Viết tiếp câu chuyện làng hoa
Cập nhật ngày: 21/01/2021 18:40:11
Về Sa Đéc, về lại Làng hoa những ngày cận Tết gợi lên thật nhiều cảm xúc. Không khí thật rộn ràng. Đâu đâu cũng thấy muôn sắc hoa. Hoa trên giàn, hoa dưới đất. Hoa trên luống, hoa trên cả cánh đồng. Hoa rực rỡ ngoài thiên nhiên, hoa tươi tắn trong lòng người. Chợt vang lên những ca từ quen thuộc: “Hoa cúc vàng trên sân anh. Xinh như áo mới em ngày nào. Hoa nắng hồng trên quê anh. Xinh như má thắm em ngày xuân”. Có nơi đâu cảm nhận mùa Xuân đến sớm như Sa Đéc quê mình?
Du khách tham quan Làng hoa Sa Đéc. Ảnh minh họa
Những điểm tham quan, du lịch tiếp tục được mở ra với nhiều ý tưởng mới mẻ, độc đáo, chú trọng đến cảm xúc, trải nghiệm của du khách. Những điểm đến quen thuộc cũng kịp khoác lên mình “tấm áo” mới, giới thiệu những nét thu hút mới một cách rất chuyên nghiệp. Toà nhà của “Trung tâm thương mại Hoa kiểng” đang hối hả hoàn thiện cho kịp ngày khai trương. Rồi mai này quê mình sẽ có một tổ hợp kết nối giữa đầu vào và đầu ra cho những giỏ hoa, chậu kiểng. Trung tâm là nơi nghiên cứu, lai tạo giống mới, giới thiệu quy trình trồng hoa hiện đại, thích ứng với bối cảnh thời tiết thất thường. Trung tâm còn là nơi ươm mầm ý tưởng, hỗ trợ khởi nghiệp các dự án, sản phầm từ hoa như: dược phẩm, dược liệu, mỹ phẩm, ẩm thực,... Để một ngày không xa, Trung tâm hội đủ điều kiện trở thành sàn giao dịch, đấu giá các loại hoa quý, hoa đẹp như ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhưng có lẽ cảm xúc nhất là những người Làng hoa đều nhắc đến “Làng hoa của mình”, “Sa Đéc của mình” trong mỗi dịp chuyện trò. Hai chữ “của mình” sao thật gần gũi và thân thương! Cảm xúc, bởi vì thường điều gì coi là của mình thì mình sẽ biết trân quý, nâng niu, mình sẽ có trách nhiệm giữ gìn và phát triển để tạo ra giá trị cao hơn, bền vững hơn. Ngược lại, khi chưa xem, chưa hiểu điều đấy là của mình thì dễ thờ ơ, vô cảm, được chăng hay chớ! Việc gì cũng vậy, trước khi bắt tay vào làm, hãy dành thời gian lắng đọng, nghiền ngẫm trả lời các câu hỏi: “làm việc đó tạo ra giá trị gì cho mình, giá trị gì cho cộng đồng, giá trị gì cho quê hương, xứ sở “của mình”?”. Nếu chỉ dừng lại ở câu trả lời: “làm cho riêng mình” thì chưa phải là một nghệ nhân, doanh nhân đúng nghĩa. Có người còn nghĩ: “hơi sức đâu mà lo chuyện bao đồng, chuyện mình mình lo, nhà mình mình lo!”. Nhưng người ta cũng đúc kết rằng: muốn thành công, giàu có, hay nói cách khác là “làm cho ra tiền”, thì trước đó phải “làm cho ra việc” và quan trọng hơn nữa là hãy “làm cho ra người”. Cuộc sống mà chỉ khư khư nghĩ đến bản thân, không giao du, tiếp xúc với người khác, không chia sẻ, đồng cảm với những người chung quanh, thì cuộc sống sẽ trở nên đơn điệu, nhàm chán. Ngược lại, khi biết chia sẻ, thì sẽ nhận lại sự sẻ chia; biết nghĩ cho người khác, thì người khác sẽ nghĩ đến mình.
Dịp gặp lại các thành viên Hội quán Cùng nhau làm du lịch thật lắng đọng trong lòng. Anh em đang cùng nhau viết tiếp câu chuyện làng hoa mà thế hệ ông cha đã dày công khởi tạo từ trăm năm trước. Một câu chuyện liền mạch, từ người bắt đầu đưa những giống hoa hồng đầu tiên về trồng, rồi đến những người dành cả cuộc đời để định hình một nghề trồng hoa, một làng trồng hoa. Càng biết trân quý những bậc ông cha, những đấng tiền nhân, thế hệ hôm này tìm tòi, tạo nên giá trị mới, từ đó một ngành nghề mới ra đời: du lịch trải nghiệm không gian những vườn hoa, những cánh đồng hoa. Anh em tâm niệm cùng nhau viết nên kỳ tích mới, bằng cách hợp tác với nhau cùng thực hiện, cùng xắn tay đưa những ý tưởng, hoạt động du lịch trải nghiệm độc đáo, bền vững, thân thiện với môi trường trở thành hiện thực, như là cách tri ân những thế hệ đi trước đã vun bồi cho “Làng hoa của mình”. “Ăn trái nhớ người trồng cây”, những người Làng hoa hôm nay luôn thấm đẫm triết lý đó và chuyển hóa thành hành động cụ thể.
Mà đâu chỉ dừng lại, quanh quẩn trong “Làng hoa của mình”. Anh em đã lan tỏa, nối kết đến các thành viên ở Lai Vung, Cao Lãnh, Tam Nông... . Người đi trước rước người đi sau. Người có kinh nghiệm giúp cho người mới bắt đầu “vào nghề”. Vậy là “vòng tròn các mối quan hệ xã hội” dần được mở rộng ra, sức mạnh nội sinh đã cộng hưởng với sức mạnh ngoại sinh. Vậy là nguồn vốn quý nhất chính ở bản thân con người đã được khai mở. Ông bà mình tổng kết rất đơn giản mà thật sâu sắc: “Người ta là hoa đất”. Có đất, mới có nơi để sự sống sinh sôi phát triển. Hoa đất chính là kết đọng hài hòa tinh hoa của đất trời. Con người là hoa đất, rạng rỡ vẻ đẹp của tâm hồn, của những giá trị tinh túy, của khát vọng sống cống hiến và làm đẹp cho đời. Con người “Làng hoa của mình” là vậy!
Sức mạnh của con người nằm ở niềm tin, tin vào những điều có thể. Khi một người được khơi gợi cảm hứng, hun đúc tinh thần, chạm đến cảm xúc, say mê, người đấy có thể dốc hết sức mình cho công việc, theo đuổi mục tiêu đến cùng. Nói điều này để lần nữa khẳng định vai trò chủ thể của mỗi người dân trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của các ngành chuyên môn. Phải kích hoạt, truyền cảm hứng, trao niềm tin để chính người dân vào cuộc với tâm thế mạnh mẽ nhất, tự nguyện nhất. Thay vì tự bằng lòng, cứ quanh quẩn trong hệ thống của mình, thì hãy bước ra hòa nhập với người dân để khơi nguồn sức mạnh hài hòa của xã hội. Thay vì ngồi trong phòng mà nghĩ ra các kế hoạch, thì hãy cùng với người dân trao đổi, tương tác, tạo ra những ý tưởng và tìm giải pháp hiện thực hóa các ý tưởng đó. Trong các đề án, chương trình, kế hoạch, phải đặt đúng vai trò trung tâm của người dân, xem đó là giải pháp quan trọng nhất, là nguồn lực vô hình nhưng sẽ tạo ra nguồn lực hữu hình lớn lao. Và như vậy, quê mình không chỉ có “Làng hoa của mình, mà sẽ có “làng xoài của mình”, “làng nhãn của mình”, “làng cam quý của mình”... .
Người “Sa Đéc của mình” ơi, hãy cùng bắt nhịp và hát lên bài ca “Có chúng tôi đêm ngày trồng hoa. Ngào ngạt hương thơm khắp quê nhà”.
Xích Lô