Khúc hát vùng biên
Cập nhật ngày: 30/10/2019 10:32:18
“Quê hương ta bốn mùa hoa trái. Sen khoe sắc hồng, đồng lúa mênh mông... Mà vì sao còn đó những nhọc nhằn? Mà vì sao còn đó nỗi gian lao?”. Đó là lời ca trong bài hát “Cùng liên kết người ơi” được nhóm văn nghệ trình diễn hôm ra mắt “Tân Hòa Hội quán” ở xã Tân Hộ Cơ, một xã vùng biên quê mình. Câu hỏi “Mà vì sao còn đó...?” thì hôm nay dường như được chính bà con mình trả lời trong mái nhà Hội quán ở vùng biên nắng gió này rồi.
Ngày xưa, xứ mình được thiên nhiên ưu đãi, đồng ruộng thì mênh mông, bát ngát,.. Nhưng rồi, con người thì sinh sôi nảy nở, miếng ruộng sau nhà phải chia cho con, cắt cho cháu nên “teo tóp” lại dần... Vậy là, mang “lời nguyền” của một nền nông nghiệp “manh mún”, “nhỏ lẻ”. Ngày xưa, xứ mình sản vật tự nhiên phong phú, dồi dào nhưng cũng do người càng ngày càng nhiều nên con tôm, con cá cũng hiếm dần. Rồi biến đổi khí hậu, khan hiếm dòng nước ngọt với phù sa vun bồi cho đồng ruộng, vườn tược như hồi nào. Rồi, xu thế thị trường thay đổi từ chỗ ăn uống nhiều sang ít hơn, ăn dễ dãi sang kỹ tính hơn. Thị trường đâu phải “một mình một chợ”, vậy là, phải cạnh tranh với nông sản xứ người ta, thậm chí với xứ có chung đường biên với mình.
Nhọc nhằn là do vậy, gian lao là do vậy! Do trời đất cũng có, do chính con người cũng có, mà dường như do mình nhiều hơn - do lời nguyền “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy cấy”! “Đèn nhà ai nấy sáng” thì “nhà nào biết nhà nấy”, không hợp tác, chia sẻ với nhau, không “vui buồn có nhau”, thậm chí đôi khi còn hiềm khích, đố kỵ lẫn nhau. “Ruộng nhà ai nấy cấy” thì nông sản làm ra với chi phí thì cao, chất lượng thì không đạt, số lượng thì không đủ xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ khó khăn nên chỉ bán trôi nổi là chủ yếu. “Ruộng nhà ai nấy cấy” thì không đủ sức mạnh để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu.
Vậy là, khó trên khó dưới, khó ngoài khó trong rồi! Ông bà mình đã chỉ ra cách để vượt khó là phải làm sao để “ló cái khôn” chứ không phải “bó cái khôn”. Cái khôn đầu tiên là phải thấm nhuần câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Vậy, muốn vượt qua “lời nguyền” đó không có cách nào khác là bà con mình phải đoàn kết lại trong cuộc sống, hợp tác lại trong sản xuất, kinh doanh. Muốn đoàn kết, hợp tác thì không thể mỗi người chọn cho mình cách sống “sống chết mặc bây”, cách làm ăn manh mún...
Vậy là, việc làm đầu tiên và cũng là mục đích khi thành lập của “Tân Hòa Hội quán” là cùng nhau tạo dựng cho được chữ “hòa”: hòa hợp, hòa khí hòa thuận. Người xưa đã tổng kết muốn thành công, giàu có thì cần hội đủ 3 yếu tố “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa”. “Nhân hòa” là sự hài hòa trong các mối quan hệ, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Không có chữ “Hòa” đó, chúng ta không thể đánh thắng được kẻ thù diệt chủng trên vùng biên này ngày nào. Máu xương bao lớp người đã đổ trên vùng biên này từ chữ “Hòa” đó để ngày nay tiếp tục có được chữ “Hòa” trong thời bình xây dựng quê hương.
“Khó trời, khó đất” đều có thể vượt qua một khi con người đừng làm khó nhau và tự làm khó chính mình. Chỉ cần chịu ngồi cùng nhau, chia sẻ với nhau, lo lắng cho nhau, coi chuyện xóm làng cũng là chuyện của mình, chuyện đồng ruộng, mùa vụ của người khác cũng là chuyện của mình là có được chữ “Hòa” rồi. “Bán bà con xa, mua láng giềng gần”, “Chị ngã thì em nâng”, từ Hội quán này rồi tình làng nghĩa xóm sẽ được thắt chặt để đắp cái nền vững chắc cho sản xuất với quy mô lớn hơn. Từ Hội quán này, “những con cá bé” biết hợp sức lại để không bị “con cá lớn” mang tên “thị trường” nuốt chững trước khi quay đầu bỏ chạy hoặc phó mặc cho số phận an bài.
Số phận của mỗi người do mỗi người quyết định. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”! Người ta trở nên giàu có không chỉ bằng tiền bạc, mà còn bằng ý chí, niềm tin, bằng sự kiên trì nhẫn nại, bằng sự chắt chiu, tích cóp mùa trước một chút, vụ sau một chút. Người ta trở nên giàu có còn bằng các mối quan hệ tốt đẹp, cởi mở, chân thành với cộng đồng làng xóm. Người ta trở nên giàu có bằng cách biết nghĩ khác đi, biết làm khác đi, biết chủ động ứng biến với sự thay đổi diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Nhìn 75 thành viên Hội quán ở một góc vùng biên, người trồng lúa, người trồng rau, người nuôi cá, người kinh doanh..., mới thấy xúc động làm sao! Đốm lửa đã được nhen lên rồi, cấp ủy, chính quyền phải có trách nhiệm giữ cho những đốm lửa đó không bao giờ tắt và còn phải làm cho bùng cháy thành ngọn lửa to hơn, tiếp tục soi sáng, dẫn dắt đường đi cho những người vùng biên thân thương, hào sảng này.
“... Cùng liên kết người ơi. Cho đất xanh trù phú. Giá trị xanh từ những tiềm năng xanh. Cùng liên kết người ơi. Giá trị xanh trên cánh đồng hợp tác. Cho cuộc đời ngày mai tươi sáng...”!
Xích Lô