Câu chuyện con tôm

Cập nhật ngày: 01/07/2019 09:56:01

http://baodongthap.com.vn/database/video/201907010956401-7 CAU CHUYEN CON TOM-XICH LO.mp3

Vậy là, một Hội quán nữa tiếp tục ra đời, Hội quán thứ 76 - “Ngôi nhà chung” của bà con nuôi tôm xã Phú Thành B trên quê hương Tam Nông mình. Sao lại là tôm? Mà đâu có gì lạ lắm đâu? Tam Nông là nơi khởi nguồn của tỉnh mình đưa con tôm lên ruộng, rồi nuôi tôm trong mùa nước nổi nữa kia mà! Và, hôm nay, câu chuyện bà con tự nguyện ngồi lại với nhau trong “ngôi nhà chung” mang tên Phú Thịnh như là điều tất yếu sau bao ngày lãnh đạo địa phương kiên trì vận động, thuyết phục.

Nghĩ lại, người Tam Nông quê mình hay thiệt, năng động thiệt, mạnh mẽ thiệt! Từ một vùng đất hoang sơ ngày xưa chỉ định danh bằng các cái tên khu này, khu kia, nhưng con người nơi đây bằng ý chí mãnh liệt, không chấp nhận những gì trói buộc chân mình, người Tam Nông đã chinh phục mảnh đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh” trở thành vùng đất trù phú, biển lúa mút tận chân trời. Một cuộc cách mạng. Một bước đổi đời. Vụ một tăng dần lên ba vụ với đê bao khép kín, cái đói không còn, cái nghèo cũng giảm dần... Nhưng sự đời không bao giờ suôn sẻ, con đường mới vừa phẳng phiu đã gập ghềnh dần...

Một vùng đất chỉ thuần lúa, bao đời lấy hột gạo làm chuyện mưu sinh, nhưng rồi giá lúa “trồi sụt”, thị trường dần khó đoán định hơn. Rồi biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, con nước về ngày một ít hơn. Hết thiên tai thì lại đến dịch bệnh. Chi phí bỏ ra tăng cao mà “mùa được, mùa mất”. Vậy một lần nữa nông dân quê mình đâu có cam chịu để “cái khó bó đi cái khôn”. Bà con bắt đầu chuyển sang sản xuất với nhiều cây trồng, vật nuôi khác. Nào kiệu nào khoai, nào xoài nào cam. Nào lươn nào cá, nào ếch nào tôm. Và, con tôm hôm nay như là một phát hiện kỳ thú, minh chứng cho sự sáng tạo của người nông dân trên nẻo miền quê thân thương này. Ao tôm bên cạnh ruộng lúa. Ao tôm xen lẫn mảnh vườn. Tôm nuôi trong mùa lũ. Tôm nuôi ngay trong mùa khô. Người ta gọi là “đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi”. Người ta gọi đó là “tăng thu nhập trên cùng diện tích sản xuất”. Nhiều ngôi nhà kiên cố khang trang cứ thi nhau mọc lên làm bừng sáng một góc nông thôn hiền hòa.

Mà con tôm của bà con mình đâu chỉ bán tươi cho thương lái thôi đâu. Thì đó, bà con đã bắt đầu biết chế biến ra tôm khô, tôm một nắng, tôm làm mắm trộn dưa đu đủ... Vậy là, bà con đã bắt đầu chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng hơn rồi, có thể giữ con tôm sau thu hoạch lâu ngày hơn rồi.

Trong khi chính quyền còn lúng túng với mô hình mới, loay hoay với cách làm mới thì bà con đã tự cứu lấy mình, tự tìm cho mình hướng đi mới. Và, còn xúc động nào hơn, 49 người chọn con tôm để đổi đời, trước giờ vẫn tự thân vận động, thì hôm nay đã đồng thuận và tự nguyện tham gia vào một không gian chung mang tên “Hội quán”. Từ chỗ làm ăn riêng lẻ cho tới làm ăn tập thể chắc bà con cũng trăn trở nhiều lắm, cũng nâng lên đặt xuống nhiều lần. Như một thành viên Hội quán cảm nhận, để con tôm có thể cạnh tranh và phát triển bền vững, thì phải làm sao giảm chi phí và nâng cao chất lượng. Quá đúng rồi, trồng cây gì, nuôi con gì thì cũng phải làm được như vậy.

Và, để làm được điều đó, chỉ một con đường duy nhất là bà con mình hợp tác với nhau, bước đầu là Hội quán, và sau này là hợp tác xã. Khắp nơi trên thế giới người ta đều làm vậy và trở nên giàu có cũng nhờ vậy. “Muốn đi nhanh thì đi một mình mà muốn đi xa thì đi cùng nhau” là cách suy nghĩ của những người thông minh, những người tính “đi đường dài”. Muốn hợp tác bền vững thì phải có niềm tin lẫn nhau, giữ chữ tín với nhau và giữ chữ tín với khách hàng, người tiêu dùng. Muốn có thương hiệu con tôm không phải chỉ là quy trình nuôi thế nào, kỹ thuật nuôi ra làm sao, mà quan trọng hơn chính là xây dựng cho được chữ tín trong từng thành viên Hội quán và trong mỗi người nông dân.

Hội quán là nơi hội tụ niềm tin và làm lan tỏa niềm tin đó tới cộng đồng, làng xóm, đưa niềm tin đó vươn xa. Trong cộng đồng không tránh khỏi có lúc tiếng chì tiếng bấc, xung đột lợi ích với nhau. Trong một ô bao thì nếu xử lý không phù hợp, mỗi người chỉ biết cho mình thì có thể người nuôi thủy sản sẽ làm ảnh hưởng tới người trồng lúa, làm vườn và ảnh hưởng tới môi trường chung quanh. “Được cho mình nhưng cũng phải được cho người khác, được cho cộng đồng” cần trở thành tâm niệm của mỗi thành viên và là phương châm hoạt động của Hội quán Phú Thịnh này!!! Nông thôn hài hòa, đáng sống là từ suy nghĩ và hành động, sự chung tay góp sức của mỗi người, để rồi, mỗi người sẽ được thụ hưởng chính thành quả đó.

Làm nông không chỉ “thuận thiên” mà còn phải “thuận địa” và nhất là “thuận nhân” nữa! Rồi con tôm xứ mình không chỉ ngon, ngọt, mà còn mang tiếng thơm đi bốn phương trời. Rồi cái xứ Phú Thành B này “tiếng lành đồn xa”, xa lắm, xa mãi bắt đầu từ 49 con người dám đổi mới hôm nay!

Hổng biết bà con có ngụ ý gì mà chọn ngay ngày Gia đình Việt Nam để làm lễ ra mắt? Hay bà con đã xem Hội quán giờ là một đại gia đình của mỗi thành viên rồi? Chắc chắn là vậy!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác