Thước đo “văn minh”
Cập nhật ngày: 17/09/2018 13:42:59
Nói nào ngay, mỗi lần có dịp đi nước này nước nọ trở về xứ mình, nhiều khi “hổng dám” kể lại những chuyện mắt thấy, tai nghe. Vì kể chuyện này chuyện kia, nhất là khen thiên hạ thì nhiều khi bị cho là vọng ngoại, là hổng biết tự tôn dân tộc. Nếu có ai đó mà thốt lên lời so sánh “xứ người ta sao mà văn minh trong khi xứ mình sao mà hình như chỗ này chỗ kia còn luộm thuộm lắm” thì thường bị quy kết như vậy. Nào là, môi trường của họ sạch sẽ, trong lành quá. Nào là, ý thức tôn trọng luật lệ giao thông của họ thật nghiêm túc. Nào là, họ luôn tự giác xếp hàng khi ăn uống, mua sắm, đi tàu đi xe. Nào là, họ không to tiếng nơi công cộng làm ảnh hưởng đến người khác. Nào là, nào là, nào là.
Chuyến đi vừa rồi đến một đất nước “sông liền sông, núi liền núi” với xứ mình, chớ hổng phải tận “bên Tây bên U” gì đâu mà sao thấy hình như đôi chỗ mình còn phải đi học lại từ chỗ “i tờ”. Có người hay tự hào về “hồi xưa”. Hình như có gì đó sai sai với cách “hồi tưởng” như vậy. “Hồi xưa” là chuyện của hôm qua, của ngày xửa, ngày xưa. Bây giờ là chuyện của hôm nay, rồi của ngày mai. Vậy thì, sao mình lại mãi tự hào về “hồi xưa” mà không thấy “gót chân Achilles” đang làm chậm bước trên con đường hướng về tương lai. Chúng ta đừng cứ mãi “ăn mày dĩ vãng”. Tự mãn là cái bẫy để mình chôn chân tại chỗ trong khi thiên hạ đang tiến lên.
Nói dông, nói dài, thật ra chỉ bắt nguồn từ chuyến đi đến xứ sở “gần xịt” bên mình, có cùng chung đường biên giới với mình, thu nhập bình quân đầu người còn thấp hơn mình. Ấy vậy mà, mọi người luôn phải trầm trồ thán phục về ý thức tôn trọng luật lệ giao thông của họ. Mỗi khi có đoàn khách đi qua với xe cảnh sát dẫn đường thì hai bên đường từ xe hai bánh đến bốn bánh, xe thô sơ đến xe tải, đều dừng lại, kiên nhẫn nép sát vào lề chờ đoàn xe khách đi qua. Họ làm việc đó hết sức tự giác, kiên nhẫn. Ai đó chợt thốt lên: “Xứ mình trong trường hợp tương tự như vầy thì nhiều người lại cố chen vượt lên bất chấp tín hiệu của cảnh sát dẫn đường, mình mà làm như họ hổng chừng bị coi là hâm, là lập dị”. Thì đó, ở xứ mình không ít trường hợp dừng đèn đỏ còn bị người phía sau bóp còi inh ỏi, lầm bầm vì họ không thể chen vượt lên được. Hay người mình phần đông là nông dân, đi tắt bờ tắt ruộng quen rồi. Nói vậy thì tội nghiệp nông dân quá, người ta cũng là xứ nông nghiệp kia mà!
Sâu xa của câu chuyện nhường đường như trên là cả một câu chuyện văn hóa ứng xử nơi công cộng. Đó là, tôn trọng người khác và chấp hành luật lệ một cách tự giác. Họ tự hào khi làm điều đó vì đó là một phần làm nên văn hóa. Họ chứng minh rằng, mỗi dân tộc có thể giàu nghèo khác nhau, sang hèn khác nhau, nhưng văn hóa trong mỗi con người, trình độ văn minh của cả xã hội mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Vậy mới biết, văn hóa là cội nguồn sức mạnh của cả một cộng đồng, một xã hội, một dân tộc. Như vậy, đừng có ngồi mà phán xét GDP bình quân đầu người của họ thấp hơn mình. Còn một chỉ số quan trọng hơn, một thước đo khác, đó là “trình độ văn minh” của họ.
Đem văn hóa hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, ứng xử văn minh nơi công cộng so sánh với kiểu chen lấn, muốn vượt lên trước đã tạo ra sự khác biệt giữa người này với người khác, xã hội này với xã hội khác, thậm chí là dân tộc này với dân tộc khác. Một bên là điều kiện để trở thành sức mạnh ngay khi hôm nay còn nghèo khó. Một bên là sự kéo lùi mỗi người và cả xã hội lại mặc dù có thể đã giàu có rồi. Hình như còn một định nghĩa khác về giàu có - ngoài tiền bạc, của cải vật chất - đó là nếp sống văn hóa trong mỗi người. Hổng biết trong các trường học xứ mình từ trường phổ thông cho đến các trường chuyên bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, những người mai này sẽ là chủ nhân của quê hương xứ sở, có chú trọng những câu chuyện này không nữa?
Bốn trụ cột giáo dục của UNESCO: “Học để biết, học để làm, học để khẳng định mình và học để chung sống cùng nhau” muôn đời vẫn đúng, ở đâu cũng đúng. Vậy, sao mình hổng chịu học để “chung sống cùng nhau”? Ông bà mình dặn dò phải “học ăn, học nói, học gói, học mở” kia mà. Có người lại phán, chỉ cần phạt cho nặng, cho nghiêm thì người ta sẽ có ý thức giao thông chứ có gì đâu mà phải tuyên truyền, phải vận động! Cái đó không sai! Nhưng hình thành một xã hội hành xử tự giác, biết tôn trọng cộng đồng mới là cái đích của sự văn minh bền vững.
Vậy là, mỗi chuyến đi là để học, học để về sửa mình, để răn mình. Muốn vậy thì đừng có sĩ diện, tự ái. Không chỉ biết khen thiên hạ rồi đi vào quên lãng, xem đó là chuyện nhỏ không đáng gì phải học. Mà có “nhỏ” hay không những chuyện văn minh đời thường như vậy?
XÍCH LÔ