Câu chuyện một người dạy bơi
Cập nhật ngày: 01/12/2018 07:25:15
Hôm rồi, tình cờ được gặp một người phụ nữ thật đặc biệt - một người kiên trì, bền bỉ, thầm lặng trong 15 năm trời để dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng quê sông nước Tháp Mười. Nói về người phụ nữ vóc dáng gầy gò, gương mặt có phần khắc khổ này thì đã có rất nhiều bài viết, đoạn phim, phóng sự rồi. Nhưng cũng xin có thêm đôi dòng về một người rất đáng nhận từ xã hội những lời tri ân chân thành. Đó là chị Trần Thị Kim Thia, mà bà con gọi một cách thân thương là chị Sáu, trẻ em thì gọi là bà Sáu.
Xứ mình sông ngòi chằng chịt, rồi hàng năm lại có mùa nước nổi. Vậy là, mỗi năm lại có trẻ em chết do đuối nước nghe mà thương tâm. Không phải máu mủ ruột rà mà chứng kiến hoặc nghe qua thôi cũng oặn lòng thì người thân trong nhà chắc chắn còn đau khổ gấp vạn lần. Mất gì hơn là mất người thân! Đau gì hơn khi mới mấy phút trước con trẻ còn chạy nhảy tung tăng thì bỗng chốc vì một phút bất cẩn là không còn tồn tại trên cõi đời, để lại bao tiếc thương cho ông bà, cha mẹ, anh em. Mỗi lần nghe thông tin trẻ chết do đuối nước, không ít người vừa cảm thông, vừa tỏ ý trách sao “người thân lại vô ý vô tứ quá”. Ngồi bên ngoài mà trách, mà bình phẩm thì dễ, nhưng hành động mới khó hơn nhiều lần! Chị Thia không bình phẩm mà hành động! Chị đâu có giàu có gì đâu, thậm chí là nghèo, rất nghèo. Chị làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ làm cỏ, dặm lúa, đan lục bình, bán vé số, đến cả công việc đốn tràm, bốc vác... vốn chỉ thuộc về cánh đàn ông! Nhưng chị giàu một chữ “tình” - tình người, tình với con trẻ...
Vậy là, với tấm lòng nhân ái, chị trở thành một “huấn luyện viên” dạy bơi ở một vùng quê Tháp Mười. Chị tâm sự nghe thật là thương: “Lúc đó, mỗi lần lũ về, nghe đài kêu có trẻ em đuối nước, lòng tôi đau thắt lại. Nghĩ tới mấy đứa nhỏ vùng lũ ở đây nên tôi đảm nhận công việc dạy bơi này”. Chị, một người không gia đình, nên tất cả trẻ học bơi được bà chăm sóc, dạy dỗ như là con, là cháu của mình, còn phụ huynh của các cháu thì chị xem như là người thân ruột thịt của mình. Chắc là phải có tấm lòng yêu thương trẻ em vô bờ bến, chị mới sẵn sàng làm một việc thiện nguyện đầy tính nhân văn như vậy! Hãy nghe người phụ nữ này bộc bạch: “Hạnh phúc của tôi là nhìn những đứa nhỏ biết bơi và không có đứa nào bị đuối nước”. Hạnh phúc là khi mình “cho đi” là như vậy đó!
Trong cuộc sống còn bộn bề hôm nay, chắc là không tránh khỏi có những góc khuất, những người vô cảm với cộng đồng... Trong con đường mưu sinh không tránh khỏi có những người luôn so đo, kèn cựa, bao giờ cũng muốn giành cái tốt nhất về cho mình, đẩy cái xấu cho người khác. Trong khi đó, lại có không ít người luôn tâm niệm rằng, “hãy cho đi chứ đừng nghĩ rằng sẽ được nhận lại gì”! Chị Sáu là vậy, là “cho đi”, và rồi, chị nhận lại tình yêu thương, yêu mến của mọi người. Thế mới biết, “không có việc gì là nhỏ”, chỉ có không nhìn ra giá trị của công việc mà thôi! Thế mới biết, làm việc thiện đâu có phân biệt địa vị xã hội hay giàu - nghèo, sang - hèn! Thế mới biết, trên mảnh đất thân thương này, có bao người đẹp tựa đoá Sen hồng như chị Sáu!
Chắc chắn là nhiều nhiều lắm! Nào là, những người đi “bắc những nhịp cầu nối những bờ vui” - nối những con đường cho trẻ tới trường, cho bà con đi lại, chuyên chở hàng hóa. Nào là, những người ngày ngày cặm cụi xây cất những ngôi nhà tình thương cho bà con khó khăn. Nào là, những người đem sách vở đến các học sinh nghèo vượt khó. Rồi còn biết bao người thầm lặng làm nhiều việc thiện nguyện khác mà không trông chờ một lời cảm ơn. Và xã hội đây đó thiếu vắng những lời cảm ơn do mãi chạy theo cách sống của riêng mình.
Sinh thời, Bác Hồ từng chỉ dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”! Vậy thì chị Sáu là một “tấm gương sống” và xứng đáng được xã hội tôn vinh! Hãy nhìn vào chị Sáu và những người thầm lặng làm công tác thiện nguyện để mỗi người trong chúng ta bớt đi so đo, tính toán thiệt hơn, kèn cựa, địa vị, bớt đi sự vô cảm, vô tâm... với cuộc sống này. Cuộc đời dẫu rằng còn nhiều điều chưa theo ý chúng ta nhưng cũng đã cho chúng ta nhiều thứ thì mỗi người hãy biết cách “trả nợ” lại cuộc đời dù là công việc nhỏ nhất! Trong một xã hội, mà ai ai cũng đều có ý thức “trả nợ” như vậy sẽ tạo ra một “sức mạnh vô hình” và sẽ chuyển hóa thành “sức mạnh hữu hình” để quê mình phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
“Người giàu có không phải là người “có” nhiều, mà là người “cho” nhiều”! Trong một xã hội đang có không ít điều “lệch chuẩn” thì trong chừng mực nào đó, có thể nói rằng: Chị Sáu đang giúp chúng ta định vị lại chuẩn mực của mình!
Tạm biệt chị ra về bỗng chợt nhớ đến mấy vần thơ “Tôi đến trần gian trả nợ đời. Trả hoài, trả mãi, trả không thôi. Trả cho ngày hết và đêm tận. Trả hết thời gian, một kiếp người”.
Xích Lô