Câu chuyện thái độ

Cập nhật ngày: 09/08/2020 07:23:26

Làm lãnh đạo, công việc hàng ngày thường phải đọc các báo cáo của các tổ chức, ngành, địa phương trong hệ thống chính trị. Khi nhận được những tín hiệu tích cực thì rất vui và càng vui hơn khi cảm nhận được phía sau mỗi con số, kết quả, mỗi thành tích đạt được là công sức đóng góp của bao con người trong bộ máy. Càng vui hơn khi cảm nhận được sự chuyển động về mặt tư duy, ý thức, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà, đặc biệt là những người không xuất hiện trên các diễn đàn, hội nghị, họp hội....

Các con số định lượng trong thành tích chắc chắn không thể minh chứng đầy đủ giá trị ẩn bên trong một đội ngũ luôn biết trăn trở về nhiệm vụ của mình. Có ngồi hàn huyên với anh em, có đọc những bức thư điện tử chia sẻ của anh em, có xem những dòng tin nhắn của anh em, mới thấy tự hào với sự trưởng thành của từng người trong bộ máy. Sự trưởng thành đó không hẳn là được "thăng quan, tiến chức", được quy hoạch, mà là tinh thần trách nhiệm, niềm đam mê với công việc, những trăn trở về những việc đáng lẽ phải làm nhưng vì lý này, nguyên nhân nọ chưa làm được. Đúng là có nhiều việc chưa làm được ngay, hoặc đã làm nhưng kết quả còn ở phía trước, song, một khi biết trăn trở là đã thấy trách nhiệm, thậm chí là bổn phận của mình với tổ chức, với sự phát triển của quê hương, xứ sở rồi!

Nhìn hoa sen rực hồng sáng sớm trên phố, nhiều người dừng lại chụp hình rồi chia sẻ cảm xúc với người khác. Nhận được thông tin tích cực khi tỉnh nhà được xếp hạng cao các chỉ số cấp quốc gia, các sáng kiến địa phương được đánh giá cao, nhiều người chúc mừng với niềm tin quê mình đã không còn "khuất nẻo". Khi sự kiện tầm quốc gia được tổ chức trên quê hương, cảm nhận nhiều người vui hơn, phấn chấn hơn, tự hào hơn. Mỗi khi có học sinh, sinh viên, vận động viên, nghệ sĩ đạt thành tích cao trong các cuộc thi, nhiều người cảm thấy có niềm tin về con người Đồng Tháp đã sánh vai cùng các địa phương khác. Cụm từ "Đất Sen hồng" đã trở thành thương hiệu chung cho người Đồng Tháp quê mình. Một nhà đầu tư phát biểu: "Tôi cảm nhận được sự năng động, đồng hành, hỗ trợ tận tình của chính quyền địa phương không chỉ đến từ lãnh đạo Tỉnh, mà còn ở mỗi cán bộ, công chức phụ trách, xử lý, theo dõi hồ sơ mà tôi có dịp tiếp xúc, làm việc".

Nhưng vui hơn khi cảm nhận nhiều người biết lo lắng, biết đau đáu về công việc của mình. Vậy là nhiều người thẩm thấu được hai chữ trách nhiệm và bổn phận rồi. Trong đại dịch vừa rồi mới thấy trân quý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thấy nhiều người bị lây nhiễm là lo, là thương. Thấy lực lượng chức năng cực khổ phòng, chống dịch là lo, là thương. Thấy bà con lao đao vì nguồn mưu sinh bị mất là lo, là thương. Thấy người lao động bị mất việc lại lo, lại thương. Có cán bộ xúc động khi thấy dòng người chen chúc kê khai nhận trợ cấp thất nghiệp. Có cán bộ thấy nhiều nhà máy, phân xưởng bị ngưng hoạt động lại lo cho sự bền vững của doanh nghiệp, cho sự phát triển của tỉnh nhà. Có cán bộ thấy hành động phản cảm trong cách ứng xử với nhau đã nặng lòng cho hình ảnh địa phương đang được dày công tạo dựng. Có cán bộ hội quần chúng thấy học sinh nghèo có ý chí vượt khó học giỏi là tìm đến hỗ trợ kịp thời.

Có phải chăng đó là "Một người biết lo bằng cả kho người làm"? Đúng rồi, một khi không biết lo lắng, không biết trăn trở, không biết nặng lòng thì sẽ không có động lực làm việc. Đó chính là thái độ của mỗi người đối với công việc của mình, và nói rộng ra, là thái độ với cuộc sống. Khi thấy mọi chuyện xảy ra chung quanh là "của ai đó" chứ không phải "của mình" thì đó là rào cản trên con đường phát triển của mảnh đất này. Có người làm chỉ vì ai đó giao việc, chứ không phải xuất phát từ nỗi lo cho quê hương, xứ sở, chưa thấy đó là việc phải làm, cần làm, nên làm. Khi ấy, sẽ làm một cách thụ động, miễn cưỡng, thậm chí là đối phó. Khi ấy, là làm cho xong, làm cho rồi, chứ không suy nghĩ làm cách nào cho việc tốt hơn, mới hơn, ít tốn kém hơn, mà vẫn hiệu quả hơn.

Tất nhiên, không chỉ biết lo thôi mà mọi việc sẽ trôi chảy, nhưng phải khởi đầu là biết lo, lo cho ngành mình, đơn vị mình, tổ chức mình, địa phương mình tụt hậu, lo cho quê hương mình đang ở "vùng trũng". Lo để bắt đầu lập kế hoạch hành động, cùng bắt tay nhau hành động với tâm thế "Điều gì người khác làm được thì vì sao mình không làm được"? Điều gì cản trở con tim, khối óc của mình. "Khó cho ta thì cũng khó cho người" mà! Ai cũng như ai, chỉ khác nhau ở thái độ, khát vọng, ý chí mà thôi!!!

 Ngạn ngữ có câu: "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường"! "Đường đi khó không vì ngăn sông cách núi, mà vì lòng người ngại núi e sông"! "Sự phát triển của một địa phương bắt đầu từ thái độ sống, thái độ làm việc của mỗi công dân - Tất cả bắt đầu ở thái độ của mỗi người dân đất Sen hồng!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác