Câu chuyện chiếc lồng đèn

Cập nhật ngày: 02/08/2020 12:01:24

Một bữa nọ, có anh em ngoài Hội An gửi tặng chiếc lồng đèn. Món quà đơn sơ bình dị mà mang nhiều cảm xúc! Thiệt tình, cũng chẳng biết giá của chiếc lồng đèn xinh xắn kia là bao nhiêu. Và dường như, giá trị của nó đâu nằm ở giá tiền, mà nằm ở giá trị của người Hội An đã dày công tạo ra nó và tình cảm của người tặng món quà lưu niệm mang hồn Hội An ấy.

Hổng biết Phố cổ Hội An tạo nền cho những chiếc lồng đèn lung linh hay những chiếc lồng đèn làm cho Phố cổ huyền diệu hơn? Chắc là cả hai cùng hoà quyện với nhau quá! Lồng đèn Hội An được làm ra bởi bàn tay và khối óc, niềm đam mê và lòng tự hào của người phố Hội, sông Hoài. Nó đâu chỉ là những nan tre được tạo dáng, rồi kết dính lên đó mảnh vải lụa nhiều hoa văn, màu sắc… Nó là văn hoá, là sức sống, là hồn cốt của những người sống trên mảnh đất có bề dày lịch sử luôn không chịu khuất phục trước thiên nhiên khắc nghiệt dọc theo một dãy đất miền Trung nhiều biến cố lịch sử. Vậy là, khi tài hoa cộng với tình yêu quê hương và lòng tự hào, người Hội An đã kết tinh thành giá trị của chiếc lồng đèn và mang chiếc lồng đèn đó làm món quà lan tỏa gần xa.

"Nói gần, nói xa" - Chỉ là mượn câu chuyện chiếc lồng đèn Hội An để nói về những đặc sản quê mình. Xứ nào mà chẳng có đặc sản mang hình ảnh địa phương. Có cái thế hệ đi trước trao lại cho thế hệ tiếp sau. Có cái được tạo mới từ cái đã cũ. Có cái tạo ra từ quá trình giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Vấn đề là phải biết chăm chút cho nó, tạo cho nó một giá trị, "thổi hồn" vào nó một câu chuyện và tạo sự lan toả cho nó bằng nghệ thuật giới thiệu, quảng bá. Một món ăn truyền thống, một chiếc bánh dân gian, một món quà thủ công mỹ nghệ gắn với nguyên liệu đâu đó quanh nhà - tất cả đều qua sự sáng tạo của con người để làm tăng giá trị vừa hữu hình, vừa vô hình. Vậy là, có món quà trao nhau rồi! Vậy là, có thể tự hào giới thiệu về quê mình rồi! Vậy là, có cách thể hiện tình yêu quê hương xứ sở rồi!

Từng chiếc lồng đèn Hội An là thành quả từ những sự khéo léo và sáng tạo của con người. Dường như, đối với người Phố Hội, cái gì người khác làm được thì chắc chắn họ cũng làm được và còn có thể làm tốt hơn! Đó là ý chí mãnh liệt cộng với khát vọng của con người xứ Quảng! Ngẫm lại, không ít bà con mình có lúc chưa nhận ra "con đường đi đến thành công giàu có phải đánh đổi bằng sự nhẫn nại, kiên trì, không sợ khó khăn, không sợ thất bại"

Mảnh Đất Sen hồng một thời được thiên nhiên ưu đãi. Nào là, “mưa thuận gió hoà”. Nào là, "trên cơm dưới cá". Nào là, "phù sa nước ngọt quanh năm". Thì câu ca dao xưa đây: "Ai ơi về miệt Tháp Mười/Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn". Cuộc sống dễ dãi: "Ra đi gặp vịt cũng lùa/Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu". Hào phóng và hiếu khách: "Lòng qua như sắt, nói chắc một lời/Bạc tiền chẳng trọng, chỉ trọng người tình chung". Vậy là, tính tình dễ dãi, mà không dễ dãi sao được, mất mùa này thì sẽ có mùa sau, vụ trước thất thì vụ sau lại trúng thôi… Từ ông cha đã vậy, đến đời cha mẹ cũng vậy, thì đến đời con cháu chắc cũng vậy thôi?!?

Nhưng "Đã qua đi những huyền thoại cũ mèm. Những đồng lúa ma không trồng mà gặt. Những ruộng cá không nuôi mà sẵn bắt. Những ghểnh cẳng, vuốt râu mà làm chơi ăn thật…" .Vậy là, niềm tự hào về đặc ân của thiên nhiên không còn nữa! Điều kiện đã thay đổi thì con người phải thay đổi, không có cách nào khác được. Ngày nay, người ta làm giàu không chỉ dựa vào hai bàn tay cần cù, mà phải dựa vào sự suy nghĩ mới, tính kiên trì nhẫn nại và niềm tin rằng: "Mình có thể làm được những gì người khác làm được, thậm chí làm tốt hơn". Có lẽ, đó là cái cách mà người Hội An đưa chiếc lồng đèn đi khắp nơi trên thế giới!

Có bạn trẻ đưa bà con mình đi học nghề làm thủ công mỹ nghệ, than rằng: "Bà con ngại khó, ngại cực"! Vậy là, mình thua người ta ngay trong cách nghĩ rồi, mà "cách nghĩ dẫn dắt cách làm"! Đúng là, đâu dễ "ngày một, ngày hai" là nắm bắt được sự tinh xảo của người ta. Người ta mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới hình thành các làng nghề, trở thành nghệ nhân. Nhưng mình phải chấp nhận đi, mới đầu là chập chững, rồi cứng cáp dần, đến ngày nào đó mới có thể chạy nhanh được. Muốn vậy, mỗi người không nên tự bằng lòng với chính mình, không chấp nhận tụt hậu. Hãy luôn nghĩ rằng, "Mỗi sản phẩm làm ra không chỉ giúp cho mình khá giả, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người khác". Người thiết kế mẫu mã, người tạo ra nguyên liệu, người sản xuất, người làm bao bì, người đem đi bán... Vậy là, cùng nhau tạo ra giá trị cho cộng đồng, tạo ra sự trù phú cho quê hương xứ sở bằng những sản phẩm tưởng chừng như đơn giản nhất.

Mỗi người đều có tình yêu quê hương và sẽ có cách riêng để thể hiện tình yêu đó! Đem một sản phẩm đặc trưng của quê mình tặng cho bạn bè, người thân, khách khứa cũng là cách thể hiện tình yêu quê hương như anh bạn Hội An dùng chiếc lồng đèn Phố cổ làm quà tặng vậy. Làm được không, người Đất Sen hồng? 

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác