Sản phẩm sạch thiếu chỗ đứng trên thị trường

Cập nhật ngày: 19/11/2016 09:42:22

Theo Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cả nước hiện có 631 doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm an toàn xuất khẩu.

Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế cũng đã chứng nhận 2.495 cơ sở đủ điều kiện ATTP. Cục trồng trọt đã chứng nhận 1.585 cơ sở đạt GAP (thực hành nông nghiệp tốt) và 3.500 cơ sở chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thế nhưng, những cơ sở này tên gì, sản phẩm của họ là gì và họ đang cung ứng sản phẩm ở đâu thì người tiêu dùng không biết, hoặc biết nhưng không đầy đủ và rất mơ hồ.


Một hô nông dân trồng rau VietGAP

Lý giải thực tế này, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cho biết nguyên nhân là do có nhiều DN dù đạt tiêu chuẩn ATTP nhưng từ chối thông tin. Thậm chí, nhiều trường hợp DN và nông hộ từ chối duy trì quy trình sản xuất sản phẩm sạch. Điều này xuất phát từ thực tế thị trường tiêu thụ chưa có sự phân biệt rõ những ưu thế về giá thành, sản phẩm sạch chỉ được thu mua như thực phẩm bình thường, dù chi phí đầu tư và chất lượng đều cao hơn. 

Một vấn đề khác là công tác thẩm định và cấp chứng nhận ATTP của các cơ quan quản lý không tương thích với tiêu chuẩn chứng nhận của tổ chức quốc tế.

Các cơ quan quản lý chỉ kiểm soát vấn đề ATTP theo chiến dịch, kiểm soát lô hàng; không kiểm soát hiệu quả tại các điểm đầu tiên của chuỗi thực phẩm như biên giới, chợ đầu mối, các cảng bao gồm cảng cá, các cơ sở sản xuất, thương mại, hóa chất, thức ăn và phân bón, nên thực phẩm chưa an toàn vẫn tồn tại nhan nhãn trên thị trường.

Mặt khác, việc có quá nhiều cơ quan quản lý chịu trách nhiệm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay dẫn đến kiểm tra chồng chéo, có nơi còn nhũng nhiễu đối với các đơn vị chấp hành tốt quy định sản xuất thực phẩm sạch.

Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất thực phẩm sạch nói chung, nhiều DN cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận quản lý từ phía Nhà nước, dựa vào cộng đồng để kiểm soát ATTP.

Các cơ quan chức năng phải quản lý ATTP  theo tiêu chuẩn, quy chuẩn giống như châu Âu và quốc tế. Cần xây dựng và công bố lộ trình thực hiện tiêu chuẩn ATTP cho nông hộ, doanh nghiệp phải tuân thủ. Các cơ quan chức năng liên quan nên phát triển năng lực của các hộ nông dân để chuẩn hóa quy trình sản xuất sản phẩm sạch ngay từ khâu đầu vào bằng cách liên kết và xây dựng cộng đồng sản xuất sạch theo những thương hiệu nhất định. Đồng thời, hỗ trợ phát triển năng lực của các tổ chức cộng đồng để đưa thương hiệu sản phẩm Việt ra thị trường.

Về phía người tiêu dùng nên thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng mua sản phẩm có bao bì, đóng gói, nhãn mác và yêu cầu có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo nhận diện thực phẩm an toàn theo quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn, thay vì theo hiệu ứng đám đông như hiện nay.

ÁI VÂN/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn