"Việt Nam không đợi thế giới làm xong hết mới làm"
Cập nhật ngày: 15/09/2016 06:08:19
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh điều này khi cho rằng Việt Nam rất cần nhanh chóng triển khai để bắt tay vào việc phát triển đô thị thông minh.
Tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và truyền thông về phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam vào cuối buổi chiều 14/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Nói đến đô thị thông minh là nói đến việc xử lý thông tin ngày càng thông minh, hiện đại hơn, có ứng dụng công nghệ thông.
Cùng với đó các chủ thể khác gồm công dân, doanh nghiệp cũng trở nên thông minh hơn, khi họ có đủ thông tin, đủ công cụ để tương tác với chính quyền.
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, với trách nhiệm giám sát phản biện của mình, MTTQ Việt Nam đã tổ chức hai hội thảo quốc tế là xây dựng các đô thị thông minh và triển vọng của Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo chế biến của thế giới.
Trong đó, đô thị thông minh là vấn đề mà thế giới đã làm từ lâu. Việt Nam đi sau, rất cần nhanh chóng triển khai để bắt tay vào việc xây dựng hệ thống thông minh.
Theo ông Nguyễn Nguyễn Thiện Nhân, ưu điểm của mô hình đô thị thông minh là chính quyền dự phòng, dự báo khủng hoảng, ách tắc chứ không chỉ đi giải quyết khủng hoảng, ách tắc. Đây là điều Việt Nam đang rất cần hoàn thiện. Cùng với đó, người dân được coi là một cảm biến xã hội thông qua công cụ quản lý là công nghệ thông tin.
4 giải pháp để xây dựng đô thị thông minh, là: chính quyền phải dự báo phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và đảm bảo phát triển bền vững; chính quyền hỗ trợ quyết định “tối ưu” của các chủ thể là hiệu quả kinh tế, xã hội, cá nhân làm cho cuộc sống ngày càng thông minh hơn, hạnh phúc hơn; phát triển và khai thác không gian mạng trong không gian sống của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, xã hội; và muốn có đô thị thông minh thì người dân tham gia quản lý cảm biến xã hội, giám sát xã hội, trí tuệ nhân dân, đó là áp lực để dẫn đến một chính quyền năng động, hiệu quả.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần thực hiện song song quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững. Cùng với đó là quản lý ngành thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh; chính quyền thông minh; công dân thông minh…
"Đô thị thông minh là vấn đề đối với thế giới tương đối mới, nhưng Việt Nam cũng không đợi thế giới làm xong hết mới làm, có thể chúng ta có tiền đề và có nhu cầu làm. Quản lý đô thị chính là quản lý động lực phát triển của đất nước. Quản lý đô thị phải khác quản lý nông thôn để nhanh, hiệu quả, kịp thời, chịu cường độ cao”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Từ thực tiễn đặt ra trong việc xây dựng đô thị thông minh, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc quyết liệt trong việc xây dựng chính phủ điện tử. Cùng với đó giao cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng phương án mẫu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Đặc biệt Bộ Thông tin và Truyền thông cần tập trung tuyên truyền phản ánh nỗ lực xây dựng đô thị thông minh của các địa phương, để Việt Nam có khả năng là quốc gia thứ hai trong ASEAN có thể thành công trong việc xây dựng đô thị thông minh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định, Bộ sẽ tích cực vào cuộc trong việc xây dựng chính phủ điện tử, cũng như tăng cường truyền thông về đô thị thông thông minh.
Trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung đánh giá tình hình ứng dụng đầy đủ công nghệ thông tin tại các thành phố lớn; xây dựng khung các tiêu chí tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ thông tại các thành phố để khi xây dựng đô thị thông minh.
Theo Lại Hoa/VOV