Chuyện mua, chuyện bán

Cập nhật ngày: 16/06/2020 09:28:13

Có thể nói rằng, chuyện mua bán là những chuyện "xưa như Trái đất"! Khi loài người qua thời săn bắt, hái lượm, tự cung tự cấp, biết tạo ra nhiều của cải thì cũng là lúc bắt đầu có chuyện bán, chuyện mua rồi. Người có bán cho người cần mà không có. Người dư thừa bán cho người thiếu thốn. Ban đầu thì hàng đổi hàng, tất nhiên có cách cân bằng giá trị. Sau đó, người ta dùng vật thay thế để thuận tiện cho việc quy đổi. Khi tiền mặt ra đời thì chuyện mua, chuyện bán dễ dàng hơn, tiện lợi hơn rất nhiều.


Ảnh minh họa

Nói "vòng vo tam quốc" để thấy rằng, chuyện mua bán ngày xưa đơn giản là chuyển cái hữu hình trong tay người này sang tay người khác. Theo đà phát triển tư duy của con người, chuyện mua bán dần có thêm những yếu tố vô hình. Trong nhiều trường hợp yếu tố ẩn đằng sau đó lại quan trọng hơn sản phẩm hữu hình. Người ta không chỉ mua bán một sản phẩm, dịch vụ đơn thuần, mà còn thông qua các mối quan hệ cảm xúc - cảm xúc người bán và người mua. Người ta không chỉ mua bán một sản phẩm, dịch vụ, mà còn thông qua hành vi - hành vi của người bán và người mua. Người ta không chỉ mua bán một sản phẩm, dịch vụ, mà còn trên nền tảng văn hoá - văn hoá của người bán và người mua.

Đàng sau mỗi sản phẩm, dịch vụ là có bao nhiêu con người cùng lao động vất vả, bằng cả bàn tay lẫn khối óc, bằng cả mồ hôi lẫn nước mắt, tạo ra được. Nào là, người nông dân "dãi nắng, dầm sương". Nào là, người công nhân nhọc nhằn đứng máy. Nào là, người thiết kế ý tưởng, người sáng tạo mẫu mã, người làm bao bì nhãn mác. Nào là, người bốc vác, người vận chuyển. Nào là, người đưa hàng hoá ra thị trường, người truyền thông... Như vậy, một sản phẩm, dịch vụ nào đó, là tích hợp công sức của biết bao con người, là việc làm, là thu nhập của rất nhiều người và gia đình của họ.

Đàng sau mỗi sản phẩm, dịch vụ, còn là hình ảnh một địa phương, một vùng đất với những con người gọi nhau hai tiếng "bà con", hai chữ "đồng bào". Nhiều người thường ví von: "Bụt nhà không thiêng!" - Trong hoàn cảnh này tức là cái chung quanh đôi khi mình chưa thấy trân quý. Mỗi lần đi xa thì lại khác, nhìn thấy sản phẩm quê nhà là lòng dâng trào niềm tự hào về quê hương, càng thấy trân quý thêm mảnh đất quê nhà với những con người đang chuyển mình thay đổi nhưng vẫn còn bao gian lao, vất vả. 

Đàng sau mỗi sản phẩm, dịch vụ là cả dòng chảy lịch sử trầm tích dần theo năm tháng. Ngày xưa, ông bà mần như vầy nè, rồi tới thời cha mẹ mần như vầy nè, còn bây giờ mần như vầy nè.... Ngày xưa có cái ngon, cái hay của ngày xưa, còn hôm nay, vừa kế thừa cái của người xưa để lại, vừa phải thích nghi với xu thế mới. Ngày xưa ông bà, cha mẹ sản xuất, làm dịch vụ thuận theo tự nhiên, còn ngày nay, phải kết hợp yếu tố thuận theo tự nhiên với phát huy công nghệ để tạo ra giá trị mới. Một câu chuyện sản phẩm được viết ra bằng lịch sử rồi còn gì!

Vậy là, "chuyện mua, chuyện bán" không còn đơn thuần là sự đổi chác vật chất hữu hình, mà nó có ý nghĩa hơn nhiều, chiều sâu hơn nhiều. Nó bao hàm cả yếu tố cảm xúc, tình cảm với quê hương, sự trân quý thành quả của người khác, sự cổ vũ những ý tưởng sáng tạo. Nói như vậy để thấy rằng, bán được một sản phẩm, dịch vụ của địa phương không chỉ tạo ra giá trị tính bằng doanh thu và lợi nhuận, mà đồng thời còn tạo ra giá trị cho nhiều người khác, giá trị của cả quê hương, xứ sở. Theo dòng tư duy đó thì mua một sản phẩm, dịch vụ của quê mình là gián tiếp giúp cho biết bao bà con mình, em cháu mình. Vậy nên, mới có chủ trương khuyến khích "Người Việt dùng hàng Việt", ở phạm vi hẹp hơn là "Người quê mình dùng hàng quê mình". Tất nhiên là không được cục bộ dẫn đến cực đoan! Tất nhiên là chất lượng sản phẩm, dịch vụ phải không ngừng được cải thiện!.

Nhưng ai là người bán sản phẩm, dịch vụ? Tất nhiên, trước hết đó là người trực tiếp bán hàng, là thương lái, là doanh nghiệp. Nhưng trong thời đại công nghệ này, ai cũng có thể gián tiếp trở thành người bán hàng nếu biết dùng giá trị của mình để tạo ra giá trị mới cho người khác. Thỉnh thoảng được người này người nọ chia sẻ những trang Facebook, mạng Viber, Zalo... đăng các mẫu tin giới thiệu sản phẩm, dịch vụ quê mình cho bạn bè, người thân; vậy là, gián tiếp bán hàng rồi còn gì?!? Thỉnh thoảng bắt gặp trên các mạng truyền thông chính thức lẫn truyền thông xã hội chuyển tải những câu chuyện viết rất sâu sắc về đặc sản, cảnh đẹp, món ăn quê mình để lan tỏa khắp nơi; vậy là, gián tiếp bán hàng rồi còn gì?!? Thỉnh thoảng thấy người mua sản phẩm quê mình để biếu tặng cho đối tác, bạn bè, người thân; vậy là, vừa mua vừa gián tiếp bán hàng rồi còn gì?!?

Mỗi người đều có thể bằng cách này cách khác giúp cho quê hương mình phát triển. Ngược lại, cũng là không vô can trong sự tụt hậu của một nơi được gọi là Đất Sen hồng yêu quý này!

"Có một nơi như thế" - nơi mà mỗi người dân đều tự hào vì mình đã làm được một điều gì đó vun đắp cho mảnh đất này ngày càng thịnh vượng. Đó cũng là cách mỗi người trả một món nợ với quê hương thân thương của mình.

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn