Câu chuyện đình làng
Cập nhật ngày: 10/10/2018 09:37:18
Vậy là, Hội quán thứ 57 đã ra đời, mà lại ra mắt trong một ngôi đình - Đình Bình Hàng Trung quê mình. Nhìn lên bên trên thấy có mấy vần thơ ai đó viết thật có hồn: “Tiên tổ xưa kia khai khẩn đất/Phá rừng, đuổi thú, lập thôn lân”. Vậy đó, đình làng ngày xưa là nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư đến để bàn chuyện xóm chuyện làng, thậm chí là chuyện nước chuyện non. Và hôm nay, bà con mình chọn để ra mắt “Mỹ Thành Hội quán”, thấy có gì đó trùng hợp.
Chín mươi bốn thành viên ngồi quây quần dưới mái đình nghe nói đâu đã có trăm tuổi với biết bao lần trùng tu. Vậy mà vui lắm, hồ hởi lắm, nhưng cũng trang nghiêm lắm! Những con người ngồi đây hôm nay đã “khát khao thay đổi, thấy cần phải thay đổi, mạnh dạn thay đổi”, trước hết là cho chính mỗi người, mỗi gia đình và cho cả cộng đồng. Không thay đổi sao được khi mà thế giới đã thay đổi, xã hội đã thay đổi, xu hướng người tiêu dùng nông sản, trong đó có trái xoài, trái ổi, trái cam, trái quýt đã thay đổi rồi!
Đọc cho bà con nghe một đoạn thư điện tử, cũng là “đặt hàng” của một người luôn ray rứt về nông nghiệp xứ mình. Anh đó hỏi trong một lần gặp bà con nông dân: “Ngày xưa chị đi lại bằng gì?”, trả lời: “Bằng xuồng ghe chớ làm gì có đường xá như bây giờ đâu mà đi xe với cộ!”; hỏi tiếp: “Ngày xưa nhà chị thế nào?”, trả lời: “Thì nhà lá chớ đâu có được nhà tường đâu!”; hỏi tiếp: “Vậy là, hôm nay mình đã giàu có lên rồi hén?”. Ai cũng đồng tình. Ảnh lại hỏi dồn: “Thường thì khi giàu có lên thì ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, vậy sao trái xoài của mình làm ra bây giờ lại dở hơn mấy chục năm về trước? Bây giờ ai cũng giàu có lên thì lẽ ra mình phải làm ra trái xoài ngon hơn để người ta mua, đằng này mình lại làm dở hơn thì làm sao mà bán và bán giá cao cho được?”. Nghe đến đây, bầu không khí hình như chợt chùng xuống...
Bà con hình như đã nhận ra “cái bẫy” do chính mình đặt ra và không khéo mình đang bị “sập vào”. Thì đó, mạnh ai sản xuất theo một cách riêng thì làm sao có đủ quy mô sản lượng và chất lượng đồng đều để cung ứng cho doanh nghiệp? Thì đó, vì muốn tiết giảm chi phí thì có thể cắt đi một quy trình nào đó và để cho trái xoài vừa to, vừa bóng bẩy thì có thể sử dụng các loại chất kích thích, thậm chí là các hóa chất độc hại... Vậy là, mình đánh mất niềm tin ở người tiêu dùng, thậm chí là, mình tự đánh mất chính mình luôn rồi! Chiếu cho bà con coi các đoạn phim mô tả nơi này nơi kia, trong nước và ngoài nước, ở nơi đó có những người nông dân dũng cảm, sáng tạo, mạnh dạn thay đổi đã truyền đi thông điệp cho người tiêu dùng rằng, họ sản xuất “bằng trái tim” của mình và họ đã “chinh phục được trái tim” của người tiêu dùng.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trong đời sống người dân Việt Nam khi xưa, đình làng khi khởi dựng được phục vụ nhiều mục đích, từ thờ tự, tế lễ, là nhà hội đồng chung, là nơi xử kiện, nộp sưu thuế, nơi nghỉ cho khách lỡ đường; đình làng cũng là nơi vui chơi, nơi sinh hoạt ca hát, có đình làng còn là lớp học... Đình làng, còn được coi như biểu tượng của quyền lực làng xã, nó có chức năng như một ngôi nhà lớn của cộng đồng. Vậy là, hôm nay từ mái đình này đã có một cộng đồng biết cố kết với nhau, gắn bó với nhau, hợp tác với nhau để mà sống chung và cùng nhau đi lên thịnh vượng. Nông thôn mới đâu chỉ có con đường hay cây cầu, trường học hay trạm y tế, trụ sở hay nhà văn hóa...; nông thôn mới cần một biểu tượng riêng tạo nên sự khác biệt để mọi người tự hào và tại sao đó không là cái đình làng hay một cơ sở thờ tự, một tín ngưỡng dân gian, một điểm tâm linh nào đó?
Chất lượng sống của người dân đâu chỉ “đong - đo” bằng vật chất hữu hình, mà có khi còn bằng những điều vô hình làm nên sức mạnh cả cộng đồng dân cư. Tái cơ cấu nông nghiệp đâu chỉ là gia tăng sức sản xuất, mà còn chuyển dịch những ngành nghề khác mà nông thôn chưa có như: công nghiệp bảo quản, chế biến, dịch vụ du lịch. Ở nhiều quốc gia khác, địa phương khác, người ta đã làm giàu dựa vào du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng rồi. Vậy, Bình Hàng Trung mình có khát vọng làm du lịch như vậy không và “dám” chọn cái Đình này, ngôi chùa Tổ kia làm trung tâm để lan tỏa rồi hội tụ các điểm đến là các khu vườn, điểm du lịch chung quanh? Nhiều khi tài nguyên du lịch chung quanh mà mình không phát hiện ra hoặc xem thường nó, trong khi đó, người ta biết chăm chút từng chút một để phát huy các giá trị thành điểm thu hút khách, tạo ra sự thay đổi và giàu có.
Người ta đã làm được và thành công thì mình cũng làm được và cũng sẽ thành công. “Đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn là thông”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi đầu năm nay về thăm Đồng Tháp cũng đã nhấn mạnh như vậy mà. Nhưng vấn đề là cấp ủy, chính quyền cùng với bà con mình phải thẩm thấu các giá trị mới, phải kiên nhẫn, kiên trì, không bỏ cuộc giữa chừng vì chặng đường đi đến thành công còn rất dài. Đúng vậy không?
“Để cho con cháu ngày sau hưởng/Tấc đất ngọn rau phước đã phân”. Câu thơ rành rành nhắc nhở tài nguyên quê mình trên mái đình còn đó!
XÍCH LÔ