“Nếu bổ nhiệm không hợp lý thì cần mạnh dạn rút lại quyết định“
Cập nhật ngày: 31/10/2016 08:18:46
"Nếu bổ nhiệm không hợp lý thì cần mạnh dạn rút lại quyết định, công khai và kiểm điểm trách nhiệm của người ra quyết định, của người đứng đầu".
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ, là một cán bộ công chức, đảng viên, là đại biểu dân cử, ông thấy buồn trước những thông tin về công tác cán bộ “có vấn đề” ở một số đơn vị, địa phương. Quy định, quy trình chặt chẽ nhưng cách thực hiện nhiều khi chưa thực sự phù hợp dẫn tới dư luận không hay là điều đáng tiếc.
“Thiếu gì cách làm phù hợp hơn!”
“Có những cơ quan mà bổ nhiệm mấy chục người, trên 90% là cán bộ lãnh đạo; có nơi thì bổ nhiệm người nhà, vợ con, họ hàng... nghe cũng cảm thấy có vấn đề gì đó” – vị đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau bày tỏ và cho rằng, các trường hợp khi đi kiểm tra đều cho thấy đúng quy trình nhưng cần nhìn nhận thêm vấn đề ở góc độ khách để có cách làm hay hơn.
Theo ông, với người là con em dòng họ thì khi đề bạt, bổ nhiệm càng phải làm chặt chẽ và kỹ lưỡng hơn để tránh dư luận. Điều đó không chỉ giữ uy tín cho người lãnh đạo trực tiếp mà còn tạo uy tín cho chính bản thân người được bổ nhiệm.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN&MT của Quốc hội nêu ví dụ: Ở một tỉnh, có hai cán bộ trẻ làm việc cùng cơ quan rồi đến với nhau, nỗ lực và vươn lên trong công việc. Đến một thời điểm, cả hai đều được xem xét bổ nhiệm, thậm chí có người xứng đáng đứng đầu đơn vị đó. Nhưng Thường vụ Tỉnh uỷ bố trí hai người ở hai vị trí khác nhau, luân chuyển xuống cơ sở. Sau này, cả hai vợ chồng vẫn được tín nhiệm giữ những vị trí quan trọng.
“Cái cách bố trí cán bộ như thế là rất hợp lý và giúp được cả hai phát triển tốt” – ông Hoàng nói.
Ông Trương Minh Hoàng cũng chia sẻ, khi còn là Bí thư Huyện uỷ, đi kiểm tra cơ sở thấy có trường hợp cha bổ nhiệm con ở vị trí chưa hợp lý, ông đã có ý kiến yêu cầu bố trí phù hợp hơn.
“Nếu không đồng ý thì với thẩm quyền của mình tôi cũng sẽ tách đi vị trí khác. Tôi nghĩ nếu bố và con đều tài giỏi thì thiếu gì cấp, vị trí để bổ sung, điều chỉnh. Ở cơ quan hay địa phương đều có thể luân chuyển đi cơ sở, như thế giúp được cả hai phát triển mà tránh được chuyện dư luận” – ông Trương Minh Hoàng nói.
Gương mẫu và công khai
Trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 trình Quốc hội khoá XIV tại Kỳ họp thứ 2 cũng thẳng thắn cho biết đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực là người thân, trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ... gây bức xúc dư luận.
Theo đại biểu Trương Minh Hoàng, nhận định đó cũng xuất phát từ thực tế cuộc sống. “Giờ chúng ta thấy thấy thông tin đưa lên mạng rất nhiều người xem, bình luận. Một số trường hợp sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ vừa qua có dấu hiệu không bình thường, tạo dư luận không hay”.
Với những trường hợp như thế, theo ông Hoàng, cơ quan, bộ ngành, địa phương, đơn vị liên quan phải giải trình rõ ràng. Đặc biệt, nếu bổ nhiệm không hợp lý thì cần mạnh dạn rút lại quyết định, công khai và kiểm điểm trách nhiệm người ra quyết định, của người đứng đầu.
“Nơi nào để xảy ra vụ việc, tiêu cực, tham nhũng hay quy trình sắp xếp bổ nhiệm cán bộ có vấn đề thì cái quyết định cao nhất là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Trên không gương mẫu thì bên dưới dễ xào xáo trong nội bộ, không nề nếp. Ngược lại, người đứng đầu gương mẫu, nghiêm túc, công tâm, minh bạch trong công tác cán bộ cũng như chặt chẽ trong quản lý chi tiêu thì khó xảy ra những trường hợp như vừa qua” – ông Trương Minh Hoàng nêu quan điểm.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng ủng hộ cách xử lý là có mức kỷ luật tương xứng cả mặt Đảng và chính quyền, để người dân tin tưởng việc nói đi đôi với làm, qua đó cũng góp phần tuyên truyền, giáo dục và răn đe.
“Người làm sai cũng phải ý thức được trách nhiệm để rồi sai đến đâu nhận đến đó, vì như thế mới dễ nhận sự “khoan hồng” của dư luận” – ông Hoàng bày tỏ.
“Bộ Nội vụ rà soát công khai là để có báo cáo chung, còn khi phát hiện nơi nào có sai là phải xử lý ngay, công khai, sai tới đâu xử lý tới đó, không nên để kéo dài, như thế mới lấy lại được lòng tin” – Đại biểu Trương Minh Hoàng
Ngọc Thành/VOV