Câu chuyện xã hội
Cập nhật ngày: 07/06/2019 14:41:51
Gần đây, dường như có quá nhiều vấn đề, vụ việc, gây bức xúc trong xã hội, bất an trong cộng đồng. Nào là, tình trạng ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông. Nào là, bạo lực học đường, xâm phạm trẻ em. Nào là, vấn nạn ma tuý hàng ngày hàng giờ gây ra biết bao hệ luỵ: tha hoá giới trẻ, tội phạm trộm cắp, cướp giật, giết người. Nào là, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ra đường có thể đối mặt với rắc rối, mà ở trong nhà cũng có khi gặp hiểm hoạ. Xã hội lên án thì những hiện tượng được cho là lệch chuẩn, các cấp chính quyền thì "loay hoay" với nào phòng nào chống, nào ra quân nào chiến dịch…
Mittinh hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2019. Ảnh: M.X
Xã hội mênh mông vô cùng, phong phú vô cùng. Chỗ này là mảng sáng thì nơi kia lại là góc tối. Mới hôm trước là "con ngoan trò giỏi", bỗng chốc sa ngã vào con đường nghiện ngập. Mới hôm nào còn là người thấy lương thiện, bỗng chốc gây ra tội ác. Có nhiều người hăng say làm thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng thì cũng không ít người thờ ơ, vô cảm trước những mảnh đời nghiệt ngã của đồng loại. "Kẻ ăn không hết, người lần không ra"! Có người thầm lặng đóng góp xây dựng bằng cả tâm huyết để cuộc sống mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn, thì cũng có không ít người ngồi "hả hê", dòm ngó, chỉ trích...
Xã hội càng mênh mông, phong phú và phức tạp thì càng cần có biện pháp quản lý phù hợp. Nói đến quản lý thì trong tâm tưởng mọi người thường nghĩ ngay đến vai trò của nhà nước, chính quyền. "Nhà nước quản lý" kia mà! Nhà nước, chính quyền thì có bộ máy và công cụ quản lý xã hội. Bộ máy thì đủ "ban bệ"; công cụ quản lý thì có luật pháp với các khung hình phạt, chế tài. Tuy nhiên, cuộc sống chuyển biến lúc nào cũng nhanh hơn bộ máy và công cụ quản lý, cái mới xuất hiện chưa định hình thì lại xuất hiện cái mới hơn. Thì đó, ma tuý thông thường mà cả hệ thống còn đang "loay hoay" thì đã xuất hiện ma tuý đá, ma tuý tổng hợp thế hệ mới; tội phạm truyền thống còn đang lúng túng thì lại đối mặt với tội phạm phi truyền thống. Vừa mới giảm nghèo được nhóm người này lại có nhóm người khác tái nghèo.
Ngày nay, người ta thay thế khái niệm "quản lý" bằng "quản trị địa phương" để phù hợp hơn với một xã hội hiện đại. Quản trị địa phương thì không giới hạn trong vai trò của nhà nước, chính quyền, mà mở rộng ra cộng đồng dân cư địa phương, bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức nghề nghiệp,... Bác Hồ từng chỉ rõ: "Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt". Rồi Bác còn nhắc nhở: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Như vậy, những vấn đề xã hội cần được giải quyết bằng sức mạnh của lực lượng xã hội. Nói như vậy, có thể ai đó sẽ thốt lên rằng: "Đâu có ai chịu "ăn cơm nhà mà chịu vác tù và hàng tỉnh" đâu? Người ta lo miếng cơm manh áo còn hơi sức đâu mà lo chuyện bao đồng, hơn nữa vây vào những chuyện thiên hạ không khéo mất lòng, thậm chí còn bị vạ lây"!?! Vậy là, chúng ta thiếu niềm tin vào xã hội rồi! Người có trách nhiệm công dân sẵn sàng làm điều tốt cho cộng đồng ở đâu cũng có và có rất nhiều. Đâu thiếu những người như cụ Đồ Chiểu mô tả: "Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha". Vấn đề là làm sao và ai sẽ làm lay động, kích hoạt những người, nhóm người như vậy để cùng với các ngành chức năng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội? Khi nói huy động sức dân, thường chỉ nghĩ đến tiền của, công sức, mà quên rằng chính sức mạnh tư duy của xã hội, sáng kiến của người dân mới là điều lớn nhất, giá trị nhất.
Ở một đất nước không xa, các cơ quan chức năng phát đi một thông điệp rằng "Thế giới thay đổi quá nhanh, chúng tôi không thể theo kịp, vì vậy mong rằng mỗi người dân cần giúp phát hiện và hiến kế cho chính quyền". Đúng rồi, chuyện xã hội thì xảy ra bất cứ giờ giấc nào, địa điểm nào. Người thi hành công vụ thì giờ giấc hành chính, chậm chân một chút có khi đến thì mọi việc đã xong rồi - "Nước xa không cứu được lửa gần" mà! Trụ sở cơ quan chức năng thì tập trung mà dân cư thì sống phân tán. Nhà nước bao giờ cũng nhỏ hơn xã hội, chậm hơn xã hội. Vậy là, vai trò của người dân - xã hội phải được ở vị trí trung tâm trên con đường phát triển, phải được tạo điều kiện để xã hội cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội.
Như vậy, những vấn đề trong xã hội làm sao được bàn thảo trong từng cộng đồng dân cư, trong các hình thức tự quản, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, trong các tôn giáo… Cần tạo ra những không gian mở, những mạng lưới xã hội để kết nối tạo sức mạnh đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực xã hội. Cần làm sao để mọi người dân nhận ra rằng, những điều bức xúc, những tệ nạn trong xã hội hôm nay có thể sẽ len lỏi vào ngay trong gia đình của mình vào một ngày nào đó. Vậy, người dân tham gia giải quyết vấn đề xã hội cũng chính là tự giúp chính mình, gia đình mình và cho cộng đồng.
Cùng tạo ra một xã hội trật tự, an toàn, lành mạnh sẽ là điều kiện để mọi người có điều kiện sống, học tập, làm việc tốt hơn. Để trở thành "một địa phương đáng sống" đâu chỉ là trách nhiệm riêng của chính quyền, mà phải là của mọi người dân. Muốn người dân cùng chung tay hành động, người dân cần có niềm tin vào sự trân trọng của chính quyền đối với những sáng kiến cộng đồng.
Giải quyết những vấn đề xã hội như cuộc chạy tiếp sức trong thể thao, có những đoạn do chính quyền cầm gậy, nhưng có đoạn thì chính quyền sẽ trao lại chiếc gậy đó cho các lực lượng xã hội khác tiếp sức để về đích.
Lê Minh Hoan