Cười không phải để làm tổn thương người khác
Cập nhật ngày: 13/09/2016 08:33:25
Thường thì trong sinh hoạt hằng ngày, tiếng cười khiến cuộc sống của chúng ta trở nên vui vẻ, ý nghĩa hơn, lại giúp giải tỏa căng thẳng mệt mỏi… Tuy nhiên, việc xuất hiện ngày càng nhiều chương trình giải trí “vui là chính” lấy nội dung nhảm nhí nhạt nhẽo, thậm chí phản cảm để gây cười lại làm người xem lo ngại.
Vừa qua, ngay sau khi phát sóng, một chương trình truyền hình giải trí dành cho sinh viên lập tức nhận được nhiều ý kiến phản hồi bày tỏ thái độ không đồng tình của người xem. Với chủ đề tham nhũng, sinh viên của trường đại học nọ đưa ra một bức tranh có hình ảnh một con sâu và một đồng tiền bị gặm nham nhở. Đáp án cuối cùng được đưa ra cho hình ảnh này là “Con Sâu Gặm Tiền” với bốn ký tự CSGT và không khó để người xem liên tưởng tới chữ viết tắt chỉ “cảnh sát giao thông”. Và như một số độc giả bình luận thì: “Rõ ràng là câu trả lời nhằm đến các chiến sĩ cảnh sát giao thông. Trong một sân chơi sinh viên được phát sóng rộng rãi trên toàn quốc, tôi nghĩ việc đưa ra câu trả lời như vậy là không hợp lý. Nó có thể làm lệch lạc suy nghĩ và mang những ý nghĩ tiêu cực vào bộ phận khán giả là giới trẻ”; “Việc đưa câu hỏi và câu trả lời như vậy lên sóng truyền hình là không cần thiết. Các sinh viên hay những người đưa ra câu hỏi nên có tính chọn lọc hơn”. Như vậy, dù là việc làm vô tình hay cố ý thì khi phát trên sóng truyền hình cũng có thể làm ảnh hưởng đến nhận thức của nhiều người, đưa họ tới suy nghĩ theo hướng tiêu cực, nhất là trong giới trẻ, về hình ảnh của cảnh sát giao thông.
Không thể phủ nhận rằng, trong lực lượng cảnh sát giao thông hiện còn một bộ phận có biểu hiện thoái hóa đạo đức, vi phạm nghiêm trọng quy tắc nghề nghiệp, và báo chí đã phản ánh khá cụ thể. Một số hiện tượng tiêu cực đó không chỉ làm đau đầu cơ quan chức năng mà còn là nỗi nhức nhối của xã hội, nhưng đó không phải số đông. Càng không phải là tất cả. Bởi hằng ngày, chúng ta vẫn tiếp xúc, vẫn biết về nhiều tấm gương đẹp của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, như: Trung úy Võ Minh Hiếu, Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP Hà Nội), trong lúc làm nhiệm vụ đã không quản ngại đến sự an nguy của bản thân, kịp thời ngăn chặn một vụ côn đồ hành hung người đi đường, để rồi chính anh bị thương và phải khâu nhiều mũi. Đó là Thiếu úy Nguyễn Thanh Thảo, Đội Cảnh sát giao thông Công an quận 8 (TP Hồ Chí Minh), trong suốt hai năm làm nhiệm vụ đã không nhận tiền hối lộ, trên đường tuần tra nhiều lần mưu trí, dũng cảm bắt tội phạm trộm xe máy, tội phạm có hung khí. Đó là Thượng úy Trương Tấn Thương, Đội Cảnh sát giao thông Phú Lâm (Công an TP Hồ Chí Minh), người được mệnh danh là “khắc tinh” của kẻ cướp, đã anh dũng chặn bắt nhiều tội phạm trên đường phố, có giai đoạn phải theo dõi để điều trị chống phơi nhiễm HIV vì bị tội phạm hành hung… Và còn rất nhiều tấm gương tận tụy vì công việc, hết lòng vì dân, vì nước như vậy. Những con người và sự kiện đó cho thấy mức độ nguy hiểm mà cảnh sát giao thông trong khi làm nhiệm vụ phải đối mặt hằng ngày. Vì thế, không thể vì một số cá nhân có hành vi tiêu cực để quy chụp, lên án, công kích cả một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an, từ đó dùng hình ảnh “con sâu gặm tiền” để ám chỉ. Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nhiều người đang ở mức rất kém. Tình trạng người lưu thông phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, không có giấy phép lái xe; tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường ngược chiều, chất hàng hóa quá quy định trọng lượng, đi xe máy “kẹp ba, kẹp bốn”… gây nhiều tai nạn thảm khốc đã và đang trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Khi gặp cảnh sát giao thông, người có hành vi vi phạm lại thường không tuân thủ quy định xử phạt mà muốn thỏa hiệp, thậm chí “mong muốn được nhận mãi lộ” để tránh phiền phức, hoặc giảm bớt chi phí đóng phạt. Chưa nói có người vi phạm còn chửi bới, lăng mạ, hành hung cảnh sát giao thông. Đây cũng là yếu tố quan trọng đẩy tới hành vi nhũng nhiễu nếu cảnh sát giao thông không làm đúng chức năng, nhiệm vụ, không làm chủ được bản thân. Trong khi đó, tấm gương của các cảnh sát giao thông nghiêm túc, có hành vi cần được biểu dương, khích lệ lại chưa được tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng để qua đó thay đổi nhận thức của xã hội nói chung, cũng như ý thức của mỗi cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ, từ đó góp phần nhân rộng gương người tốt, việc tốt; làm đẹp hình ảnh người cảnh sát giao thông, đồng thời góp phần đẩy lùi tệ nạn. Trở lại chuyện “con sâu gặm tiền”, điểm xuất phát chỉ là màn đố vui giữa sinh viên trong một chương trình có tính giải trí, nhưng nếu chỉ làm cho vui mà thiếu sự thận trọng, không suy xét tới hậu quả có thể mang đến cho người xem thì tiếng cười ấy có thể làm tổn thương, thậm chí xúc phạm người khác.
Theo dõi nhiều chương trình giải trí hiện nay, có cảm giác rằng dường như tình trạng nhảm nhí, phản cảm trong nội dung và cách thể hiện đang có xu hướng gia tăng? Bởi khán giả truyền hình hẳn khó quên hình ảnh của một nghệ sĩ hài, vì muốn chọc người xem cười nên bôi đầy bánh kem lên tay một khán giả sau đó dùng miệng liếm hết chỗ bánh kem đó! Có nghệ sĩ đã không ngần ngại trườn, bò trên bàn của giám khảo với động tác như khêu gợi để kích động khán giả vỗ tay ủng hộ! Gây cười phản cảm như vậy, liệu nghệ sĩ muốn cho thấy tài năng, hay tự hạ thấp giá trị của mình? Trong chương trình giải trí khác, như để chứng tỏ khả năng sáng tạo, hai nghệ sĩ nọ “biến tấu” ca khúc Lý kéo chài trong một đoạn nhạc ráp có nội dung rất khó hiểu. Rồi nữa là không ít câu hỏi - đáp án “khó đỡ” trong một số chương trình giải trí bị khán giả phản ứng dữ dội, như trường hợp: Theo một câu hát thì: “Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống… ai?”, và có bốn đáp án được đưa ra là: A - Ông hàng xóm; B. Chú cạnh nhà; C - Ba, D - Bác đầu ngõ! Sự bức xúc của người xem là dễ hiểu vì rõ ràng câu hỏi có tính chất giải trí song rất thiếu nghiêm túc bởi đó là ca từ của một bài hát dành cho trẻ em rất nổi tiếng. Hơn nữa việc đặt câu hỏi đó thậm chí còn xúc phạm người mẹ. Hay một câu hỏi khó hiểu, có thể gây ra những suy diễn phản cảm trong một chương trình giải trí nọ cũng bị người xem chê trách như: “Trò gì càng chơi càng ra nước” (đáp án: chơi cờ)! Tình trạng lạm phát ngôn ngữ vỉa hè trong một số chương trình giải trí cũng đang ở mức báo động. Với các chương trình có tính tương tác, các nghệ sĩ được trao quyền chủ động “bày trò”, miễn sao khiến khán giả thích thú, bật cười. Đây sẽ là cơ hội tốt cho người biết làm chủ sân khấu, ứng biến nhanh nhạy, nhưng thực tế không phải ai cũng có thể làm tốt việc này. Vì có nghệ sĩ quá lúng túng nên đã “xả” cả ngôn ngữ lóng, ngôn ngữ đường phố khiến người xem phải đỏ mặt, và có cảm giác bị xúc phạm. Hoặc vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, khán giả cũng không thể chấp nhận được phim ngắn kể về ông thầy đến bữa ăn thì chén hết thịt cá, chừa lại xương cho học sinh nhặt. Khi chúc thầy sống lâu trăm tuổi, cậu học sinh “sáng dạ” lại mong muốn mình được sống lâu hơn thầy một tuổi để thu gom xương cho thầy! Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, câu chuyện này hẳn không xa lạ với nhiều người, vì cũng ẩn chứa tiếng cười ý nhị, lời phê phán sâu sắc. Tuy nhiên, chọn câu chuyện trên phát vào đúng dịp người dân cả nước tôn vinh các nhà giáo thì tiếng cười trên thật sự không đúng lúc, đúng chỗ, trở thành phản tác dụng.
Cũng cần nhắc đến chương trình Bitches in town - Những kẻ lắm lời được thực hiện bởi một công ty tư nhân kết hợp với Youtube phát hành năm 2015. Mục đích của người làm Những kẻ lắm lời là nói lên quan điểm của người trẻ trước các vấn đề của xã hội, đặc biệt lĩnh vực giải trí với tiêu chí “vui là chính”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chương trình đã khai thác hình ảnh, chuyện đời tư của nhiều nghệ sĩ và để các khách mời bình luận, phán xét. Điều đáng nói là thái độ của người bình luận đôi lúc thiếu nghiêm túc, biểu hiện qua những câu nói có tính chế giễu, hay bình phẩm với lời lẽ thô tục, phản cảm khiến nhân vật được mang ra bình phẩm bị tổn thương, bị xúc phạm. Thí dụ các bình luận kiểu, như: “Đ.N mặc đồ nhìn già như bà ngoại T. chứ không phải người yêu”; “L.N.K, M.T có gu mặc xấu mà “vẫn tự tin mặc xấu”...”. Một trong các “nạn nhân” của chương trình đã phải lên tiếng: “Xin hãy dừng show này lại. Đừng làm tổn thương người khác bằng thứ ngôn ngữ quá tệ hại như thế này”. Trước phản ứng của nhiều nghệ sĩ bị Những kẻ lắm lời chế giễu, bàn luận, cơ quan quản lý văn hóa đã yêu cầu chương trình tạm ngừng hoạt động, đồng thời phải gỡ bỏ các tập có nội dung phản cảm.
Trong đời sống tinh thần, trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi người, của cộng đồng, tiếng cười vui tươi, lành mạnh là một thành phần không thể thiếu. Những tiếng cười bổ ích giúp lấy lại cân bằng sau thời gian lao động mệt mỏi, giúp con người yêu đời hơn. Tiếng cười cũng được dùng để chê trách thói hư tật xấu, giúp con người phòng tránh. Nhưng dù tiếng cười có ý nghĩa vui đùa, khích lệ, hay phê phán, lên án thì vẫn cần đúng hoàn cảnh, nếu lạm dụng sẽ phản tác dụng. Lời nói hay hành động bôi bác để gây cười giống như “mũi tên rời khỏi cánh cung” không thể lấy lại được. Bởi vậy, các nghệ sĩ hãy thận trọng trước khi phát ngôn, làm tiểu phẩm hài. Không vì muốn gây cười mà thiếu cẩn trọng, làm tổn thương người khác.
Theo Thi Phong/Nhân Dân điện tử