Từ chuyện biến “nguy” thành “cơ” trong đại dịch Covid-19
Cập nhật ngày: 21/07/2022 10:44:15
ĐTO - Đại dịch Covid-19 gây ra hậu quả thảm khốc trên toàn cầu và ở Việt Nam, từ tính mạng, sức khỏe con người đến kinh tế, xã hội, an ninh trật tự. Nhưng, đại dịch cũng đã tạo ra nhiều cơ hội đối với đất nước và Nhân dân ta.
Tuyệt đại đa số Nhân dân nghiêm chỉnh, tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch như: quy định đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, không tập trung đông người, khai báo y tế.
Trong khi ở một số quốc gia, biểu tình nổ ra phản đối việc đeo khẩu trang thì ở nước ta, ai không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông, đến nơi công cộng sẽ bị những người chung quanh nhắc nhở.
Trong khi ở một số nước phải tiêu hủy vắc-xin do một bộ phận người dân không chịu tiêm ngừa, thì ở Việt Nam, có tình trạng ngược lại: tìm mọi cách để được tiêm ngừa vi-rút Corona.
Khi dịch bùng phát trên diện rộng, Nhân dân cả nước vừa phòng, chống dịch cho bản thân và gia đình, không để lây lan ra cộng đồng, đồng thời tích cực hỗ trợ bà con vùng dịch và lực lượng phòng, chống dịch trong khả năng, điều kiện của mình: em bé đập heo đất lấy tiền tiết kiệm ủng hộ quỹ phòng chống dịch, bà cụ tuổi “cổ lai hy” lội bộ đến UBND xã tặng con gà, mớ rau cho lực lượng phòng, chống dịch, cây ATM gạo ra đời, xuất hiện những tình nguyện viên giao hàng miễn phí...
Đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an chấp nhận rời xa gia đình, tổn hại sức khỏe, tính mạng, lao vào tuyến đầu, có mặt ở những điểm nóng phòng, chống dịch, có người đã hy sinh vì lây nhiễm... nhưng tay nghề, bản lĩnh, kinh nghiệm công tác được nâng lên.
Kết quả, nước ta đã ngăn chặn và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19.
Mặc dù số ca nhiễm vi-rút Corona ở Việt Nam chiếm 11% dân số, nhưng tử vong do nhiễm chỉ 0,4%, trong khi thế giới là 2%.
Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Và trong đại dịch, hình thức bán, mua hàng, thanh toán qua mạng In-tơ-nét phát triển, trở thành phương tiện giao dịch rộng rãi của nông dân.
Trước đây, khi sản xuất ra sản phẩm, như: xoài, nhãn, lúa chất lượng cao, thủy sản, gia súc gia cầm,... nông dân thông qua mối lái để bán sản phẩm. Người tiêu thụ cũng thông qua mối lái, chợ, siêu thị để tìm mua thứ mình cần.
Khi đại dịch ập đến, thực hiện giãn cách xã hội, việc cung ứng, tiêu thụ hàng hóa theo truyền thống bị đứt gãy. Người bán phải tìm tòi, mở tài khoản, chụp hình sản phẩm, lời giới thiệu và những thông tin liên quan đưa lên mạng xã hội. Người mua cũng phải tìm tòi cách truy cập thông tin, mở tài khoản ngân hàng... Với phương thức giao dịch mới này, một trong những điểm nghẽn tiêu thụ hàng hóa nông sản được khơi thông.
Đối với đa số nông dân, chiếc điện thoại thông minh từ chỗ chỉ sử dụng chức năng nghe và nói, giờ trở thành cây cầu kết nối người bán - người mua. Từ những hiểu biết qua việc mua bán trên mạng, nhiều nông dân khai thác thông tin về những công nghệ mới trong sản xuất.
Những kết quả trong phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa rồi một lần nữa chứng minh niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước với những chủ trương quyết sách hợp lòng dân: chống dịch như chống giặc; sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết; không để bất cứ người nào bị bỏ lại phía sau. Qua đó, đập tan những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Những kết quả trong phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa rồi, một lần nữa chứng minh khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam đã được xây dựng, hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, không dễ gì bị phá vỡ bởi âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc “chia để trị” của những thế lực đã và đang chống phá Việt Nam.
Những kết quả trong phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa rồi, đã nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Và qua công cuộc phòng, chống dịch vừa rồi, nông dân Việt Nam đã thật sự bước chân vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt với nhiều biến thể vi-rút mới xuất hiện.
Trong cuộc họp gần đây, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, linh hoạt, hiệu quả ba trụ cột phòng, chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị.
Vận dụng những kinh nghiệm biến “nguy” thành “cơ” thời gian qua trong phòng, chống Covid - 19 vào giai đoạn mới là cần thiết để Nhân dân ta chiến thắng trong cuộc chiến đấu chống giặc Covid-19.
Hữu Ý