Câu chuyện “nhứt giống”

Cập nhật ngày: 19/11/2018 09:23:15

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018111909234719-11 CAU CHUYEN NHUT GIONG.mp3

Có dịp ngồi trong một Hội quán nghe một bác nông dân trồng lúa trăn trở: “Ngày xưa, ông bà mình nói “Nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”; nhưng theo tui bây giờ phải là: “Nhứt giống” mới đúng vì giống bây giờ mới là nỗi lo nhứt của nhà nông”. Quá đúng rồi. Giống mà lai tạp thì làm sao mà có lúa chất lượng cao. Giống mà lai tạp thì nhiều khi chi phí sản xuất tăng lên do phải dùng nhiều giống phòng khi mạ chết. Giống mà không có xuất xứ rõ ràng thì làm sao mà truy xuất được nguồn gốc, điểm quan trọng để xây dựng thương hiệu. Hổng biết ngành chuyên môn có khảo sát, thống kê coi nông dân xứ mình sử dụng giống đảm bảo chất lượng không?


Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan trong một chuyến thăm và làm việc tại khu sản xuất giống - Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao (ảnh: Khánh Phan)

Vừa rồi, có dịp đến thăm một Tập đoàn chuyên sản xuất giống chất lượng cao - Thái Bình Seed, có nhiều cái hay cần học hỏi. Đây là một trong những doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của cả nước. Tập đoàn có nhiệm vụ chọn lọc, chọn tạo các loại giống lúa, giống bắp và các loại ngũ cốc khác. Tập đoàn có một trung tâm nghiên cứu khảo nghiệm quy mô 152ha, bên cạnh đó, còn liên kết khoảng 8.000ha, một nhà máy chế biến gạo chất lượng cao. Dây chuyền sản xuất giống tự động và hệ  thống nhà kho có thể bảo quản lúa giống trong 2 năm mà không bị mối mọt hay nảy mầm. Tập đoàn có chủ trương hợp tác với các viện, trường trong và ngoài nước để nghiên cứu cho ra đời nhiều giống mới với công nghệ giống, chỉnh sửa tế bào gen... Bên cạnh đó, Tập đoàn còn chú trọng phục tráng các loại lúa đặc sản truyền thống của vùng quê lúa Thái Bình và các địa phương lân cận. Từ những nghiên cứu của doanh nghiệp, ngày nay, Thái Bình không còn là “quê hương 5 tấn” mà đã “chín mười tấn” rồi!

Anh Chủ tịch Hội đồng quản trị nêu “3 trụ cột” giúp một Tập đoàn giống có 47 năm hoạt động; đó là: xây dựng chiến lược con người, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Thế mới biết chiến lược phát triển của một doanh nghiệp được xây dựng với tầm nhìn dài hạn như thế nào. Từ 3 trụ cột nêu trên, doanh nghiệp này đã đi trước hơn mình một bước rất dài, rất xa rồi. Một cơ sở vật chất với các phòng thí nghiệm đạt chuẩn liên tục nghiên cứu những giống mới không chỉ cho tỉnh, mà còn được đặt hàng từ các địa phương khác. Một đội ngũ cán bộ khoa học giàu tâm huyết có khả năng nghiên cứu độc lập và hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Quê mình là trọng điểm sản xuất nông nghiệp mà hình như câu chuyện “nhứt giống” chưa được quan tâm một cách bài bản. Đâu chỉ là câu chuyện giống lúa, nông dân Lai Vung cũng đang than ngắn thở dài về giống quýt, giống cam. Bệnh chổi rồng trên cây nhãn ở Châu Thành cách đây mấy năm còn là nỗi ám ảnh của người nông dân. Tình trạng thoái hóa, đồng huyết trên giống cá, giống ếch và nhiều loại vật nuôi khác đang diễn ra ở Tháp Mười, Cao Lãnh cũng làm đau đầu người nuôi. Đi tham quan Tập đoàn Austfeed của Úc chuyên sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn gia súc ở tỉnh Hưng Yên, hiện đang có các dự án đầu tư ở tỉnh mình, được biết, họ đang nắm giữ bản quyền các giống lợn cụ kỵ siêu nguyên chủng. Giống này có khả năng lai tạo các đàn lợn với tỷ lệ thịt theo ý muốn, đáp ứng nhu cầu các thị trường quốc tế và trong nước... Họ quan niệm rằng: “Ai nắm con giống là coi như nắm được thị trường”! Câu chuyện “nhứt giống” đến đây vậy là đã rõ ràng rồi, phải không?

Một tỷ phú đã tổng kết rằng: “Trên con đường đi đến thành công, lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực, tầm nhìn sẽ dẫn đến kết quả, kiên trì quyết định tất cả”. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh mình được triển khai hơn 3 năm rồi, được thì được nhiều điều. Lựa chọn thì mình đã lựa chọn 5 ngành hàng. Kiên trì thì mình đã kiên trì gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, kiên trì xây dựng chuỗi ngành hàng, kiên trì giảm chi phí - tăng chất lượng nông sản, kiên trì phát triển hợp tác xã. Vậy còn tầm nhìn dài hạn thì sao, câu chuyện “nhứt giống” phải chăng cũng là một tầm nhìn để tái cơ cấu bền vững hơn? Một địa phương là trọng điểm nông nghiệp cần có các trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp sản xuất giống đủ tầm để dẫn dắt các hợp tác xã, câu lạc bộ sản xuất giống. Từ giống đầu dòng, giống siêu nguyên chủng đến giống nguyên chủng, giống xác nhận đều phải qua quy trình kiểm soát để có thể truy xuất nguồn gốc, không thể kéo dài tình trạng chậm chạp, trôi nổi. Quy trình đó cần được tích hợp dựa trên nền tảng của công nghệ số.

Gần đây, có nhiều doanh nghiệp dẫn đầu về sản xuất giống có tiềm lực công nghệ cao đã nghiên cứu hợp tác với tỉnh nhà để phát triển các vùng giống đạt chuẩn. Đó là tín hiệu vui cần được ngành chuyên môn, địa phương quan tâm kết nối với các hợp tác xã, câu lạc bộ sản xuất giống, các doanh nghiệp liên kết với các vùng nguyên liệu.

Vui nhưng còn quá nhiều việc phải làm!!!

Lê Minh Hoan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn