuỗi sản xuất - tiêu thụ làm gì cũng phải tuân thủ quy trình, phải ghi ghi chép chép. Giờ thì bán mà biết gạo của mình sẽ được nấu trong bếp cơm nhà ai và người ta có quyền bình luận hoặc từ chối mua gạo của mình thì có “đủng đa đủng đỉnh” được nữa không?

Cái khó thứ hai, đến từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp mình đa phần là “tư duy thương vụ” thậm chí là “đánh quả”, mùa nào tính mùa đó, ai đặt loại nào thì mua gom loại đó. Giờ thì cũng phải khép mình vào khuôn mẫu, phải có tư duy dài hạn, phải là mắt xích giữa nông dân và người tiêu dùng đầu cuối luôn rất đa dạng. Cái khó thứ ba, là ở các cơ quan quản lý chuyên ngành vốn dĩ đã quá quen với tư duy “năm sau cao hơn năm trước”, kiểm đếm sự tăng trưởng bằng năng suất, sản lượng. Giờ thì, phải là cầu nối giữa sản xuất và thị trường; phải biết giá trị của truyền thông sẽ tạo ra thị trường như thế nào.

Một doanh nhân người Hoa chia sẻ rằng, tư duy kinh doanh của họ khác biệt với người Việt mình: Người Việt thì thấy ở đâu mà người ta họp chợ đông thì bưng cái thúng đến bán, còn người Hoa thì tìm nơi chưa có chợ bưng thúng đến bán, và sau này, nơi vắng vẻ đó sẽ trở thành cái chợ sầm uất. Nói chi đâu cho xa, thị trường nội địa hơn 90 triệu dân của mình là một “cái chợ” sôi động chứ đâu phải là “chợ chiều” mà mình “quay lưng” lại, đúng không?

Thôi thì Xích Lô cũng góp phần truyền thông qua bài viết này vậy!

XÍCH LÔ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn