Câu chuyện khẩu trang
Cập nhật ngày: 23/03/2020 09:07:48
Nói nào ngay, từ trước tới giờ, đây lần đầu tiên mới sử dụng chiếc khẩu trang thường xuyên bởi vì phải thích ứng với dịch Covid-19. Mới đầu thấy là lạ, có phần hơi khó chịu, nhưng phải chấp hành theo khuyến cáo của ngành Y tế - Đó là đảm bảo sức khoẻ cho mình và cho cộng đồng. Chiếc khẩu trang nhỏ xíu vậy mà gây ồn ào cho xã hội, không chỉ trong nước mà cả thế giới - cuộc khủng hoảng khẩu trang trong mùa dịch.
Ảnh minh họa
Ông bà mình nói: "Cái khó ló cái khôn"! Cả xã hội đã vào cuộc chung tay với chính quyền, ngành chuyên môn để thoát khỏi cuộc khủng hoảng khẩu trang. Doanh nghiệp lớn thì mua khẩu trang tặng cho nhân viên y tế và người nghèo. Đặc biệt hơn, phụ nữ Đất Sen hồng cũng tự nguyện chung tay góp sức vì cộng đồng. Có dịp đến thăm một Tổ Phụ nữ may khẩu trang giúp cho những người cùng giới khác, rồi thấy trên mạng Zalo, trên báo đài, đưa tin kèm theo hình ảnh nơi này nơi kia, phụ nữ quê mình miệt mài làm công việc thiện nguyện trong mùa dịch, mới thấy ngập tràn cảm xúc. Người tử tế thời nào cũng có, ở đâu cũng có, đâu có phân biệt giàu hay nghèo hèn, nam hay nữ.
Nhìn các chị em, người đứng người ngồi, người cắt người may, người giặt người phơi, người ủi người xếp, người đi vận động người khác ủng hộ vải, người đi phân phát miễn phí cho người cần. Tiếng nói giọng cười rôm rả lắm! Chuyện trò vui vẻ lắm! Vải còn nguyên cây cũng có, mà vải vụn xin từ các tiệm may cũng có. Phụ nữ quê mình tần tảo sớm hôm, lo nhà lo cửa, lo cơm áo nước, nay thì cong biết lo "chuyện xóm, chuyện làng", không chỉ lo cho mình, mà còn lo cho người khác nữa.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", "Của một đồng, công một nén"! Các chị, các em bớt đi thời gian lo chuyện nhà để chăm lo cho cộng đồng. Phụ nữ quê mình đôn hậu là vậy! Phụ nữ quê mình đảm đang là vậy! Phụ nữ quê mình lo "chuyện nước trước chuyện nhà" là vậy! Chuyện nước thì xa xôi quá, gần hơn là "chuyện xóm, chuyện làng", chuyện những người đồng cảnh ngộ. "Nước xa không cứu được lửa gần" mà, "Nhất cận lân, nhì cận thân" mà!
Mà đâu chỉ dừng lại ở câu chuyện các Tổ hội, Chi hội Phụ nữ vận động hội viên may khẩu trang mùa dịch, phân phát miễn phí thôi đâu. Đó là câu chuyện phụ nữ đã "bước ra khỏi ngôi nhà của mình" để tụ thành nhóm, tạo thành cộng đồng cùng giới. Từ những nhóm, những cộng đồng nhỏ như vậy sẽ nảy sinh những điều mới mẻ khác. Cũng từ những nhóm nhỏ như vậy, phụ nữ sẽ bày cách giúp nhau cách thức chăm sóc sức khoẻ cho thành viên gia đình, giúp nhau cách dạy dỗ con cái sao cho ngoan hiền, giúp nhau vượt lên nghèo khó, giúp nhau ứng xử với người chung quanh sao cho "như bát nước đầy"...
Phụ nữ quê mình luôn thấm đẫm truyền thống "tương thân, tương ái", luôn sống với nhau đầy cái nghĩa, trọn cái tình - "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Nước lớn cũng như nước ròng, trời nắng cũng như trời mưa, khi khoẻ mạnh lúc ốm đau, chị em mình luôn có nhau, "Chị ngã em nâng" mà, "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" mà!
Vậy đó, từ những nhóm phụ nữ may khẩu trang mùa dịch, xã hội cần nói lời cảm ơn chân tình về nghĩa cử cao đẹp này. Từ những nhóm phụ nữ tự nguyện như vậy, các cấp Hội hãy nghĩ đến các hình thức tập hợp tương tự, nhẹ nhàng, linh hoạt nhưng hiệu quả. Đâu cần họp hội đông người, chỉ cần nhiều nhóm cộng đồng nhỏ mà nội dung sinh hoạt ý nghĩa, phong phú là thiết thực hơn nhiều những buổi sinh hoạt khô cứng, thiếu hơi thở cuộc sống. Từ những cộng đồng nữ giới nhỏ như vậy, hãy kích hoạt mọi người mạnh dạn bước ra khỏi căn bếp của mình để hoà nhập vào cộng đồng, tìm sức mạnh từ cộng đồng, học tập điều hay lẽ phải từ cộng đồng, tạo dựng niềm tin từ cộng đồng.
Cái khẩu trang là để phòng, chống dịch bệnh. Nhưng dịch bệnh đâu chỉ đến từ những con vi-rút mang tên Corona, còn có những loại dịch bệnh do môi trường dơ bẩn. Dịch bệnh do vi-rút Corona rồi sẽ qua đi, nhưng những mầm bệnh do ô nhiễm môi trường hàng ngày đang bào mòn sức khoẻ cộng đồng, nhất là đối với phụ nữ nông thôn. Hãy nhìn xuống sông ngòi, kênh rạch, ao hầm đầy rác rưởi, ngổn ngang chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sẽ thấy mức độ nghiêm trọng đến đâu. Vậy, thông qua những nhóm cộng đồng nữ giới, các cấp Hội Phụ nữ cần phối hợp với ngành chuyên môn truyền thông sức khoẻ, tạo ra ý thức bảo vệ cuộc sống. Làm sao để không khí trở lại trong lành hơn, môi trường sạch sẽ hơn, đường làng thông thoáng hơn.
Cũng từ những nhóm cộng đồng nữ giới như vậy sẽ không còn người ngồi than thân, trách phận: "Bèo than phận bèo nằm trên mặt nước. Mướp than phận mướp bắc ngọn leo giàn". Bình đẳng giới trước tiên phải là câu chuyện của những người trong cuộc - Đó là những người phụ nữ không chỉ biết quý trọng và đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của bản thân mình, mà còn phải ủng hộ, động viên và tạo điều kiện để chính những người cùng giới vượt qua định kiến, mặc cảm, cùng nhau vươn lên, đóng góp những việc làm thiết thực cho cộng đồng, cho xã hội, cho gia đình.
Chiếc khẩu trang nhỏ trong mùa dịch biết đâu giúp bật lên những ý tưởng lớn lao hơn. “Yêu biết mấy những đôi bàn tay khéo léo. Đã thêu sắc hoa vào nền non nước Việt Nam”.
Xích Lô