Câu chuyện một ngày vui

Cập nhật ngày: 30/10/2020 14:35:05

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Chọn những bông hoa và những nụ cười... Và như thế tôi sống vui từng ngày”. Những ca từ lắng đọng lòng người, khiến người ta tạm xa những hối hả, quên đi những than phiền trong nhịp sống thường ngày. Mà mỗi ngày đâu chỉ có một niềm vui thôi. Càng tìm ra nhiều niềm vui, càng “sống đời đáng sống” hơn.

Nói vậy là để nói đến niềm vui khi trong một ngày tháng mười này, hai Hội quán ở hai địa phương cùng lúc tổ chức lễ ra mắt. Hội quán thứ 103 và 104 gọi tên Sa Rài Hội quán ở Tân Hồng và Ngư Hưng Hội quán ở Tháp Mười. Vậy là bà con lại có thêm hai không gian cộng đồng, để tự tin và tự hào tham gia vào Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với vai trò chủ thể, góp phần tạo dựng hình ảnh người dân Đất Sen hồng đầy tự chủ, tự lực. Vui vì đội ngũ lãnh đạo mới của địa phương tiếp tục đồng hành, tạo động lực cho một thiết chế mới mẻ thêm sức lan tỏa, tràn đầy sức sống. Vui vì những giá trị thực được chính người dân cảm nhận và hành động.

Vào công việc gì mà nặng trĩu tâm lý bị bắt buộc phải làm, thì dễ dẫn đến cách làm đối phó, “đầu voi đuôi chuột”, không khéo còn “đánh trống bỏ dùi”. Điều gì mà chưa thấu hiểu được hệ giá trị, mục tiêu, sứ mạng thì dễ sa vào hình thức, dễ dẫn đến rập khuôn, nhàm chán. Điều gì mà người dân chưa đồng thuận, thì dù cố ép buộc vẫn khó có thể triển khai, còn nếu làm thì dễ theo kiểu làm cho xong, làm cho có, làm cho rồi. Hai Hội quán vừa được thành lập chắc chắn nhận được sự định hướng, dẫn dắt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có vai trò của Hội Nông dân. Vậy là nội bộ đã thông.

Một khi bên trong đã “thông”, thì chắc chắn bên ngoài sẽ “suốt”, chứ “tư tưởng mà không thông, thì vác cái bình tông cũng không nổi”. Một tư duy mới về vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền dần được định hình rộng hơn, bén rễ sâu hơn. Đó không phải mệnh lệnh một chiều, mà tạo ra sự tương tác nhiều chiều trong xã hội. Đó không phải đứng trước, đứng bên trên, mà là kề vai sát cánh bên cạnh người dân, việc nhỏ việc lớn đều vì lợi ích của người dân. Đó là thực thi vai trò dẫn dắt, định hướng, truyền cảm hứng, thay cho thể hiện quyền uy, áp đặt. Rồi đây, trong các nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền, chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp cơ sở không còn chung chung theo kiểu “có lúc, có nơi”, hoặc “đùn đẩy lên cấp trên, khoán trắng cho cấp dưới”, mà nhất quán tinh thần chủ động gánh vác, xem đấy là công việc thường ngày, là trách nhiệm, là bổn phận của mình, của người lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.

Đâu có cấp nào gần gũi, gắn bó, sâu sát với người dân bằng cấp cơ sở. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm với cấp trên về chất lượng hoạt động của các Hội quán, Tổ nhân dân tự quản, Hợp tác xã,... nếu không phải là cấp ủy, chính quyền cơ sở? Nhiệm vụ chính trị là gì, nếu không phải là chăm lo chất lượng sống của người dân, bằng cách tiếp sức cho các thiết chế cộng đồng hoạt động hiệu quả, để góp phần thúc đẩy sự tham gia tích cực, toàn diện của người dân vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Xã hội rộng lớn lắm, phong phú lắm, giàu trí tuệ lắm, đội ngũ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cần biết trăn trở, biết chăm chút, giúp xã hội giàu năng lượng hơn, hợp tác với nhau tốt hơn, lan tỏa nhanh hơn những thông điệp, giá trị tốt đẹp.

“Ngoài kia gió đang thổi”. Thách thức càng nhiều, cơ hội càng cao, đó luôn là hai mặt của cuộc sống. Đối với người này là khó khăn, nhưng đối với người khác lại trở thành thời cơ. Điểm khác nhau nằm ở góc nhìn, ở lòng quyết tâm, ở niềm tin, ở khát vọng. Người thành công là người không chỉ biết nắm bắt, tìm kiếm cơ hội, mà biết tự tạo ra cơ hội cho chính mình. Người thành công có thể nhờ vào may mắn, nhưng nên nhớ rằng, may mắn thì có “may mắn trời cho”, mà cũng có may mắn đến từ thái độ sống và làm việc mỗi người tự chọn cho riêng mình. Hội quán - một sáng kiến cộng đồng - cũng là cách người dân Đồng Tháp tự tạo ra cơ hội cho chính vùng Đất Sen hồng thân thương. Cơ hội đó chính là phát huy tinh thần tự lực, tự chủ, tự quản, tự tạo ra sức mạnh từ nhiều con người biết yêu thương nhau, sống chan hòa với nhau, hợp tác với nhau từ trong cuộc sống thường ngày đến hợp tác với nhau trong làm ăn.

Rồi đây, thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao không chỉ bằng sự cần cù, thông minh, bằng khoa học kỹ thuật, mà còn bằng tinh thần đoàn kết hợp tác, bằng sự cố kết cộng đồng bền chặt. Người xưa đúc kết “Vì dân đoàn kết chưa sâu/ Cho nên thất bại trước sau mấy lần”. Từ đó, Bác Hồ nhắc nhở: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.../Dân ta xin nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Nguồn lực đến từ chữ “đồng” đầy sức mạnh đó.

Nông nghiệp xứ mình đã có bước chuyển mình nhưng còn bấp bênh lắm. Nông thôn xứ mình đã thay da đổi thịt nhưng còn chông chênh lắm. Nông dân quê mình đã có nhiều người khấm khá lên nhưng còn thấp thỏm qua từng mùa vụ lắm. Vậy mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng đều không được tự bằng lòng, không được chấp nhận với cách nghĩ cũ kỹ, cách làm theo quán tính bao đời nay. Cuộc đời sẽ thay đổi chỉ khi chúng ta thay đổi. Không thể đứng yên, khoanh tay than trời trách đất, đổ thừa cho số phận, chấp nhận lời nguyền đầy định kiến “làm nông nghiệp là nghèo”. “Người nghèo là nghèo cái túi, người giàu là giàu cái đầu”. Đơn giản vậy thôi!

“Và như thế tôi sống vui từng ngày. Và như thế tôi đến trong cuộc đời. Đã yêu cuộc đời bằng trái tim của tôi”.

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác