Cảm xúc từ "lời cảm ơn"
Cập nhật ngày: 16/08/2019 14:57:14
Khi còn nhỏ xíu, đứa trẻ nào cũng được người lớn dặn dò rằng “ai cho mình món quà gì đó, giúp mình việc gì, hoặc chỉ bảo vấn đề gì đó thì phải biết “khoanh tay cảm ơn””. Nếu không làm như vậy, sẽ bị “phán” liền: “Không ngoan”! Vậy là, “lời cảm ơn” đã theo con người ngay từ tấm bé rồi. Cùng với chào hỏi, đứa trẻ nói “lời cảm ơn” thì được khen là “ngoan”, là “lễ phép”. Có người còn cho rằng, “lời cảm ơn” là thể hiện con người có văn hóa, xã hội văn minh. Nhưng hình như trong bộn bề cuộc sống, những giá trị đây đó nhạt nhòa dần, “lời cảm ơn” dường như đang thưa thớt dần...
Một lần, có dịp ngồi với một doanh nhân, thấy anh đứng lên nhìn vào đội ngũ nhân viên của mình và phát biểu thật trang trọng, đầy cảm xúc. Anh nói: “Hôm nay, tôi xin cảm ơn tất cả anh em vì trong thời gian qua đã nhiệt thành cống hiến hết sức mình cho công ty và cá nhân tôi, thành quả công ty có được như hôm nay có sự đóng góp công sức của tất cả mọi người”. Anh còn tâm sự riêng: “Anh em của tôi có nhiều người giỏi lắm, giỏi hơn tôi nhiều”! Câu chuyện trên đối với nhiều người không có gì là mới, là việc làm thường xuyên, nhưng cũng không ít người lãnh đạo không làm được điều đó, hoặc làm một cách gượng gạo, không chân thành từ đáy lòng mình…
Từ câu chuyện nhiều cảm xúc nêu trên, ngẫm lại nhiều lãnh đạo thường nghĩ mình là “người giỏi nhất”, nghĩ lãnh đạo là bậc “bề trên” của đội ngũ cộng sự và nhân viên. Đã là “giỏi nhất” thì thành quả của đơn vị, thành công là do cá nhân người lãnh đạo tạo ra. Đã là “giỏi nhất” thì có thể vô tư “ca tụng” thành tích bản thân mình. Đã là “bề trên” thì có quyền sai khiến, cấp dưới phải phục tùng, hà cớ gì lại phải cảm ơn, tiếng cảm ơn thì chỉ dành cho “bề trên” cao hơn nữa mà thôi?!? Vậy là, “tiếng cảm ơn”, một giá trị phổ quát của nhân loại, bị nhiều người xem như thứ gì đó dường như là xa xỉ. Tiếng cảm ơn thưa dần thì văn hóa công sở cũng mờ nhạt dần. Vậy là, sự kiêu ngạo, độc đoán, gia trưởng trong nhiều lãnh đạo trỗi dậy, nhân viên làm việc thiếu động lực vì cảm thấy mình không được tôn trọng, lòng nhiệt thành của mình không được ghi nhận. Hệ quả là hiệu suất làm việc trong công sở không cao, sự sáng tạo cũng bị triệt tiêu, môi trường làm việc dễ trở thành nặng nề.
Có khi nào, người lãnh đạo “chịu khó” đếm lại xem trên bước đường phát triển cá nhân mình, có bao nhiêu người đã vun đắp cho mình, hỗ trợ cho mình. Và trong những người đó, có bao nhiêu người là cộng sự, là nhân viên của mình đã và đang thầm lặng cống hiến cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao cho, và nhờ đó, mà mình mới được cất nhắc vào vị trí lãnh đạo. Ngược lại, nếu không có những người có thể không có vị trí cao như anh công nhân trồng cây, chị phục vụ vệ sinh, chú bảo vệ... trong đơn vị của mình đã miệt mài, tận tụy trong công việc thì người lãnh đạo chắc chắn cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ. Chắc không ít người như vậy chưa một lần nhận được lời cảm ơn…
Cuộc sống không ai có thể đứng riêng một mình, không ai có thể làm việc mà tách rời với những người khác. Con người làm việc đâu chỉ với mục đích duy nhất là tìm kiếm lợi ích vật chất. Người ta làm việc còn để khẳng định giá trị của mình, để cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội, trước hết là cho đơn vị mình công tác. Con người ai cũng muốn mình được người khác tôn trọng. “Muốn người khác tôn trọng mình thì mình cũng phải tôn trọng người khác”! Ai đó nói rằng, “điều mình không muốn người khác làm với mình thì ngược lại mình cũng đừng làm điều đó với người khác”. Vậy, không chỉ là cấp dưới tôn trọng người lãnh đạo, mà chính người lãnh đạo cũng phải tôn trọng cộng sự và đội ngũ nhân viên của mình. Trong một tổ chức mà mọi người tôn trọng nhau chính là nguồn năng lượng đối với cả tổ chức đó, chứ không hẳn là bản thân người lãnh đạo.
Hãy thử tưởng tượng, một tổ chức mà mọi người không tôn trọng nhau thì đâu còn niềm hứng khởi để mà làm việc. Lúc ấy, người này sẽ đi soi mói vào những hạn chế, yếu kém của người khác thông qua lăng kính đầy định kiến thì sẽ ra sao? Khi ấy, tất yếu là người tích cực sẽ co thủ lại nhường chỗ cho những cá nhân với cảm xúc tiêu cực; những đố kỵ, hẹp hòi luôn chi phối ý tưởng đổi mới, sáng tạo.
Câu chuyện về “tiếng cảm ơn”, nghĩ lại, có giá trị tạo thành sức mạnh nội tại trong một cơ quan, đơn vị. Tiếng cảm ơn có thể xoá đi khoảng cách giữa mọi người, từ người lãnh đạo cho đến nhân viên. Tiếng cảm ơn sẽ làm mọi người cảm nhận được sự hài hoà, gắn kết giữa người với người. Tiếng cảm ơn tạo thêm niềm hứng khởi, tăng thêm năng lực để vượt qua những công việc nặng nề, khó nhọc.
“Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”! Một khi đã “vừa lòng nhau” thì từng người sẽ cảm thấy hạnh phúc khi làm việc, hạnh phúc khi tạo ra giá trị mới. Một danh nhân đã tâm niệm: “Một phần lớn hạnh phúc của ta là do ta có khéo cư xử với người khác hay không?”. Vậy thì “Hãy dành một lời cám ơn những người lạ đã dành cho bạn một nụ cười vào buối sáng trời âm u!”.
Xích Lô