Câu chuyện người “Trên tuyến đầu chống dịch”
Cập nhật ngày: 31/03/2020 16:04:47
Vậy là, Việt Nam mình đã có bác sĩ, điều dưỡng, những người trên tuyến đầu chống dịch vi-rút cô-rô-na đã bị dương tính. "Chống dịch như chống giặc", giờ đây, đã có rủi ro xảy ra với các chiến binh áo trắng. Những người chăm lo sức khoẻ của người khác trong cơn đại dịch, thì giờ đây, chính sức khoẻ của mình lại đang bị đe doạ. Và, đã có những lời chia sẻ, sự ngưỡng mộ và niềm khâm phục.
Đất Sen hồng mình cũng có một đội ngũ thầy thuốc như vậy! Đôi khi, chúng ta không tham gia trực tiếp vào công việc đòi hỏi không được sai sót nên không thấu hiểu hết cái áp lực, cái hiểm nguy, cái căng thẳng của những chiến binh áo trắng. Chuyên mục "Trên tuyến đầu chống dịch" của Truyền hình Đồng Tháp đã khiến chúng ta ngập tràn cảm xúc! Những hình ảnh, những phát biểu của các anh, chị đang trực tiếp điều trị, phục vụ cho các ca dương tính ở Bệnh viện Sa Đéc đã làm lay động lòng người. Chính các anh, chị đã trả lời cho câu hỏi từ một bài hát: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ dành phần ai?"!
Một vị Hiệu trưởng của Trường Y khoa nhắn nhủ: "Tôi sẽ luôn nhớ rằng, mình không phải điều trị một cơn sốt, hay sự phát triển của khối u, mà là đang điều trị một người đang mắc bệnh, tình trạng bệnh có thể ảnh hưởng đến gia đình người đó và sự ổn định của nền kinh tế". Các anh, các chị ngành Y tế nói chung và các bác sĩ, điều dưỡng viên ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và hàng trăm cán bộ, nhân viên ngành Y tế Đất Sen hồng nói riêng là những người như vậy. Trong xã hội luôn có những suy nghĩ khác nhau, tích cực và tiêu cực, chia sẻ và phán xét. Có không ít người tự biến mình thành "anh hùng bàn phím", chống dịch bằng những kỳ thị, định kiến, trong khi lại thiếu sự cảm thông, thấu hiểu với những những người tham gia chống dịch, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng.
Nghe anh em kể lại mà thật xúc động! Đêm hôm, thậm chí là giữa khuya mà có lệnh là lên xe đón đối tượng cách ly về. Rồi chuẩn bị chỗ đón tiếp, rồi thăm khám, rồi sàng lọc. Người bình thường được khuyến cáo khi tiếp xúc phải giữ khoảng cách 2m với người kế bên, còn đội ngũ y tế thì chung xe, chung phòng, sáng chiều phải tiếp xúc từng người. Đến khi điều trị cho người bị dương tính thì mặt kề mặt, người bệnh căng thẳng mà người chăm sóc, điều trị càng căng thẳng hơn. Một ca trực mệt cả thể xác lẫn tinh thần. Gia đình, vợ con thì xa cách. Sức khoẻ thì có thể rủi ro bất kỳ lúc nào. Mối quan hệ xã hội thường ngày thì bị dừng lại.
Trong cơn đại dịch, mỗi người phải tự lo cho mình nhưng đồng thời cũng cần san sẻ với đội ngũ ngành Y đang ngày đêm đánh đổi những phút giây êm đềm, hạnh phúc bên người thân, đánh đổi những phút giây vui vẻ, thoải mái như bao người khác để làm tròn thiên chức của người thầy thuốc. Đội ngũ thầy thuốc Đất Sen hồng đang góp phần tạo dựng hình ảnh tốt đẹp, trách nhiệm cho Đất Sen hồng. Có thể một câu nói vô tình, một tin nhắn vu vơ, những bình phẩm thiếu trách nhiệm biết đâu chạm vào nỗi đau sâu thẳm trong lòng những chiến binh áo trắng.
Làng xóm, người thân và cả xã hội đều thể hiện trách nhiệm của người tuyến sau. Cả thế giới đang có những hình ảnh thật sáng tạo và mang đầy ý nghĩa nhân văn để đồng cảm với đội ngũ "Trên tuyến đầu chống dịch". Chỗ thì đồng loạt vỗ tay vang cả một góc trời. Chỗ thì ủng hộ thực phẩm ủng hộ để anh em có đủ dinh dưỡng sau một ca trực căng thẳng, một ngày làm việc vất vả. Chỗ thì dùng lời ca, tiếng hát, bài thơ đầy xúc động để cổ vũ, động viên các y bác sĩ... Vậy đó, mỗi “Công dân Đất Sen hồng” hãy tự biến mình làm chỗ dựa cho những người ngày đêm ở tuyến trên đầu chống dịch. Nếu đã thấu cảm thì mỗi người, từ doanh nhân cho đến người buôn bán, từ công chức đến người trí thức, từ người thường đến bậc tu hành, từ nhà báo cho đến văn nghệ sĩ, ai ai cũng có thể làm điều gì đó cho những người thầm lặng bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng, trong đó, có mỗi chúng ta.
Có một khẩu hiệu thật là đúng thời điểm này: "Chúng tôi đi làm vì bạn. Bạn hãy ở nhà vì chúng tôi"! Vậy đó, chúng ta ở nhà còn được quây quần bên bữa cơm gia đình, trong lúc đó, những người trên tuyến đầu chống dịch đâu có hưởng được những khoảng thời gian hạnh phúc bình dị như vậy. Vậy nên, khi "ở nhà" chúng ta vẫn có thể "làm điều gì đó" có ích hơn cho cộng đồng, cho xã hội. Cơn đại dịch đang gây khó cho từng người, nhưng nếu biết "Nghĩ cho người khác" thì chúng ta sẽ biết mình phải hành động như thế nào. "Cho đi rồi sẽ được nhận lại"! Nhận lại niềm hạnh phúc khi mình đã làm được điều tốt đẹp cho những người chung quanh.
"Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau" là vậy! Người dân Đất Sen hồng luôn là vậy! Chúng ta đang nợ những người đang trên tuyến đầu chống dịch một chữ “ân tình”!
Xích Lô