Câu chuyện củ khoai
Cập nhật ngày: 27/11/2019 12:06:22
ĐTO - Gần đây, ở nước ta nổi lên phong trào "Khởi nghiệp". "Nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp", khiến cho một người không biết gì về kinh doanh như Hai Lúa tui đây cũng cảm thấy nôn nao. Ai cũng muốn trở nên giàu có, nhiều tiền để có thể làm những điều mình trước nay chưa từng làm. Hai Lúa quanh năm suốt tháng làm lụng vất vả mà sao thấy vẫn chưa giàu có như người ta. Hai Lúa thấy hận ông trời ghê lắm. Tại sao người hiền lành chăm chỉ như Hai Lúa mà mãi vẫn chưa giàu?!
Hôm nọ, Hai Lúa tình cờ ngồi chung chuyến xe với anh bạn người Nhật Bổn nọ, anh bạn ấy mới kể cho Hai Lúa nghe câu chuyện như thế này. Ảnh lái xe hơi, coi bộ cũng con nhà có tiền có của, mà ảnh kể cho Hai Lúa nghe chuyện ảnh đi bán khoai, Hai Lúa lấy làm lạ lắm. Người giàu vậy, đi bán khoai làm chi vậy trời? Bán khoai sao mà giàu? "Bán tín bán nghi" nhưng Hai Lúa cũng ráng nghe xem ảnh làm cách gì.
Ảnh nói ảnh suốt đời sống ở thành phố, một thành phố lớn nhất nước Nhật Bản, nghe đâu là thủ đô gì đó. Nhưng bạn ảnh ở thôn quê có một ruộng khoai. Vậy là, ảnh cùng với bạn ảnh hợp tác với nhau trồng và bán khoai, mà không bán khoai ở quê nhà mà mang tận đến thành phố Tokyo để bán, khoai lang nướng mà chỉ bán vào mùa đông, vì mùa đông ở Nhật rất lạnh, ăn khoai lang nướng vào mùa lạnh thì còn gì bằng.
Nhưng để bán được khoai thì họ phải chọn giống khoai, xem xét từ khâu gieo trồng, rồi khi thu hoạch khoai thì họ để nguyên cả đất bao quanh ngoài củ khoai rồi dùng một thiết bị đặc biệt để ủ khoai trong 2 tháng, họ tăng nhiệt độ rồi lại giảm nhiệt độ để khoai vẫn tiếp tục phát triển sau khi đã được thu hoạch. Để cho ra giống khoai mềm nhất, bở nhất mà ngọt nhất. Sau hai tháng họ rửa sạch khoai, chất lên các sọt rồi chất lên các xe hơi có màu tím chở đi khắp nơi trên thành phố để bán. Vậy mà thu nhập của họ rất khá, chỉ nhờ một ruộng khoai.
Nói chuyện với ảnh xong Hai Lúa hiểu tại sao họ giàu có. Đâu chỉ có chuyện củ khoai lang, họ còn củ nghệ, rong biển, tảo biển v.v… thứ chi họ cũng giống mình vậy, có điều họ dùng đầu óc để suy nghĩ làm sao để những thứ ấy ngon nhất, bổ nhất, hổng ai có mà mình có, rồi họ dùng công nghệ, khoa học kỹ thuật để bắt những sản vật ấy phục vụ cho con người, nâng giá trị của chúng lên cao hơn, để thu được lợi nhiều hơn. Hai Lúa cũng muốn được như họ, nhưng Hai Lúa không biết cách làm nên Hai Lúa quyết tâm phải đi học. Vì nếu không, Hai Lúa cũng chỉ biết làm cách mà hàng trăm năm qua ông bà đã làm, rồi làm sao mà Hai Lúa giàu?
Nói nào ngay, câu chuyện được in nghiêng ở trên là của một người với bút danh Hai Lúa , một người mới quen nhưng hình như thấu cảm được nổi trăn trở đối với con đường đi đến giàu có cho nông dân xứ mình, thịnh vượng cho xứ sở mình. Từ câu chuyện "củ khoai xứ người", ngẫm nghĩ vẫn vơ về chuyện Đất Sen hồng quê mình.
Người mình thường tự hào về những sản vật địa phương, nhất là lại do mình làm ra, từ nông sản, cảnh vật cho đến các loại bánh dân gian, món ăn truyền thống. Nào là ngon là thơm, nào là đậm đà là khác lạ. Đúng rồi, sống là phải biết tự hào với quê hương xứ sở! Nhưng, ngon thơm là một chuyện, độc đáo là một chuyện, còn làm sao thương mại hoá những sản phẩm đó để làm giàu lại là một chuyện cần hơn, đáng nói đến hơn! Nhiều người khi thưởng thức đặc sản của thiên hạ thì hay chê "không bằng xứ mình, của nhà mình", nhưng lại quên rằng, ngon hay không, đẹp hay không, còn tuỳ thuộc mỗi người. Cái có thể mình cho là không ngon nhưng người ta biết cách làm để bán ra tứ xứ, thu được lợi nhuận cao, còn cái của mình có thể là ngon nhưng vẫn quanh quẩn "ao nhà", chỉ đa phần bán thô, bán thúng, bán bội...
Bà con nông dân mình quanh năm suốt tháng "quanh quẩn ruộng vườn" thì làm sao biết thế nào là thương mại hoá? Vậy là, cần có người hướng dẫn, hỗ trợ. Ai cũng có thể làm được chuyện giúp người khác làm giàu bằng cách "bày vẽ" cho bà con mình. Nghe người ta làm giàu bằng củ khoai mới chợt nhớ quê mình đâu thiếu khoai: khoai lang Dinh Điền, khoai môn Lấp Vò, khoai lang Châu Thành.... Rồi còn nào là mận Hoà An, nhãn Châu Thành, xoài Cao Lãnh, củ ấu thì trồng khắp miền quê. Người ta nói đó là "tài nguyên bản địa", và tài nguyên đó sẽ tạo thành giá trị cao nếu biết tăng hàm lượng khoa học công nghệ và biết cách thương mại hoá.
Người ta đã là doanh nhân giàu có mà vẫn tiếp tục làm giàu bằng củ khoai, trong khi nhiều người vẫn ngồi "than thân, trách phận" trong khi cơ hội kiếm tiền ở chung quanh mình. "Trí óc giàu lên thì cái túi căng phồng lên", ai đó đã tổng kết như vậy đấy! Vậy, sao mình không dùng trí óc để làm giàu thêm và giúp người khác cùng giàu lên! Chỉ biết tự hào không thôi thì không thể trở nên giàu có được!
Xích Lô