10 năm của một thế hệ
Cập nhật ngày: 22/01/2013 08:43:31
Cách đây 10 năm, đã có một sự kiện chấn động xứng đáng được ghi vào lịch sử bóng đá nước nhà đó là chiến thắng 1-0 của đội tuyển Việt Nam trước “đệ tứ anh hào” bóng đá thế giới Hàn Quốc. Bàn thắng duy nhất do Văn Quyến ghi, trên sân trung lập Oman, trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2004…
VFF dùng đội U22 của ông Hoàng Văn Phúc với các tiêu chí khá an toàn
10 năm trước, với tiêu chí “kế thừa”, VFF gạt HLV Calisto và chọn HLV Alfred Riedl lần thứ 2 với nhiệm vụ đoạt HCV SEA Games 2003. Trên cơ sở đó, đội trẻ được dự vòng loại Asian Cup để hình thành một “thế hệ vàng” được xem là thứ 2 của bóng đá Việt Nam.
10 năm sau, có vẻ như VFF muốn đi lại lộ trình đó sau thất bại tại AFF Cup 2012 bằng cách xây dựng một đội ngũ trẻ đá vòng loại Asian Cup và cái đích vẫn là SEA Games vào cuối năm. Thật ra, đây không phải là cách làm mới mẻ gì của VFF, chỉ có điều, nó rơi vào một trạng thái dường như tổ chức này bị “ép” phải làm chứ không thực sự chủ động muốn làm như 10 năm trước. Xin nhớ rằng, ngày đó dù Calisto vừa thành công tại Tiger Cup 2002, nhưng VFF vẫn thẳng tay gạt ra để mời ông Riedl. Ở góc độ nào đó, đấy cũng là một quyết định đúng của VFF bởi năm 2003, ông Riedl đặt dấu ấn rất lớn, và năm 2005 ông cũng quay lại ấn tượng với đội ngũ trẻ trung của năm 2003.
o0o
Nhưng câu chuyện 10 năm trước không giống như bây giờ và không thể chờ đợi điều gì ở thế hệ bây giờ, dù cách làm phảng phất một kỳ vọng như nhau.
10 năm trước, VFF buộc phải đầu tư cho một thế hệ mới sau khi SEA Games chính thức chuyển sang cho đội U23. Ở SEA Games 2001, đội U23 của chúng ta chơi không thành công và VFF thấy được một khoảng trống kế thừa. Vì lẽ đó, việc họ cử đội U23 đá vòng loại Asian Cup 2004 hoàn toàn chủ động và đó là một chiến lược dài hạn. Khá nhiều thành viên của thế hệ đó hiện vẫn còn chơi bóng đỉnh cao như Tài Em, Công Vnh, Hữu Thắng…
Nhưng cũng xin nhớ rằng, dù đấy là một thế hệ tài năng nhưng hậu quả của việc dùng các cầu thủ trẻ ở cấp độ cao quá sớm đã dẫn đến vụ án tiêu cực năm 2005 ở SEA Games. Và dù đấy là thế hệ rất tài năng nhưng phải đến năm 2008, bóng đá Việt Nam mới lên ngôi vương tại AFF Cup sau khi đã thất bại ở các kỳ AFF Cup 2004, 2006. Nói cách khác, một thế hệ mới không thể được “ép chín” kiểu như vậy.
Quay trở lại với cách làm hiện tại. Đây là do VFF ở thế bị động, không thể nào chấp nhận nổi một cú sốc sau AFF Cup 2012. Họ dùng đội U22 của ông Hoàng Văn Phúc với các tiêu chí an toàn: Nếu có thua thì cũng chẳng sao, còn được tiếng là chuẩn bị cho SEA Games.
Thế nhưng, bài học của thế hệ 10 năm trước rất đáng tham khảo. Nó nhắc nhớ rằng, hãy đặt mọi việc ở vị trí của nó thay vì tìm cách thay đổi trình tự phát triển. Thế hệ cầu thủ dưới tay ông Hoàng Văn Phúc không có nét gì tương đồng với những tài năng như Văn Quyến, Tài Em, Công Vinh… của 10 năm trước. Thậm chí, việc “ép chín” ấy còn có thể đi theo vết xe đổ ngày trước chứ chưa có chút gì hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ có một thế hệ mới tốt đẹp hơn.
(Theo SGGPO)