Câu chuyện hội quần chúng

Cập nhật ngày: 21/09/2018 13:02:22

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018092109262121-9 CAU CHUYEN HOI QUAN CHUNG.mp3

Vậy là, cùng với cả hệ thống chính trị, các hội quần chúng cũng cần được tổ chức lại theo mô hình mới “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Mà đâu chỉ là đổi mới “mô hình”, quan trọng hơn còn là đổi mới “phương thức hoạt động”, “nâng tầm sứ mạng” của các hội xã hội - nghề nghiệp.

Hội Khuyến học Đồng Tháp tổ chức trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu (ảnh: Hữu Nghĩa)

Được ngồi hòa đồng cùng lãnh đạo các hội quần chúng mới thấy tràn đầy những cảm xúc. Dù là cán bộ đã về hưu hay còn đương chức; dù là độ tuổi nào, vẫn là nhiệt huyết, là ý thức trách nhiệm với những người cùng ngành nghề, là tâm huyết, là thái độ đúng mực với cuộc sống. Thật đáng trân quý đối với những người như vậy! Cuộc sống tốt đẹp hơn là có sự đóng góp thầm lặng của những người như vậy, những tổ chức hội như vậy!

Mỗi hội quần chúng khi thành lập đều có một sứ mạng được trao cho khác nhau. Có hội được thành lập để thay mặt những người cùng ngành nghề chăm lo lẫn nhau, giúp nhau khi gặp khó khăn trong cuộc sống, giúp nhau không ngừng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp. Có hội được thành lập để làm công tác xã hội bằng tinh thần thiện nguyện, từ khuyến học, khuyến tài đến chăm lo cho những người yếu thế trong xã hội. Có hội được thành lập để vươn tới những công việc mà quản lý nhà nước không thể vươn tới được.

Như vậy, các hội quần chúng là những mảnh ghép không thể thiếu trong một xã hội mênh mông trên con đường phát triển. Vấn đề là những “mảnh ghép” đó sẽ như thế nào để hiệu quả hoạt động ngày càng tốt hơn, được xã hội tôn vinh.

Tổ chức lại sẽ có những hợp nhất bộ máy, điều chuyển cơ quan quản lý nhưng không làm mất đi bất kỳ chức năng đã có và cần thiết trong xã hội. Tổ chức lại đâu chỉ là để tinh gọn, mà quan trọng hơn là để kích hoạt nguồn năng lượng mới nhờ sự san sẻ giữa những hội có chức năng tương đồng. Rồi một người sẽ làm nhiều việc hơn và sẽ thấy giá trị công việc của mình với tương lai của quê hương xứ sở. Tổ chức lại để cấp ủy, chính quyền có điều kiện quan tâm nhiều hơn. Tổ chức lại để công tác phản biện xã hội sẽ sâu sắc hơn, đồng bộ hơn.

Vậy đó, mỗi sự thay đổi sẽ không tránh khỏi những trở lực ban đầu vì cái cũ đã ăn sâu trong tiềm thức. Nhưng làn gió mới rồi sẽ làm tươi mát lòng người, mở ra con đường tươi sáng hơn. Hệ thống của mình trước giờ được thiết kế theo hướng “cắt khúc, phân mảnh”, bây giờ hợp lại chắc chắn sẽ mạnh lên. Rồi đây, các hội quần chúng cùng với các tổ chức chính trị - xã hội sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp. Rồi sẽ có những sự kiện do chính các tổ chức xã hội làm vì xã hội, cho xã hội, sống trong lòng xã hội, được xã hội tin yêu.

Các hội quần chúng, dù là có chức năng ái hữu nghề nghiệp hay chức năng thiện nguyện xã hội, suy cho cùng, cũng để phục vụ xã hội, đem đến những điều tốt đẹp cho con người. Mỗi người chúng ta làm là để “trả món nợ với cuộc sống, với những người dân nuôi sống chúng ta”. Cách nghĩ “trả nợ” sẽ khác cách nghĩ “ban phát” và từ “cách nghĩ khác” sẽ có những “cách làm khác” hướng đến hiệu quả mà không phải làm để được ban thưởng, làm vì thành tích. Làm việc mà đầu óc lúc nào cũng cân phân về danh hiệu, về thành tích sẽ làm công việc nặng nề, khô cứng, thậm chí là hiệu quả thấp. Đâu có danh hiệu nào cao bằng sự tôn vinh của xã hội!

Cuộc sống đã và đang không ngừng phát triển, nhưng cuộc sống cũng còn những người, dù có ý chí nhưng không vươn lên được vì sức khỏe, vì năng lực, vì cái nghèo... Chúng ta phải cùng nhau làm sao để hạn chế thấp nhất khả năng có ai đó “bị bỏ lại phía sau khi đoàn người tiến lên phía trước”. Hãy đem đến mái ấm tình thương, cây cầu, con đường, chiếc xe đạp đến trường, chiếc xe lăn xe lắc, suất học bổng, bữa cơm đầy tình thương... Và, hãy đem đến những ý chí vươn lên, những buổi tư vấn sức khỏe cho bà con. Vậy là, tất cả hãy cùng nhau về làng, về với cuộc sống, về với người dân. Ở đó là quần chúng, là người dân, là một xã hội mênh mông.

Về làng, đến các khu dân cư để thấy trách nhiệm xã hội của từng người, để thấy mình còn “nặng nợ” với cuộc sống này. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...”! “Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác