“Mai này, Bình Thạnh Trung”
Cập nhật ngày: 11/04/2019 06:00:42
Vậy là, một Hội quán nữa của tỉnh ra đời trên mảnh đất Bình Thạnh Trung - Lấp Vò quê mình - “Tân Bình Hội quán”. Ngay từ cái tên Hội quán, chắc là bà con mình muốn gửi gắm vào đó những kỳ vọng về sự mới mẻ của làng quê Bình Thạnh Trung này! Ba mươi chín thành viên ban đầu là ba mươi chín hạt nhân, những nhân tố hứa hẹn sẽ đâm chồi nảy lộc, làm cho nông thôn ngày càng khởi sắc, nông nghiệp ngày càng trù phú, nông dân quê mình ngày càng giàu có...
Quê Bình Thạnh Trung mình từ trước giờ là thuần lúa nhưng nay đã chen lẫn những khu vườn sai trái rồi. Và, rải rác đây đó cũng đã thấy những liếp màu xanh mượt. Và, ngay nơi ra mắt Hội quán hôm đó cũng là một mô hình làm “Nông nghiệp thông minh”, kết hợp nuôi cá và trồng rau sạch trên giá thể và hệ thống thủy canh tuần hoàn. Vậy là, người Bình Thạnh Trung đã “biến không thành có, biến điều không thể thành điều có thể” rồi còn gì?
Đến tham gia lễ ra mắt Hội quán, nhiều thành viên vẫn còn ưu tư về vụ giá cả vụ mùa vừa qua không được như kỳ vọng, chưa tương xứng với bao công sức bỏ ra. Vậy đó, thị trường nông sản đâu dễ đoán định, “trăm người bán vạn người mua” mà! Giá cả là do người tiêu dùng quyết định dựa trên yếu tố cung - cầu và chất lượng nông sản. Thị trường nước láng giềng tiêu thụ hơn 70% nông sản của mình đã bắt đầu hạn chế buôn bán tiểu ngạch theo kiểu “bán xô, bán chợ” như trước giờ. Sắp tới, họ tập trung cho đường chính ngạch, có truy xuất nguồn gốc nông sản đàng hoàng. Vậy là, thời đã khó, nay lại càng khó rồi đây!
Người ta nhận xét rằng người xứ mình, trong đó, có bà con nông dân, trước giờ có phần “dễ dãi” trong cuộc sống, trong sản xuất và cả trong kinh doanh. Thì đó, bà con mình thường nghĩ, trồng trọt hay chăn nuôi gì thì trước sau rồi cũng sẽ bán được thôi. Bán chợ lớn không được thì đem về chợ làng, chợ “chồm hỗm” cũng có người mua, “đối đế, cùng đường” thì thể nào cũng có những người tốt mua giải cứu. Vậy là, một nền nông nghiệp luôn “bấp bênh”. “Đổ qua đổ lại” thì thấy ai cũng có phần trách nhiệm và dường như cũng không thấy ai chịu trách nhiệm chính về câu chuyện “nói hoài, khổ lắm nói mãi” này...
Vậy, điều gì giúp thay đổi để nền nông nghiệp bớt đi nỗi lo canh cánh, khắc khoải qua từng mùa vụ và giúp tăng thu nhập cho người nông dân đây? Không có giải pháp nào tối ưu hơn là “giảm chi phí đầu vào” và “tăng chất lượng đầu ra”. Không có cách nào khác là phải hợp tác lại, “nhiều con cá bé hợp lực lại thành con cá lớn” để đương đầu với “sóng gió của thị trường”. Hội quán ra đời là để tạo ra sự hợp tác đó. Có hợp tác với nhau mới giảm được chi phí đầu vào và sản xuất theo đúng quy trình để nâng cao chất lượng đầu ra. Hợp tác lại để “mình tự cứu mình và cùng cứu nhau trước khi trời cứu”!
Nghe nói trong thời gian qua, đã có một vài doanh nghiệp đến liên kết với bà con mình, đó là những tín hiệu đáng mừng. Trong mọi mối liên kết, “chữ tín” và niềm tin quyết định sự bền chặt. Niềm tin chỉ có được và nâng dần lên qua mỗi mùa vụ thông qua sự chia sẻ giữa các bên tham gia, nghĩa là “chữ tín” phải được ươm mầm và nuôi dưỡng bởi cả đôi bên. Muốn vậy, phải có kế hoạch hợp tác, liên kết dài hạn, chứ không dừng lại trong mỗi “mùa vụ sản xuất, thương vụ mua bán”. Mỗi bên phải “phơi bày ruột gan” với nhau, “sống còn” với nhau mới hợp tác làm ăn lâu dài vì sự thành công bền vững. Đâu phải không có sự đổ vỡ các hợp đồng liên kết ngay trên một vài cánh đồng, một vài mùa vụ ở Bình Thạnh Trung trong thời gian qua. Tất cả chung quy do không hiểu được bản chất của giá cả thị trường, do cái lợi ngắn trước mắt nên đổ lỗi cho nhau, quay lưng lại với nhau.
Bình Thạnh Trung giờ không chỉ thuần lúa nữa rồi. Đó cũng là điều tất yếu khi xu thế tiêu dùng gạo đã thay đổi từ “lượng” thành “chất”. Người tiêu dùng ăn cơm ít hơn nhưng đòi hỏi gạo phải ngon hơn, sạch hơn. Vậy, mình phải thích ứng với sự thay đổi đó nếu không muốn bị thị trường “gạt sang một bên”. Nhưng câu chuyện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại khác không phải không có những rủi ro phát sinh. Vậy, cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn đã thật sự vào cuộc để đánh giá những rủi ro và tìm ra giải pháp hạn chế để sự chuyển đổi được bền vững chưa?
Nhìn đàn cò trắng chao liệng trên nền biển lúa xanh mênh mông, thấy diện mạo Bình Thạnh Trung hôm nay đã khác và chắc chắn ngày mai, Bình Thạnh Trung sẽ càng khác biệt từ những thành viên Hội quán đầy khát vọng hôm nay. Yếu tố con người mới là sự quyết định cho ngày mai, Bình Thạnh Trung quê mình hãy tự tin vươn lên nhé!
XÍCH LÔ