Nghe câu hò Đồng Tháp trên miền biên giới

Cập nhật ngày: 25/12/2019 14:42:41

Hò qua... ơ ơ... hơ... ơ...ờ..ơ...ơ

Hồng Ngự quê tôi, bên dòng sông Tiền bát ngát

Đất Lục Thường lúa nặng oằn bông

Ngũ Cù sông nước mênh mông

Vườn cây sai trái, bốn mùa... xanh tươi...”

Hò Đồng Tháp quê mình thì cũng được nghe nhiều lần rồi, nhưng nghe trong một không gian đầy hương đồng gió nội ở miền biên giới một ngày cuối tuần thì cảm xúc thật dâng trào. Lời hò thiệt gần gũi với hình ảnh dòng sông, đồng lúa, vườn tược, cây trái... Đúng là văn nghệ dân gian thì chỉ có trong không khí dân dã, những nghệ sĩ áo bà ba khăn rằn quấn cổ mới lột tả hết cái hay, cái đẹp, cái ý nhị của nó...

Trở lại không khí hôm ra mắt “Hội quán nuôi lươn” của bà con Thường Phước quê mình, mới thấy ấm cúng làm sao, tình nghĩa làm sao! Bảy mươi chín người nông dân nuôi lươn “xúm xa xúm xít” bên nhau, mắt cùng hướng về một ngày mai sẽ có nhiều đổi thay trên miền biên giới này. Sự đổi thay không chỉ đến từ biến đổi khí hậu, từ con nước mùa rồi không theo quy luật của trăm năm trước. Sự đổi thay đến từ những thành viên Hội quán này, với phương châm như anh Hai Chủ nhiệm Hội quán tuyên bố: “Mình phải tự cứu mình trước khi trời cứu”!

Mà đúng vậy, “mình phải tự cứu mình trước, rồi hàng xóm cứu nhau”! “Nước xa không cứu được lửa gần” mà! Trời không còn “chiều lòng người”, nghĩa là không còn “Thiên thời” nữa rồi! Đất cũng còn không “chiều lòng người”, nghĩa là “Địa lợi” cũng mất dần nữa rồi! Vậy, chỉ còn lại những con người trên dải đất còn nhiều gian khó này phải cùng nhau hợp lực lại làm nên yếu tố “Nhân hòa” để cùng vượt qua khó khăn, thách thức trên con đường đi đến khá giả, thịnh vượng mà thôi! “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” là điều ông bà mình đã tổng kết trong suốt chặng đường chinh phục thiên nhiên hoang sơ, khắc nghiệt trăm năm trước. Nhưng những thành viên hôm nay “tay trong tay”, để “Nhiều tay vỗ nên kêu”, “Đông tay vỗ nên bộp”!

Chinh phục thiên nhiên đã khó, chinh phục “lòng người” càng khó hơn nhiều. Trong cuộc sống làm sao tránh khỏi những va đập, “Chén trong sóng còn khua” mà! Những tỵ hiềm, phiền muộn, so đo, định kiến... đôi khi làm “lòng người” xa cách nhau, mặc dù, nhà liền nhà, đất liền đất. Trong cuộc sống đã vậy, thì trong làm ăn, mua bán cũng vậy. Làm ăn nhỏ lẻ, mỗi nhà vài vuông lươn thì chi phí sản xuất cao, đối mặt với nhiều rủi ro thị trường. Bây giờ, người ta cạnh tranh với nhau bằng sự hợp tác để quy mô lớn hơn, chi phí đầu vào rẻ hơn, chất lượng ngày càng tốt hơn, thị trường rộng mở hơn. Trong cuộc sống đâu ai tự cho mình là giỏi nhất, là biết hết tất cả! Người thì hay mặt này, người thì hay mặt kia, người giỏi làm giống, người giỏi nuôi thịt. Người biết sản xuất chăn nuôi, người biết kinh doanh, mua bán. Vậy là, hợp lại thì người này sẽ bổ sung cho người kia để rồi tất cả cùng thành công, cùng khá giả.

Trong cuộc sống, ai mà tiên lượng được những rủi ro gì sẽ gặp phải phía trước. Trong làm ăn, chắc cũng có lúc gặp phải khó khăn, thất bát, thất vọng, chán nản. Đó là những lúc con người ta dễ buông xuôi, bỏ cuộc, chìm đắm trong tăm tối. Nhưng “Sông có khúc, người có lúc” kia mà! Vậy, những lúc như vậy, bảy mươi chín thành viên hãy cùng chia sẻ với nhau, động viên với nhau, hun đúc tinh thần cho nhau để vượt qua. “Giúp người là giúp chính mình” là vậy! Anh Chủ nhiệm lại trăn trở: “Giờ tui mới hiểu, mới thấm câu: Ngoài kia gió đang thổi, bão đang nổi lên rồi. Tụi tui phải thay đổi thôi”! Đúng rồi, một người thay đổi kéo theo bảy mươi chín người thay đổi! Bảy mươi chín người thay đổi giúp cho từng người tự tin mà thay đổi. Người ta làm được thì mình chắc chắn cũng sẽ làm được! Người ta không làm được thì mình sẽ làm và cũng có thể làm được! Một người không làm được thì bảy mươi chín người hợp tác lại cùng làm thì nhất định không gì là không thể làm được!

Bữa ăn sau lễ ra mắt có nhiều món chế biến từ thịt lươn ngọt thơm. Bữa ăn mang đậm tình người, tình quê. Bữa ăn của cột mốc mới trên vùng biên giới nhiều gió cát này. Biên giới mình thiêng liêng lắm, những con người biên giới mình hồn hậu lắm, chân tình lắm! “Qua bao mùa em đã lớn. Đất cho em trái tim nồng nàn. Yêu con người nên lo lắng. Muốn nghiêng vai gánh thêm nhọc nhằn”. Mỗi người có bổn phận giữ gìn từng đường biên cột mốc. Vậy, thì mỗi người, mỗi tổ chức hãy cùng nhau “nghiêng vai gánh thêm nhọc nhằn” cùng với bà con miền biên giới trong “Hội quán nuôi lươn” này! Đừng hô hào suông! Đừng “đánh trống bỏ dùi”, còn nhiều việc phải làm, cần làm và nên làm lắm!

Ra về lòng đã vui, lại càng vui hơn khi được thông tin những bà con sản xuất cá giống ở Long Phú Thuận đang “rục rịch” ra mắt Hội quán nữa! Vậy là, lại háo hức thêm một chuyến “về làng”, về với “Lục Thường”, “Ngũ Cù” nữa rồi?

“Bãi cồn chim én lượn quanh,

Đón mời du khách đến thăm... quê mình”!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác