Câu chuyện cảm xúc
Cập nhật ngày: 09/07/2020 17:48:11
Thiệt tình mà nói, hồi nhỏ tới giờ chưa biết mặt mày ông Bụt ra sao, chỉ biết và tưởng tượng qua các câu chuyện cổ tích ông bà kể lại. Nghe nói Ổng hiền lắm, đôn hậu lắm, không giận dỗi hay bực tức ai bao giờ. Còn đối với người phàm, thường mỗi khi nóng giận điều gì đó, nhớ lại câu ông bà thường nhắc: "Coi chừng "giận quá mất khôn" đó nhe"! Còn mỗi khi bực bội ai đó mà không thể trút hết vô người đó thì tìm người "thế mạng". Vậy là, "giận cá chém thớt" rồi!
Có một triết gia tổng kết: "Sự tức giận có thể dập tắt một ý tưởng vĩ đại". Nhìn xuôi nhìn ngược, nhìn tới nhìn lui, nhìn chung quanh mình rồi nhìn lại chính mình thì hình như thấy điều đó đúng. Con người ta đa phần vốn dĩ sinh ra là đã có "máu ăn thua" rồi. Bởi vậy nên lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, người ta sáng nghĩ ra bao nhiêu là loại hình cờ bạc. Có người còn bị tán gia bại sản, thậm chí tự tử vì cái trò đỏ đen, cái máu ăn thua đó. Cũng giống như vô bàn bài đâu ai chịu thua ai, thì mỗi khi tranh luận nhiều người cũng đâu chịu phần thua về mình. Nào là sĩ diện. Nào là cố chấp. Nào là muốn chứng tỏ "ta đây", thậm chí có hơi hướng "bề trên", vị trí cao thấp, sang hèn. Vậy là, thay vì tìm chỗ tương đồng để hoá giải những bất đồng, thì ngược lại, làm cho câu chuyện trở nên bốc đồng hơn. Thay vì nghĩ cho người khác thì chỉ nghĩ cho mình, không biết đặt vị trí mình vào vị trí người khác để thấu cảm những cảm xúc buồn vui của họ. Có người lại còn lấy cảm xúc của mình chế ngự cảm xúc người khác rồi tìm mọi lý do để biện minh. Vậy là trong nhà thì lục đục, trong xóm làng thì bất hoà, trong cơ quan, đơn vị thì quay lưng với nhau. Tất cả cũng là từ chữ "tôi" quá lớn mà ra cả thôi!
Vậy là, căng thẳng với nhau rồi, xung đột với nhau rồi, thậm chí là muốn "ăn tươi nuốt sống" nhau rồi. Cùng là con người mà, mình có sĩ diện thì người khác cũng có sĩ diện, mình biết tự trọng thì người khác cũng biết tự trọng, mình không muốn bị tổn thương thì người khác cũng đâu có muốn bị tổn thương. Một câu nói vô tình có thể chạm vào trái tim người khác. Ai cũng có trái tim như ai thôi. Làm sao hiểu về trái tim người khác, hiểu được cảm xúc của người khác mới gọi là thấu cảm. Quả đất tròn lắm, biết đâu "mai kia, mốt nọ" sẽ còn gặp mặt nhau trên bước đường đời. "Trước lạ, sau quen" cũng từ một câu nói mà "thân" sẽ trở thành "sơ" cũng từ một câu nói.
Trong kinh doanh, người ta chuyển từ cạnh tranh "thắng - thua" sang "đôi bên cùng thắng". Trong quan hệ hàng ngày, chúng ta có làm được điều đó không, hay vì niềm kiêu hãnh, vì cái tôi quá lớn trong mỗi người làm cho chúng ta quên tự hỏi rằng, nếu thua thì mất gì và nếu thắng thì được gì? Cái gì mất trước mắt, cái gì được lâu dài. Đâu phải vô tình mà ông bà mình nhắc nhở bằng những tục ngữ ca dao với bao lời hay ý đẹp. Nào là, "Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Nào là, "Vĩ hòa vi quý". Rồi nào là, "Một câu nhịn chín câu lành", "Trăm cái lý không bằng tí cái tình"... Và hình như, lời người xưa đâu có khuyến khích việc hơn thua nhau dù chỉ là lời nói.
Có người nói biết là vậy nhưng sao khó thay đổi quá, gặp chuyện gì "chướng tai gai mắt" là đã "nổi xung thiên" lên rồi, muốn "ăn thua đủ" với nhau rồi, "máu dồn lên óc o" rồi, nhịn sao được mà nhịn... Nếu không phản ứng như vậy, không khéo người ta còn nói mình không có chính kiến rõ ràng, là "dân ba phải". Nghĩ thiệt ngộ, hai người thân thiết nhau khi tâm tình chỉ cần nói nhỏ nhẹ mà vẫn hiểu nhau, nhưng khi có gì bất hoà là to tiếng ầm ĩ mà hình như vẫn không nghe được nhau. Vì sao vậy? Có phải lúc ấy, mỗi người chỉ tập trung lo "chì chiết" nhau, nặng nhẹ nhau, bêu xấu nhau nên không còn đủ bình tĩnh để "nghe nhau nói và nói nhau nghe"? "Cái nết đánh chết cái đẹp" là vậy!
Vậy đó, cái gì cũng phải tập luyện, thậm chí là khổ luyện. Lần này kềm chế chưa được thì lần sau lại cố mà kiềm chế, riết rồi cũng quen thôi mà. Vấn đề là hiểu được tầm quan trọng của việc điều tiết cảm xúc có lợi như thế nào trên con đường chinh phục trái tim người khác. Một khi chinh phục được người khác là chúng ta đã lát thêm một viên đá trên con đường đi đến thành công. "Điều gì mình không muốn người khác làm với mình thì mình cũng đừng làm điều đó với người khác". "Có qua có lại mới toại lòng nhau" mà!
Có người cho rằng, thành công là do trí thông minh, người này thành công hơn người kia là do thông minh hơn người kia. Nhưng thông minh thôi thì chưa đủ đâu! Cảm xúc mới quyết định nhiều hơn! Cảm xúc người này lan toả cho cảm xúc người khác. Người này vui vì đã đem lại niềm vui cho người khác. Vậy là, cả hai cùng vui, cả hai cùng thắng rồi. Khi trái tim hoà cùng một nhịp đập thì việc gì cũng có thể vượt qua, khó mấy cũng có thể khắc phục được. Khi ấy, năng lượng người này cộng hưởng với năng lượng người kia tạo thành sức mạnh vô biên, khiến mọi người thấy cần phải có người kia trên hành trình phía trước. Khi ấy, mới thấm thía chiều sâu của câu danh ngôn: "Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau"! "Đi cùng nhau" thì phải biết tôn trọng cảm xúc của nhau!
Vậy mình muốn "đi nhanh" hay muốn "đi xa"? Muốn một mình cô độc trên hành trình hay cùng dìu bước để đi, để cùng nhau vượt qua giông bão?
Lê Minh Hoan