Bộ trưởng Bộ Công Thương: Người dân sẽ biết rõ giá điện, giá xăng

Cập nhật ngày: 12/05/2014 10:44:00

Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 11/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng giải thích vấn đề minh bạch giá điện, giá xăng dầu cũng như việc đảm bảo không để thiếu điện trong mùa khô 2014-2015.

Thưa Bộ trưởng, một người dân gửi thư về chương trình hỏi: Trước đây, nghe báo chí nói nhiều nhưng tôi thực sự cũng không hiểu “thị trường phát điện cạnh tranh” là thế nào, nghĩa là thị trường của mấy công ty bán điện cạnh tranh với nhau bán cho EVN thì có liên quan gì đến những người dân như chúng tôi? Chúng tôi đang phải mua điện với một mức giá khá cao, làm thế nào để người dân biết được giá điện EVN mua vào cũng như để biết rằng giá điện mình phải mua có hợp lý không?


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh có nghĩa là các nhà máy điện phải phấn đấu giảm chi phí trong sản xuất để giảm giá thành và qua đó sẽ được ưu tiên tham gia việc cung cấp điện. Hiện nay, giá sản xuất điện chiếm khoảng 70% trong tổng giá thành điện đến người tiêu dùng. Nếu giá điện bán cho EVN càng thấp thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ giá điện thấp đó.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc chúng ta công bố công khai những nội dung liên quan đến giá điện cũng như tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Điện nói chung vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Chính vì vậy người tiêu dùng có nhu cầu cần phải được nắm rất rõ những chi phí, những yếu tố liên quan đến giá thành điện. Đây chính là một trong những nguyên nhân Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 11 ngày 22/4/2014 về công khai, minh bạch giá điện.

Ban hành một chỉ thị riêng về minh bạch hoạt động kinh doanh thị trường điện có lẽ là động thái tương đối mạnh mẽ của Bộ Công Thương trước nhu cầu của người dân. Nhưng cũng có một câu hỏi khác của người dân gửi đến chương trình bày tỏ băn khoăn về quyền lợi mà người tiêu dùng được hưởng từ Chỉ thị này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trong Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương có 3 nội dung chính, một là, phải công khai những quy định về mặt pháp luật về giá điện, giá xăng dầu. Thứ hai, công khai về chi phí của ngành Điện cũng như các cơ sở sản xuất và kinh doanh xăng dầu, trong đó có cả thông tin về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh và thu nhập của cán bộ công nhân viên ngành Điện, ngành Xăng dầu. Thứ ba, quy định những cơ quan, những thiết chế, phương tiện thực hiện việc công khai hóa, minh bạch hóa. Qua những thông tin này, người dân biết được có quy định pháp luật về vấn đề này, từ đó có điều kiện kiểm tra, giám sát ngành Điện, ngành Xăng dầu có thực hiện đúng quy định pháp luật hay không.

Việc công bố công khai cơ cấu giá điện, giá xăng dầu làm cho người dân có điều kiện lựa chọn giá hợp lý đối với mình. Với việc công khai này, người dân có thể tự xem xét, tự quyết định việc mình sử dụng điện, xăng dầu tiết kiệm và hiệu quả. Tôi nghĩ rằng đó là những lợi ích mà Chỉ thị 11 này mang lại.

Chuyện minh bạch hóa thông tin về giá điện vẫn là một mong mỏi của người dân nên một khán giả có gửi thư đến chương trình nói rằng: Từ trước tới nay, người dân thấy việc tính toán giá điện rất phức tạp, rất khó hiểu. Chúng tôi muốn hỏi Bộ trưởng sau khi Chỉ thị 11 được Bộ Công Thương ban hành thì người dân có thể cùng tham gia giám sát giá điện của EVN được hay không, và bằng cách nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi hoàn toàn đồng tình với câu hỏi này. Với cơ chế công khai minh bạch như vậy sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng giám sát được hoạt động của các đơn vị kinh doanh điện, xăng dầu cũng như giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Vừa qua chúng ta đã làm một số việc, tuy nhiên chưa có hệ thống, liên tục, đầy đủ nên Chỉ thị 11 nhằm khắc phục những khiếm khuyết, bất cập trong công tác công khai, minh bạch giá điện, xăng dầu trước đây, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận một cách đầy đủ, khách quan tình hình sản xuất kinh doanh của ngành Điện, ngành Xăng dầu và đặc biệt là biết được là vì sao phải mua điện, mua xăng dầu với giá như vậy.

Chỉ thị 11 đã có, chúng ta có thời hạn khi nào áp dụng, bằng những cách thức, phương thức, phương tiện gì để người dân có thể tiếp cận?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trong Chỉ thị 11 quy định rất rõ là việc công bố thực hiện trên các trang web của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Ngoài ra có thể sử dụng những phương tiện truyền thông khác để đưa thông tin cũng như phản ánh nguyện vọng, yêu cầu của người dân.

Trong Chỉ thị 11 cũng quy định rất rõ việc định kỳ và thường xuyên cung cấp những thông tin này.

Hiện nay, chuẩn bị vào cao điểm mùa khô, nhu cầu dùng điện sẽ tăng cao trong khi có nhiều thông tin cho rằng khả năng cấp khí cho Nhà máy Cà Mau ở phía Nam bị suy giảm. Bộ trưởng có thể cho biết có thiếu điện hay không? Có nguy cơ bị cắt điện luân phiên trong mùa hè này hay không?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi xin khẳng định là chưa khi nào ngành Điện vận hành trong trạng thái tốt như hiện nay, tốt nghĩa là chúng ta có dự phòng. Bình quân hiện nay, hệ số dự phòng khoảng 20% trên tổng nhu cầu điện. Như vậy có nghĩa là trong tình hình bình thường, khi nhu cầu điện tăng bình quân chừng 10-11%, ngành Điện hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu, và điều này cũng đúng với năm 2014 và năm 2015.

Tuy nhiên, có dự phòng và dự phòng với tỷ lệ như vậy nhưng nếu không may xảy ra sự cố lớn thì cũng có thể có thời điểm việc cung cấp điện có khó khăn nhưng nhìn chung sẽ được đảm bảo.

Minh Khôi (Chinhphu.vn)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn