Câu chuyện sự kiện

Cập nhật ngày: 06/11/2019 09:35:57

“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của dân tộc, là cách ứng xử đầy tính nhân văn của mỗi người. Tổ chức các hoạt động tưởng niệm các sự kiện lịch sử, tri ân những bậc tiền nhân có công đóng góp vào các sự kiện đó là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với bao lớp người đi trước. Các hoạt động đâu chỉ phải “rình rang”, “hoành tráng”, mà cách mọi người tham dự mới đánh giá mức độ thành công của từng sự kiện.


Ảnh minh họa. Ảnh: Nhựt An

Trước tiên là bố trí chỗ ngồi cho quan khách. Hình như đôi khi mình còn mang nặng tính thứ bậc trong hệ thống chính trị, nên những hàng ghế đầu thường dành cho cán bộ từ cao đến thấp, trong khi những người trực tiếp tham gia vào các sự kiện năm xưa - cái lý do mà hôm nay tổ chức sự kiện - thì ngồi đâu đó ở các hàng ghế phía dưới. Vậy, mình đang tôn vinh ai? Ai là người xứng đáng được tôn vinh? Ai mới thực sự là trung tâm của sự kiện?

Những người trực tiếp tham gia sự kiện năm xưa, những nhân chứng lịch sử, thậm chí là những người trực tiếp viết nên những trang sử hào hùng cho dân tộc, cho địa phương, nếu còn đến tham dự thì thường giờ đã lớn tuổi rồi. Người lớn tuổi thì cần chăm chút không chỉ bằng vật chất mà còn bằng tình cảm, bằng cả tấm lòng của những người đại diện cho thế hệ hôm nay. Cái không gian tổ chức đó không chỉ cần sự trang nghiêm, mà cần hơn sự giao thoa tình cảm ấm áp giữa các thế hệ. Một câu hỏi han về sức khỏe, về gia cảnh, một câu chuyện kể lại ký ức năm xưa, tất cả là sợi dây nối kết các thế hệ, để rồi thế hệ hôm nay thấu cảm hơn, trân quý hơn những người làm ra lịch sử. Một lời chào hỏi, một lời cảm ơn đâu chỉ có trong các bài diễn văn, trong các bài phát biểu của lãnh đạo, mà từ trong hành động của mỗi người tham dự sự kiện.

Những sự kiện quan trọng thường sau đó có liên hoan thân mật. Các không gian đó đâu chỉ là cơm nước, là ăn uống, mà còn là không gian nối dài của sự kiện đã diễn ra. Mỗi người sao không cùng ngồi lại để tạo ra bầu không khí chan hòa, thân tình, ấm cúng giữa các thế hệ. Ai là khách, ai là chủ của sự kiện? Ai cũng là khách, mà ai cũng là chủ của sự kiện! Nhìn những bàn tiệc trống trơn, vừa xót vì lãng phí, phản cảm, vừa thấy nhói lòng về cách ứng xử của một số người. Sao không ở lại một đôi chút để “trọn nghĩa, vẹn tình”?

Dẫu biết công việc của mỗi người, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, rất bộn bề và cũng là chuyện cơ quan, công sở thôi, nhưng nếu biết khéo léo thu xếp và được các ban tổ chức lưu ý ngay trong thư mời, chắc cũng không đến nỗi quá khó và lập lại thường xuyên. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” mà! Quan trọng là thái độ của mỗi người đối với quá khứ, với lịch sử, với những người đi trước. Mà có khi đó cũng là nếp văn hóa ứng xử trong mỗi người. “Văn hóa làm nên thái độ, thái độ đối với cuộc sống, đối với công việc”. Thái độ quyết định sự thành công cho mỗi người!

Đã có nhiều lớp hướng dẫn về kỹ năng lễ tân ngoại giao nhưng hình như còn thiếu một điều gì đó ở mỗi người! Hình như trong các sự kiện chỉ chú trọng nhiều đến kèn trống, cờ xí, thảm đỏ, băng rôn khẩu hiệu, văn nghệ chào mừng, rồi phân công thanh niên, thiếu nữ ăn mặc đẹp xếp hàng dài đón khách, mà quên đi những điều còn quan trọng hơn nhiều. Hình thức bên ngoài cũng góp phần tạo không khí trang trọng cho buổi lễ, nhưng chiều sâu hơn là hành động của mỗi người tham dự.

Đồng Tháp mình đang dày công tạo dựng hình ảnh địa phương “Thuần khiết như hồn Sen”! Hình ảnh đó đâu chỉ là vẻ đẹp bề ngoài của “hoa Sen” mà ẩn chứa sâu lắng từ bên trong “hồn Người”. Hình ảnh đó có thể mất đi vì sự thờ ơ của mỗi người trong từng chuyện “nhỏ mà không hề nhỏ”. Mà nhớ lại Đồng Tháp mình cũng có phương châm: “Thay đổi nhỏ, kết quả lớn” rồi mà!

Có câu chuyện về một chàng trai do nghèo khó nên chở người cha vào rừng và có ý định bỏ lại người cha trong đó. Đứa con của chàng trai đi theo định đẩy chiếc xe trở về. Chàng trai hỏi: “Để làm gì?” thì đứa con đáp lại rằng: “Để khi cha già thì con cũng đẩy cha vô bỏ trong rừng như hôm nay cha đẩy ông nội bỏ trong rừng vậy”!

Vậy đó, mỗi người chúng ta rồi cũng đến lúc sẽ trở thành những người lớn tuổi. Thế hệ ngày mai sẽ trông vào cách ứng xử của chúng ta, để rồi, ứng xử với chúng ta như cái cách mà chúng ta ứng xử với thế hệ đi trước hôm nay. Mình đừng ứng xử những gì với người khác mà không muốn người khác ứng xử như vậy với mình. Chắc là chẳng sai!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác