Câu chuyện bệnh viện
Cập nhật ngày: 20/06/2019 08:59:44
Ngồi ngẫm nghĩ, thời buổi bây giờ người ta gọi là "bệnh viện", là "nơi khám chữa bệnh", chớ nhớ lại hồi nhỏ, thường nghe những người lớn tuổi gọi là "nhà thương". Hổng biết vì sao lại có cái tên thật thân... thương như vậy? Hay người ta muốn gửi gắm vào cái tên đó để chỉ bệnh viện là nơi chứa đựng và làm lan toả tình thương - Tình thương giữa người và người, tình thương giữa thầy thuốc và bệnh nhân? Ngược lại, khi không hài lòng thì người ta giận lẫy, nó đó là "nhà ghét" chớ "nhà thương" gì!?!
Ảnh minh họa. Ảnh M.X
Có người cũng nói vui: Khi gặp nhau "tay bắt mặt mừng", rồi chia tay hẹn gặp nhau lần khác, nhưng gặp nhau ở đâu thì gặp chớ đừng có "hẹn gặp nhau" trong bệnh viện, vì bệnh viện là nơi đâu ai muốn vào, có gì vui vẻ đâu?!? Nhưng, muốn hay không muốn thì rồi cũng có ngày bất kỳ người nào cũng có lần phải vào bệnh viện, hoặc là đến để khám, điều trị bệnh, hoặc là đi nuôi, chăm sóc người thân, hoặc đơn thuần là đi thăm người thân, bạn bè, đồng nghiệp ốm đau...
Nơi nào đông người vào ra, đơn cử như bệnh viện, thì dù có sạch sẽ đến mấy thì cũng không ai muốn đến, trừ những người đã chọn cho mình cái nghề, hay còn gọi là "thiên chức chăm sóc sức khoẻ con người". Nói là nói vậy thôi, muốn hay không muốn, đã là con người thì cũng phải theo quy luật của tạo hoá "sinh, lão, bệnh, tử", rồi sẽ đến một ngày nào đó ai cũng sẽ trở thành bệnh nhân, cũng cần đến bệnh viện, cũng nhờ đến thầy thuốc. Đã bệnh thì nhẹ cũng nằm vài ngày, nặng thì có khi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời.
Để vận hành guồng máy khám chữa bệnh, bệnh viện có đội ngũ chuyên môn: bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý, chuyên viên kỹ thuật...; ngoài ra, còn có một đội ngũ phục vụ gián tiếp: lãnh đạo bệnh viện, quản lý các khoa phòng, nhân viên tạp vụ vệ sinh, căng-tin, bếp ăn, bảo vệ, giữ xe... Mỗi người một việc, tất cả cũng đều hướng tới sứ mạng phục vụ người bệnh một cách tốt nhất, làm cho bệnh nhân và thân nhân hài lòng nhất.
Người Việt mình sống "duy tình". Một người bệnh thì đi theo là vài người nuôi dưỡng trông nom. Nghe người thân, bạn bè, đồng nghiệp nằm bệnh mà không đến thăm thì "áy náy trong lòng". Vậy là, một người bệnh thì rất nhiều người vào ra thăm viếng. Người bệnh thì cần yên tĩnh để tịnh dưỡng, thầy thuốc thì cần tập trung để khám chữa cho người bệnh, trong khi người vào ra có khi vô ý gây ồn ào. Vậy, có khi "được lòng người này thì lại mất lòng người kia", đôi khi khó chịu với nhau, cau có với nhau, lời lẽ "nặng lòng" với nhau.
Người bệnh, dù mang trong người bất kỳ căn bệnh nào, thì không tránh khỏi vừa đau đớn về thể xác, vừa bức bối về tinh thần. Người thân thì không tránh khỏi lo lắng về bệnh tình của người thân. Người bệnh, người thân, người đi thăm thì có "người vầy" cũng có "người khác" - Người dễ tính, người lại khó tính. Người lạc quan, người lại bi quan. Người góp ý nhẹ nhàng chân tình, người phê phán chỉ trích. Khi mang trong mình cảm xúc khó chịu, bức bối, lo lắng thì chỉ một va chạm nhỏ trong lời nói là dễ dẫn tới "lời qua, tiếng lại". Muốn dung hoà với nhau thì nên chăng mỗi người "thử đổi vai" cho nhau, người điều trị "đóng vai" bệnh nhân, ngược lại, bệnh nhân hãy "đóng vai" người điều trị cho mình. Người điều trị hãy nghĩ rằng, nếu người đang nằm trên giường bệnh kia là chính mình, là cha mẹ, anh em ruột thịt của mình thì sao? Bệnh nhân hãy nghĩ rằng, nếu mình là người điều trị cho mình, là người làm vệ sinh hàng ngày làm cho cái phòng mình sạch sẽ thì sao? Có như vậy, mới kiềm chế cơn nóng giận, giảm bớt sự căng thẳng trong mỗi người.
Khi "đổi vai" cho nhau, người này mới thấu hiểu được những khó khăn trong công việc, tâm lý của người kia. Một khi thấu hiểu được thì dễ cảm thông cho nhau, chia sẻ với nhau, tôn trọng lẫn nhau. Người bệnh, thân nhân vào bệnh viện rồi thì trước hay sau, mau hay lâu thì cũng có ngày ra, trong khi những người phục vụ thì vẫn âm thầm lặng lẽ chăm lo hết người này đến người khác, chịu bao nhiêu lời trách móc của người khác… Có thấu hiểu như vậy, mới có thể cảm thông cho những sai sót - tất nhiên là loại trừ hành vi thiếu trách nhiệm - của đội ngũ phục vụ vì cũng chính những người đó đã giúp biết bao người vượt qua "làn ranh sinh tử". Có thấu hiểu như vậy, mới thấy lời "cảm ơn", tiếng "xin lỗi" giá trị nhường nào. "Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" mà! Có thấu hiểu như vậy, mới thấy giá trị của nụ cười trao cho nhau thay cho lời động viên, làm vơi đi sự phiền muộn trong lòng mỗi người quý giá biết chừng nào!
Bệnh viện hiện đại, trang thiết bị tiên tiến, năng lực chuyên môn của đội ngũ khám chữa bệnh là điều kiện cần, nhưng chính thái độ của đội ngũ thầy thuốc và nhân viên bệnh viện mới làm nên một bệnh viện văn minh. Muốn có thái độ phục vụ tốt thì mỗi người trong đội ngũ phục vụ hãy xem người bệnh và thân nhân của người bệnh như là những người thân của mình. Bệnh viện nào mà không có khẩu hiệu "Lương y như từ mẫu", thầy thuốc nào mà không được học tập về "y đức". Chắc chắn rằng, những câu khẩu hiệu đó, những bài học đó sẽ trở thành "sáo rỗng" nếu đội ngũ phục vụ không xác định cho mình thái độ đúng đắn đối với cuộc sống, với công việc và người bệnh.
"Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"! "Thương người như thể thương thân" mà!
Xích Lô