Đề xuất chuyển từ phí thủy lợi sang giá dịch vụ

Cập nhật ngày: 12/09/2016 16:12:12

Sáng 12-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ 3 của UBTVQH. Phiên họp sẽ diễn ra đến ngày 22-9.

Ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp với nội dung cho ý kiến về dự án Luật Thủy lợi.


Quang cảnh phiên khai mạc Phiên họp thứ 3 của UBTVQH

Theo Tờ trình về dự án Luật Thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày, việc xây dựng Luật Thủy lợi kế thừa và pháp điển hóa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001 và các văn bản pháp luật có liên quan, đồng thời bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này.

“Dự án Luật đã phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương; đồng thời quy định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động về lĩnh vực thủy lợi”, ông Cường nhấn mạnh.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng bày tỏ đồng tình về sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Thủy lợi.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là “chưa thực sự rõ ràng và bao quát hết các nội dung về bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và các hoạt động có liên quan trực tiếp đến thủy lợi”.

Cụ thể, phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về hoạt động thủy lợi, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động thủy lợi, quản lý nhà nước về thủy lợi, nhưng việc giải thích khái niệm hoạt động thủy lợi, hay thủy lợi còn chưa rõ ràng. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật, đồng thời làm rõ nội hàm của hoạt động thủy lợi, và thủy lợi để bảo đảm việc quản lý được toàn diện, chặt chẽ, thống nhất, không chồng chéo với các luật đã ban hành.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu các quy định của dự án Luật Thủy lợi với các luật có liên quan như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Phí và lệ phí, Luật Tài nguyên nước, Luật Xây dựng, Luật Đê điều, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đầu tư công… để bảo đảm tính thống nhất cũng như tính khả thi của các điều luật.

Đáng lưu ý, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến quy định mới trong dự thảo Luật về giá dịch vụ thủy lợi. Trong khi cơ quan soạn thảo cho rằng, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”, giúp người sử dụng dịch vụ (nước từ công trình thủy lợi) hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi lĩnh vực thủy lợi là một loại dịch vụ đầu vào cho sản xuất, góp phần sử dụng nước tiết kiệm…, thì Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị làm rõ việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi sẽ có tác động như thế nào đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đời sống bà con nông dân nói riêng? Nếu quy định này được chấp thuận thì lời giải cho bài toán cân đối giá dịch vụ sẽ như thế nào? Ban soạn thảo đã tính tới quan điểm của người dân, đối tượng chủ yếu chịu sự điều chỉnh của điều luật, khi chuyển từ “phục vụ” sang “dịch vụ” đối với công tác thủy lợi hay chưa?

Chia sẻ quan điểm của bà Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng đề nghị cân nhắc thật kỹ về giá dịch vụ thủy lợi. Theo ông, đây không đơn giản chỉ là sự thay đổi từ ngữ, cách gọi từ “phí” sang “giá” mà là cuộc cách mạng ở nông thôn; Luật Thủy lợi khi ban hành phải thực sự giúp ích cho người dân, chứ không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý của Nhà nước hay thu tiền về cho ngân sách.

Theo Anh Phương/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn