Bất cập nhân lực ngành du lịch
Cập nhật ngày: 25/11/2016 12:43:03
Số lượng, chất lượng hướng dẫn viên chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, thực trạng này là một khó khăn của ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Làm thế nào để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch đang không chỉ là câu hỏi đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách, mà còn là điều trăn trở của những người quan tâm lĩnh vực này.
Thống kê mới đây của Tổng cục Du lịch cho thấy đến nay cả nước có hơn 17.000 hướng dẫn viên du lịch, gồm 9.920 hướng dẫn viên quốc tế phục vụ gần 14 triệu lượt khách và 7.467 hướng dẫn viên trong nước phục vụ hơn 45 triệu lượt khách. Theo tính toán của giới chuyên môn, số lượng hướng dẫn viên đó chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu khách trong nước và 40% nhu cầu khách quốc tế. Như vậy, để bảo đảm cung - cầu, ngành du lịch cần phải bổ sung ít nhất 25.000 hướng dẫn viên quốc tế và 50.000 hướng dẫn viên trong nước. Vậy con số này có thể trông chờ từ nguồn nào? Đầu tiên cần kể đến là khối các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có chuyên ngành đào tạo du lịch. Căn cứ số lượng tuyển sinh của các trường thì hiện nay, mỗi năm cả nước có khoảng 50.000 sinh viên du lịch tốt nghiệp. Do đó để bù đắp 75.000 hướng dẫn viên du lịch còn thiếu không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, số lượng sinh viên du lịch tốt nghiệp ra trường hằng năm nhiều, nhưng số người tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo lại ở mức thấp: chỉ 5% số sinh viên tốt nghiệp đại học, 30% số sinh viên cao đẳng, trung cấp ra trường làm việc đúng ngành đúng nghề. Số lao động còn lại trong ngành du lịch là từ chuyên ngành đào tạo khác chuyển sang. Vậy nên để đáp ứng được đòi hỏi của công việc, họ phải theo học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về du lịch. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hướng dẫn viên du lịch vừa thiếu trầm trọng về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Trên thực tế, không hiếm gặp tình trạng hướng dẫn viên thiếu kiến thức về văn hóa, lịch sử, nên trong quá trình hướng dẫn khách tham quan đã cung cấp thông tin sai lệch, gây bức xúc dư luận. Có hướng dẫn viên đưa khách đến điểm di tích lịch sử, thay vì cung cấp thông tin về nơi tham quan thì kể chuyện tiếu lâm, và hướng dẫn khách tự tìm hiểu về di tích tại bảng thông tin ở cổng ra vào! Cá biệt có hướng dẫn viên chỉ đưa khách đến điểm tham quan rồi vào quán nghỉ ngơi uống nước, hẹn sau mấy giờ sẽ đón để đưa khách đi tiếp hoặc về khách sạn. Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay một số hướng dẫn viên không chỉ yếu kém chuyên môn mà ý thức, đạo đức làm nghề cũng kém. Tình trạng này không chỉ xảy ra với hướng dẫn viên “tay ngang” - tức là người không được đào tạo cơ bản về chuyên ngành du lịch, mà ngay cả với một số người được học hành chính quy, đào tạo bài bản. Lãnh đạo một công ty du lịch cho biết, với đối tượng là sinh viên chuyên ngành du lịch mới tốt nghiệp, đơn vị phải mất từ sáu tháng đến 12 tháng để đào tạo lại. Việc đào tạo lại là khá phổ biến, vì theo đánh giá của nhiều đơn vị kinh doanh du lịch, không ít sinh viên ngoài tấm bằng tốt nghiệp hầu như không biết mình cần phải làm gì. Hiện tượng này cho thấy giữa “học” và “hành” của chuyên ngành du lịch đang còn những điểm vênh nhau khá xa. Một tiến sĩ giảng dạy tại Khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, giáo trình giảng dạy tại Khoa Du lịch thuộc nhiều trường đại học thường chỉ dạy những điều cơ bản, như: 1. Người dẫn đường; 2. Thuyết minh tuyến điểm; 3. Sắp xếp và thực hiện các dịch vụ theo chương trình; 4. Xử lý các tình huống; 5. Đại diện công ty. Hệ quả là việc đào tạo còn thiếu hệ thống, người học thiếu nhiều tri thức, kỹ năng như: kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam; tính linh hoạt đa năng và nhạy cảm; thân thiện với khách như một đại diện ngoại giao; ý thức của một công dân yêu nước có trách nhiệm nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước... Đây là điều cần được các cơ sở đào tạo về chuyên ngành du lịch quan tâm và điều chỉnh kịp thời. Tình trạng “dạy chay, học chay” không gắn với thực tiễn ở một trình độ, góc độ nhất định sẽ dẫn tới lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức của cả người dạy lẫn người học. Thời gian tới, rất cần tăng cường liên kết giữa nhà trường và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Việc hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp giúp các cơ sở đào tạo nắm bắt các yêu cầu, đòi hỏi của thị trường, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung vào chương trình giảng dạy, đồng thời tạo môi trường thực tế giúp sinh viên thực tập, trải nghiệm để sau này ra trường không bị bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, sự hợp tác cũng giúp các tổ chức, doanh nghiệp du lịch được hưởng lợi bởi họ tìm kiếm được nguồn nhân lực chất lượng, không mất công tuyển lựa, đào tạo lại chuyên môn nghiệp vụ,...
Hiện nay, không khó để một cá nhân được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch. Theo Điều 73 Luật Du lịch năm 2005, điều kiện để cấp thẻ hướng dẫn viên trong nước về chuyên môn nghiệp vụ gồm: có trình độ trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; tốt nghiệp chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp. Với hướng dẫn viên quốc tế, đòi hỏi về chuyên môn nghiệp vụ cao hơn, cụ thể: có trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp; phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ. Như vậy, dù không học qua chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch, chỉ cần trải qua một khóa đào tạo ngắn hạn theo quy định hiện hành và được cấp chứng chỉ đạt yêu cầu là một người có thể hoạt động trong lĩnh vực du lịch với tư cách hướng dẫn viên. Do sự phát triển khá nóng của du lịch các năm qua dẫn đến việc thiếu hướng dẫn viên du lịch, nên dẫn đến tình trạng một số cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ theo số lượng, nhưng chưa bảo đảm về chất lượng. Đáng chú ý, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch quốc tế đang ngày càng bộc lộ một số bất cập. Bên cạnh trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn yếu kém, thì hạn chế về trình độ ngoại ngữ là rào cản trong giao tiếp với khách nước ngoài. Hiện ngành du lịch thiếu trầm trọng hướng dẫn viên biết các thứ tiếng Nga, Pháp, Nhật Bản, Thái-lan… Vì thế dẫn tới tình trạng “du lịch chui”, đó là công ty lữ hành quốc tế tự tổ chức tour (chuyến du lịch), có hướng dẫn viên riêng, và chỉ nhờ hướng dẫn viên Việt Nam đứng tên để hợp thức hóa. Hậu quả là hướng dẫn viên nước ngoài tự giới thiệu, hướng dẫn theo cách hiểu của họ, thế nên mới xảy ra chuyện có hướng dẫn viên nước ngoài xuyên tạc, bóp méo lịch sử, văn hóa Việt Nam ở Đà Nẵng tháng 6 vừa qua khiến dư luận bất bình. Không chỉ vậy, những vụ việc như thế còn làm ảnh hưởng tiêu cực tới dịch vụ du lịch, Nhà nước thất thu thuế...
“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” chỉ rõ mục tiêu: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm; phát triển song song du lịch nội địa và du lịch quốc tế, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho sự phát triển du lịch. Để thực hiện mục tiêu này, đã đến lúc chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, như: phát triển đa dạng sản phẩm du lịch; đầu tư hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch kết hợp với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá thương hiệu, gắn với đầu tư và chính sách phát triển; tích cực hợp tác quốc tế về du lịch; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan du lịch... Tuy nhiên, dù cơ chế chính sách về du lịch ưu việt đến đâu, dù thị trường du lịch mở rộng thế nào, dù sản phẩm du lịch phong phú đến đâu mà nhân lực trong ngành du lịch không đáp ứng được những đòi hỏi cụ thể, trực tiếp của thực tế thì mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước sẽ khó đạt như kỳ vọng. Tất nhiên, nhân lực ngành du lịch rất đa dạng, nhưng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch là những người tiếp xúc trực tiếp với du khách, góp phần tạo nên hình ảnh, thương hiệu quốc gia, cũng như chất lượng dịch vụ; đặc biệt với khách du lịch quốc tế, thì hướng dẫn viên du lịch còn được coi là "nhà ngoại giao văn hóa". Điều này cho thấy vai trò, tầm quan trọng của hướng dẫn viên du lịch. Hy vọng ngành du lịch sẽ tiến hành đổi mới một cách quyết liệt từ quan điểm, quy hoạch, chính sách cho đến chuyển biến trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực,… góp phần đưa ngành du lịch "cất cánh", đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thi Phong/NDĐT