Câu chuyện nghề báo
Cập nhật ngày: 19/06/2020 10:45:02
(Viết nhân Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam)
Hàng ngày, mỗi khi giở một tờ báo ra đọc, xem một chương trình truyền hình, truyền thanh, không chỉ để biết thêm tin tức, thấm thêm dòng chính luận, nghiền ngẫm những chuyên mục, mà còn miên man nhớ đến các tác giả, đến những người làm báo. Thật trân quý người làm báo Đất Sen hồng trong "cơn bão" của sự cạnh tranh gay gắt tứ bề, của truyền thông đa phương tiện, của mạng xã hội.
Thỉnh thoảng dịp này dịp nọ, tiếp xúc các nhà báo, nghe những lời tự sự, chia sẻ những ưu tư, những hiến kế tâm huyết mới thấy sức mạnh tiềm tàng, tinh thần dấn thân của đội ngũ báo chí tỉnh nhà. Chính người làm báo quê mình cũng đang trăn trở cùng với sự trăn trở của lãnh đạo về chặng đường đã qua, chặng đường phía trước. Chính nhà báo quê mình cũng đau đáu khi so sánh địa phương mình với địa phương khác. Chính nhà báo quê mình đang hứng khởi về hình ảnh Đất Sen hồng ngày càng được vươn xa, trong đó, có sự đóng góp quan trọng, nhiệt thành, trách nhiệm của báo giới. Mảnh đất này đâu của riêng cá nhân nào, dù đó là ai, là những ai, mà là của tất cả những người chọn nơi này là quê hương. Làm cách nào làm bật dậy những tài năng, làm sống dậy những hoài bão, làm sáng lên niềm tin trong đội ngũ báo giới ở xứ sở này là những điều còn nhiều trăn trở.
Nghề nào cũng vậy, phải lấy lẽ sống làm điểm tựa cho sự phát triển nghề nghiệp. Nghề báo cũng đâu có ngoại lệ, thậm chí nghề báo do đặc thù "lăn lộn" vào từng ngõ ngách của xã hội nên nắm bắt thực tiễn cuộc sống nhanh hơn, thấm hơn, vốn sống được tích lũy nhiều hơn. Từ thực tiễn, sẽ hình thành lẽ sống đầy tính nhân văn, dù đó là phóng viên, biên tập viên, người quản lý báo, đài. Từ lẽ sống, sẽ biến thành niềm đam mê, thành thái độ tích cực với cuộc sống trong từng người không phân biệt thứ bậc, vị trí trong mỗi đơn vị. Trong một tổ chức, trong đó, có báo đài, cũng cần đến thứ bậc hành chính, nhưng trong hành nghề thì không còn đánh giá giá trị mỗi người thông qua thứ bậc. Mỗi người đều có quyền, được quyền tự hào về những đóng góp bằng nghề nghiệp của mình. Khi bớt đi thứ bậc nghề nghiệp, giảm đi thứ bậc về tuổi tác theo kiểu “sống lâu lên lão làng” thì sẽ nối kết được nhiều người đến với nhau. Khi ấy, sự sáng tạo sẽ được hình thành và lan truyền từ người này sang người khác, kích hoạt sự năng động của cả đội ngũ báo giới.
Nghề nào cũng vậy, kiến thức được đào tạo trong trường lớp là của ngày hôm qua, ngày nay đang thay đổi và ngày mai lại càng thay đổi nhanh hơn. Để theo kịp dòng chảy của sự thay đổi, mỗi người làm báo không được tự bằng lòng, tự trói mình vào những khuôn mẫu cũ kỹ, vào những gì "năm nẳm" đã được học trường này lớp nọ. "Tự học và tự học suốt đời" là kim chỉ nam cho đường đi đến thành công của mỗi người trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong kỷ nguyên số hoá mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tri thức, công nghệ có thể thay đổi, nhưng lẽ sống, ý thức nghề nghiệp, thái độ làm việc vẫn vậy, vẫn là "bệ đỡ" cho "sự thăng hoa" trong từng bài báo, bản tin, chuyên mục.
Nghề nào cũng vậy, phải có hứng khởi nhờ cảm xúc tích cực mới có kết quả không chỉ đo được bằng hiệu ứng của người đọc, người xem, người nghe, mà còn đo bằng chính niềm hạnh phúc của người làm báo. Hạnh phúc vì mình đã mang lại giá trị cho cuộc sống, cho quê hương xứ sở. Con người dễ bị những cảm xúc tiêu cực bám víu vào trong suy nghĩ, tiềm thức. Nào là, tính toán thiệt hơn, "tiền nào của nấy". Nào là, "nhìn trước, nhìn sau" rồi so đo, đố kỵ. Nào là, "nhìn trên, nhìn dưới" rồi định kiến, hẹp hòi. Cuộc sống luôn bị phân tầng, nên dễ dẫn đến bị tổn thương, mặc cảm. Bao nhiêu điều đó là những rào cản trên con đường hành nghề của mỗi người, đôi khi khiến người làm nghề bị chi phối, bị đè nén, bị chao đảo, mất tập trung, thay vì dồn sức chăm chút cho nghề nghiệp mỗi ngày mỗi tốt hơn, thăng hoa hơn.
Công việc nối tiếp công việc, ngày sau nối tiếp ngày trước, mỗi người chỉ biết lao vào công việc và cố làm cho xong việc được giao. Một Giáo sư trăn trở, tư duy "làm cho xong" đã ăn sâu vào người Việt mình - đó là tư duy của người thất bại. Thay vì vậy, mỗi nhà báo cần dành ra một quỹ thời gian tĩnh lặng lại để chiêm nghiệm về nghề nghiệp của mình, xem mình có thể làm gì tốt hơn, mang lại giá trị cao hơn. Các nhà báo cùng làm việc với nhau, giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau, chia sẻ nhau, khi ấy, chắc chắn sẽ có những tác phẩm xuất sắc đánh động tiềm thức người khác, làm người hạnh phúc càng hạnh phúc hơn, làm người bị tổn thương đỡ tổn thương hơn. Một nhà báo “có nghề” với cách nhìn tinh tế, ai cũng có thể trở thành nhân vật, sự kiện nào cũng sẽ trở thành câu chuyện. Tác phẩm báo chí được hình thành từ những nhân vật, những câu chuyện như vậy.
Muốn nghề nghiệp "thăng hoa", người làm báo cần phải "thăng hoa"! Muốn "thăng hoa" thì cần tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, các mạng lưới xã hội, các mối quan hệ xã hội. Đừng tự bó hẹp mình vào một chức danh, một vị trí được ấn định sẵn. Khi hoà mình vào sự vận động của xã hội, sẽ thấy mình tươi mới thay vì khô khan, rộng mở thay vì khép kín, thanh thoát thay vì cứng nhắc. Ngôi nhà “Hội Nhà báo” là nơi giao lưu nghề nghiệp, chia sẻ kiến thức, truyền cảm hứng cho nhau và nhận trở lại năng lượng tích cực cho mình. Giao lưu giữa các cơ quan báo chí trong tỉnh, rộng mở kết nối với đồng nghiệp ngoài địa phương khác sẽ có nhiều cơ hội để nâng cao nghề nghiệp cho bản thân.
Mỗi năm đến "Ngày của những người làm báo", càng thấm thía hơn những lời Bác dạy: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà…". Và, không chỉ là “phò chính, trừ tà” mà còn mang lại giá trị tốt đẹp cho cuộc đời, để rồi nhà báo cũng sẽ nhận lại những giá trị tốt đẹp cho chính mình.
Chúc các nhà báo Đất Sen hồng ngày càng tươi mới, rộng mở, thanh thoát trong ngòi bút và cả trong cuộc sống! Xã hội đang trông chờ sự thay đổi của nhà báo để góp phần dẫn dắt sự thay đổi trên Mảnh đất này!
Đâu có gì có thể "trói tay, trói chân, trói suy nghĩ" của các nhà báo mình, đúng không? Xin nhường câu trả lời cho mỗi nhà báo yêu mến của chúng ta!
Xích Lô