Thăng trầm cá tra ĐBSCL:
Cá tra phát triển trong sự hỗn loạn
Cập nhật ngày: 07/06/2014 10:04:52
Một vài năm gần đây, con cá tra ĐBSCL phát triển cầm chừng, nhiều thời điểm cứ “thoi thóp”.
Cá tra đạt kích cỡ để thu hoach chế biến xuất khẩu.
Vùng ĐBSCL có môi trường thuận lợi cho nghề nuôi cá tra xuất khẩu. Trong nhiều năm về trước, nghề nuôi cá tra xuất khẩu đã mang lại sự đổi đời cho nhiều người dân.
Thế nhưng, do phát triển nóng, chưa có quy hoạch và các doanh nghiệp xuất khẩu chưa cùng nhìn nhau về một hướng nên đến nay, nghề nuôi và chế biến, xuất khẩu cá tra liên tục gặp khó.
Hiện nay, sản phẩm cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu trên 149 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có thể nói, cá tra là sản phẩm chiến lược quốc gia và gần như “độc quyền” của Việt Nam trên thế giới. Với kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2011 đạt khoảng 1,8 tỷ USD, năm 2012 đạt khoảng 1,75 tỷ USD, nguồn lợi ngoại tệ do con cá tra mang về cao gấp rất nhiều lần so với trồng lúa.
Một vài năm gần đây, con cá tra ĐBSCL phát triển cầm chừng, nhiều thời điểm cứ “thoi thóp”. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để biện minh cũng như việc quy hoạch vùng nuôi cá tra nguyên liệu vẫn cứ loay hoay, tự phát; giữa người nuôi và doanh nghiệp vẫn cứ đi hai con đường riêng hay các doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung trên thị trường xuất khẩu.. đã làm cho nghề nuôi và chế biến cá tra lâm vào tình cảnh khó khăn.
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản tỉnh An Giang cho biết, giá xuất khẩu cá tra hiện tại không thể tăng trong thời gian ngắn. Sau khi bán cá xong, nhiều hộ dân treo ao chờ thời cơ, những người còn vốn thì thả ít hơn để duy trì.
Đến thời điểm đầu tháng 6 này, cá tra loại tốt từ 0,8 kg - 1 kg ở ĐBSCL chỉ có giá 22.000- 23.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 2.500 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá này nông dân nuôi giỏi sẽ hòa vốn, còn nuôi bình thường lỗ từ 500 -1.000 đồng/kg.
Cá rớt giá nhưng cũng ít người mua hơn. Doanh nghiệp hạn chế mua, người nuôi bán cho thương lái tiêu thụ ở thị trường nội địa cũng không xong. Thế nên, kinh nghiệm thương trường cứ được rút ra sau mỗi vụ nuôi nhưng thất bại này cứ nối tiếp thất bại khác.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, người nuôi cá tra ở quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ cho biết, theo kinh nghiệm không nên nuôi một lượt nhiều hầm cá. Thay vào đó là sẽ nuôi 3 hầm trong 2 tháng, 2 tháng sau lại nuôi 2 hầm để có sự tăng trưởng điều hòa hơn và nhẹ vốn đầu tư.
Có thể nói, con cá tra gặp khó như hiện nay không chỉ do thiếu quy hoạch, nuôi tự phát mà còn do chính những doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu cá tra “góp phần”. Nhiều người nuôi cho rằng, chính doanh nghiệp vì cạnh tranh không lành mạnh đã tự “hạ” nhau và kéo cả người nuôi cá vào vòng xoáy này.
Thực tế phản ánh từ nhiều địa phương cho thấy, một số doanh nghiệp xuất khẩu mua bán kiểu chụp giật, hạ giá xuất khẩu để giành hợp đồng rồi sẵn sàng lừa dối đối tác bằng cách quay tăng trọng, mạ băng, bơm nước vào miếng cá tra phi-lê khiến thịt cá bị bở, lạt và kém chất lượng. Không hiếm trường hợp giá xuất khẩu thấp hơn giá thành sản xuất, sau đó doanh nghiệp quay lại ép giá người nuôi cá trong nước.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm hợp tác xã nuôi cá tra ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bức xúc: “Để ngành thủy sản ổn định, yêu cầu các Bộ, ngành điều tra kỹ đối với các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nào cố tình chào giá thấp để giành giật thị trường cũng như kiểm soát chất lượng cá tra thu mua. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có những chế tài để trành rủi ro cho người nuôi cá tra”.
Cá tra Việt Nam mặc dù đang chiếm hơn 90% thị phần xuất khẩu cá tra thế giới nhưng trong vòng vài năm trở lại đây, nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra xuất hiện nhiều bất ổn. Sự mất ổn định trong nuôi trồng và chất lượng sản phẩm chưa được cải thiện đã và đang đặt ra cho lợi thế của ĐBSCL đứng trước những thách thức lớn./.
Theo Thanh Tùng/VOV